Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ cuối: Giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Mỗi tấc đất, sải biển ở Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, là hương hỏa mà cha ông ta đã bao đời không tiếc máu xương để gìn giữ. Tiếp nối truyền thống anh hùng, quân và dân Trường Sa hôm nay nguyện sẵn sàng hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình!
Các cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa đến từ mọi miền của Tổ quốc. Trò chuyện với chúng tôi, những người lính hải quân luôn vững niềm tin, sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung úy Đỗ Trung Nghĩa (sinh năm 1996) - Chính trị viên đảo Len Đao đến từ Thủ đô Hà Nội. Ước mơ được công tác tại đảo tiền tiêu của Tổ quốc đã ấp ủ trong anh từ những ngày còn trên ghế nhà trường. Học xong đại học, anh đăng ký ngay đi Trường Sa. Và ước mơ ấy đã thành hiện thực, khi 5 năm qua anh được nhận nhiệm vụ công tác trên đảo Len Đao. Trò chuyện với anh, chúng tôi cảm nhận được lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc trong tâm hồn người lính trẻ này. Từ Trường Sa xa xôi, anh nhắn nhủ tới các bạn trẻ rằng, tuổi trẻ hãy sẵn sàng nhận những nhiệm vụ gian nan, vất vả nhất. Đó là hành trang, giá trị để giúp ta trưởng thành hơn, vững vàng trong cuộc sống. Hay như chàng chiến sĩ tuổi 20 Thái Bá Đa đến từ huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) chúng tôi gặp khi anh đang bồng súng đứng gác trên đảo Sinh Tồn Đông. Từ chàng trai thư sinh, nay đã dạn dày sương gió, với nụ cười tươi giòn lên ánh thép. Anh Đa chia sẻ rằng, dù thời tiết ngoài đảo khắc nghiệt, điều kiện vật chất không thể đầy đủ như trong đất liền nhưng anh luôn ý thức được nhiệm vụ thiêng liêng mà mình đang thực hiện. Bố mẹ cũng thường gọi điện thoại động viên và tự hào về anh.
Ở đảo Sinh Tồn có thầy giáo Phan Quang Tuấn (sinh năm 1968), 37 năm công tác trong ngành giáo dục, đã viết đơn tình nguyện đi gieo chữ ở Trường Sa. Thầy Tuấn chia sẻ rằng, ước mơ từ thời trẻ của thầy là được đóng góp gì đó cho Trường Sa. "Tôi ra đây cố gắng mang những con chữ truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Ở trên đảo, tôi luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, động viên của ban chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ để an tâm giảng dạy theo chương trình. Trường trên đảo đã có ti vi, giáo án điện tử, giúp các bài học sinh động hơn, theo kịp lớp học ở trong đất liền”, thầy Tuấn chia sẻ.
Tặng chúng tôi viên ngói để xây dựng trụ sở UBND xã Song Tử Tây có gắn Quốc huy Việt Nam, ông Cao Văn Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây bồi hồi nhớ lại những ngày đầu ra đảo. Năm 23 tuổi, ông Giáp (quê ở huyện Cam Lâm) viết đơn lên đường đi xây dựng biển, đảo của Tổ quốc. Từ những ngày đầu đảo còn hoang sơ, quanh năm chỉ toàn bão tố để gầy dựng được như ngày hôm nay là biết bao mồ hôi công sức của nhân dân cả nước, quân và dân trên đảo. “Nếu như có ai hỏi chúng tôi ở đây vì điều gì, tôi xin trả lời rằng vì chúng tôi là những người giữ biển, đảo thiêng liêng”.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo
Như những con tàu rẽ sóng ra Trường Sa mỗi khi đi qua vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma, Tàu HQ 571 dừng lại để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Giữa thời khắc thiêng liêng giữa biển trời Tổ quốc, Đại tá Đỗ Hải Đăng - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đọc lời diễn văn tưởng niệm: “Hôm nay, giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, hướng về hương hỏa của tổ tiên; trước anh linh của những cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú đã ngã xuống vì biển, đảo quê hương; trong niềm tin son sắt với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng; với lòng thành kính biết ơn và tiếc thương vô hạn, từ trong sâu thẳm lòng mình, toàn thể chúng tôi xin nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ. Dẫu biết vinh quang nào mà chẳng có mất mát hy sinh; hạnh phúc nào mà không phải đổi bằng máu xương, mồ hôi, nước mắt. Dẫu biết sự dâng hiến của các anh đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, tinh hoa của dân tộc nhưng trong không gian tĩnh lặng, thành kính này, mỗi chúng tôi không thể cầm lòng... mong sao các anh linh chứng giám, tiếp thêm cho dân tộc ta, quân đội ta sức mạnh; cho chúng tôi ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vươn tới những thành công mới’.
Trong đoàn công tác của chúng tôi, đã có những giọt nước mắt đã rơi; vòng hoa, cánh hạc giấy đã được thả xuống biển nguyện cầu các anh yên nghỉ an lòng trong bóng hình sóng nước; phù hộ độ trì cho thế hệ hôm nay và mai sau mãi giữ yên biển, trời Việt Nam; giữ vững Trường Sa thân yêu của Tổ quốc!
Đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong những năm qua, vượt qua muôn vàn khó khăn, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa đã kiên cường bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời xây dựng đảo trở thành một biểu tượng của ý chí và sức mạnh Việt Nam. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa luôn tự hào là hậu phương vững chắc, là điểm tựa tinh thần và vật chất cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa. Với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa sẽ luôn vững vàng, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
THÁI THỊNH
Kỳ 1: Đất ấm tình người
Kỳ 2: Hiên ngang giữa trùng khơi