Trưởng thành từ sự cố

'Trong cuộc sống, dù ở vị trí việc làm nào, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gì, tin chắc rằng không ít trường hợp đã gặp những tình huống 'khó đỡ', những thử thách không tên. Tuy nhiên, chính điều đó lại là sức hút của nghề, giúp mỗi người có thêm kinh nghiệm, động lực để tiếp tục dấn thân khám phá...'. Đó là chia sẻ của nhà báo Hữu Luận, Phó trưởng Phòng Văn nghệ - Giải trí - Quốc tế, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) nhân kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Phòng Văn nghệ - Giải trí - Quốc tế của BPTV đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật gây tiếng vang trong và ngoài tỉnh suốt nhiều năm qua như: Biên giới khúc tình ca, Những dòng sông hò hẹn, Giai điệu phương Nam, Ấm áp tình xuân... Đây là các chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp với nhiều loại hình phong phú như ca múa nhạc, vũ kịch, giao lưu văn hóa, thường được công diễn ở các địa điểm công cộng, ngoài trời, có quy mô hàng ngàn người.

Tác giả (đứng, phía trước) và ê-kíp trong chương trình phát thanh trực tiếp Giai điệu Việt - Ảnh: Minh Huệ

Trải qua hàng trăm chương trình, hàng trăm sự kiện mà chúng tôi tham gia suốt thời gian làm nghề thì chương trình nghệ thuật Ấm áp tình xuân chủ đề “Tết yêu thương - Tết sẻ chia” dịp xuân Tân Sửu 2021 là một kỷ niệm đáng nhớ.

15 giờ ngày 28-1-2021, toàn bộ ê-kíp thực hiện chương trình gồm đạo diễn, biên tập, nghệ sĩ, các bộ phận âm thanh ánh sáng đều có mặt tại sân khấu Quảng trường 23 tháng 3 để tổng duyệt chương trình. Khi các tiết mục đang diễn ra thì thông tin về cuộc họp đột xuất của Tỉnh ủy, UBND cùng các lãnh đạo sở, ban, ngành về ứng phó với dịch Covid-19 cũng khiến cho các thành viên của ê-kíp thực hiện chương trình không khỏi phân tâm.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước Nguyễn Thị Minh Nhâm kiểm tra, rà soát các khâu chuẩn bị cho chương trình Ấm áp tình xuân năm 2021 - Ảnh: TL

Thời gian tổng duyệt chương trình đang trôi dần về cuối thì nội dung kết luận của cuộc họp cũng được ban hành. Ngay trong ngày, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 như: đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng; hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người; đối với các hoạt động đã có kế hoạch tổ chức thì chủ động cắt giảm quy mô, số lượng người dự, thời lượng chương trình và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Với những yêu cầu nêu trên, đêm diễn với quy mô cả ngàn người đã vi phạm quy định vì không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Nguy cơ đêm diễn có thể bị hủy. Thời điểm tổ chức sự kiện này cũng đã cận kề dịp tết cổ truyền, nếu lùi thời gian tổ chức lại thì không còn cơ hội để đưa đêm diễn đến công chúng.

Sau khi phân tích, đánh giá những hậu quả sẽ xảy ra nếu chương trình bị hủy vào giờ chót, chúng tôi nhanh chóng đưa ra một số đề xuất và xin ý kiến cấp trên về phương án đưa chương trình vào hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh. Hội trường có quy mô 700 chỗ ngồi, sẽ giảm đi một nửa còn khoảng 350 người bao gồm đại biểu, khách mời, đội ngũ phục vụ chương trình... phân bố đều ở tầng dưới và tầng lầu, mỗi người ngồi cách 2 ghế, đảm bảo giãn cách, 100% đều mang khẩu trang. Đồng thời, huy động tất cả lực lượng cán bộ viên chức, người lao động của BPTV và đơn vị phối hợp là thành phố Đồng Xoài làm công tác kiểm tra y tế, phát khẩu trang, hướng dẫn cho đại biểu khách mời tại sảnh trung tâm. Ngoài ra, giải thích và hướng dẫn các khán giả còn lại theo dõi chương trình trực tiếp qua màn hình bên ngoài sân trung tâm, không được vào trong hội trường để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các thành viên trong Ban tổ chức cùng đơn vị tổ chức sự kiện tổng duyệt các tiết mục văn nghệ cho chương trình Ấm áp tình xuân năm 2021 - Ảnh: TL

Phương án này đã được lãnh đạo cơ quan đồng ý và phù hợp với chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh vì tính nhân văn của đêm nhạc trong nhiều năm qua, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong dịp tết đến, xuân về.

Ngay lập tức, toàn bộ ê-kíp thực hiện di dời trang thiết bị phục vụ đêm nhạc vào hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh, đồng thời thông báo cho nghệ sĩ biết địa điểm mới của đêm diễn. Ê-kíp thực hiện chương trình và đội ngũ phục vụ các khâu đều nỗ lực trên 100% trước thử thách chưa từng có này để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Thiết kế sân khấu trong hội trường Trung tâm Văn hóa không lung linh, hoành tráng như ngoài quảng trường nhưng vẫn chuyển tải được toàn bộ nội dung chủ đề của đêm diễn. Khán giả theo dõi qua sóng truyền hình không mảy may nghi ngờ về tính chân thực, hấp dẫn của sân khấu đêm diễn, cũng như không hề biết nó chỉ được thiết kế có vài giờ đồng hồ trước giờ lên sóng .

Thông qua đường dây nóng và ủng hộ trực tiếp tại đêm diễn, ban tổ chức đã nhận được gần 1 tỷ 400 triệu đồng từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân gửi đến các hộ nghèo trong tỉnh nhân dịp đón tết cổ truyền dân tộc. Đêm diễn kết thúc trong niềm vui vỡ òa của ban tổ chức và các thành viên tham gia chương trình.

Qua sự cố phát sinh này, tôi càng thấm thía về bài học đoàn kết là sức mạnh và tự rút ra cho mình những kinh nghiệm quý báu. Và dù ở bất cứ thời điểm nào, tôi vẫn luôn sẵn sàng đối mặt, rèn luyện, dấn thân để theo đuổi đam mê với nghề.

Hữu Luận

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/145595/truong-thanh-tu-su-co