Tự hào tuổi trẻ Việt Nam: Phạm Trần Phương Chi và Tạ Nguyên Dũng
Khi nghe tin cả hai violinist Việt Nam đều đoạt giải cao tại cuộc thi violin quốc tế The Gold Star International Music Competition tại Kuala Lumpur, Malaysia vừa qua, chúng tôi những người luôn đau đáu với sự phát triển tài năng âm nhạc cổ điển đều vô cùng xúc động. Một cuộc thi violon quốc tế vô cùng khó khăn. Thế mà 2 thiếu niên người Việt, Tạ Nguyên Dũng Giải Nhất và Phạm Trần Phương Chi Giải Nhì.
Tạ Nguyên Dũng chưa đầy 16 tuổi còn Phạm Trần Phương Chi mới 15. Thật là một điều kỳ diệu khi kỳ thi có nhiều thí sinh đến từ những nước có điều kiện kinh tế và truyền thống âm nhạc cổ điển tốt hơn.
Cuộc sống không thể thiếu âm nhạc, cũng như không thể thiếu các loại hình nghệ thuật khác. Nó là thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn. Trong đó, âm nhạc là một loại hình tổng hợp, đa dạng phong phú, là nghệ thuật dùng âm thanh (ca từ) để biểu hiện tâm hồn mỗi người, để phản ánh cuộc sống, biểu hiện những trạng thái tư duy, triết lý, cung bậc tình cảm cũng như khát vọng sống…Trong âm nhạc có nhiều thể loại khác nhau: dân ca, dân gian, nhạc nhẹ… và cổ điển bác học. Để theo đuổi ước mơ trở thành một nghệ sĩ của dòng nhạc cổ điển luôn là một thách thức. Vừa phải có một bản năng mạnh mẽ, một năng khiếu trời cho, một sự mẫn cảm sâu sắc và vừa phải có một tri thức khác thường, bởi vì âm nhạc cổ điển bác học cái nôi sinh ra nó là ở châu Âu. Tuy nhiên, mấy chục năm gần đây, công chúng yêu thích/ cảm thụ và hiểu được loại âm nhạc hàn lâm đã tăng lên rất nhiều. Chúng ta cũng có thêm một số Dàn nhạc Giao hưởng mới. Tài năng âm nhạc cổ điển của ta cũng ngày một xuất hiện, độ tuổi càng ngày càng trẻ. Không kể lớp trước, tên tuổi của họ đã được thế giới ngưỡng mộ mà gần đây các tài năng trẻ của chúng ta cũng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong nước và thế giới như các pianist Nguyễn Việt Trung, Lưu Hồng Quang… các violinist Đỗ Phương Nhi, Trần Lê Quang Tiến… và bây giờ là các em trẻ hơn nữa. Xin kể 2 ví dụ tươi mới nhất:
Phạm Trần Phương Chi
Năm 2019, khi đó Phạm Trần Phương Chi mới 10 tuổi em đã giành Huy chương bạc Bảng A tại cuộc thi "Ginastera International Music Festival and Competition" ở Chiang Mai, Thái Lan. Sau đó, 13 tuổi tiếp nối thành công, em đã xuất sắc giành Giải Đặc biệt Grand Prize tại cuộc thi "Rising Stars International Arts Festival & Competition" tổ chức tại Việt Nam (năm 2022), đồng thời được TOYOTA cấp học bổng tài năng trẻ. Gần đây nhất, em giành Giải Nhì tại cuộc thi violin quốc tế cùng với Tạ Nguyễn Dũng ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Không thể không ngạc nhiên, khi biết Phương Chi sinh trong một gia đình tại Hà Nội, không ai làm nghệ thuật. Bố là kỹ sư ô tô và mẹ là kỹ sư CNTT, nhưng cả nhà đều yêu thích âm nhạc cổ điển. Và Phương Chi lớn lên trong một không gian tràn ngập những giai điệu thiên thần và rất tự nhiên những giai điệu âm nhạc bác học ấy lại chiếm lĩnh tâm hồn cô bé. Một người quen của gia đình cảm nhận được điều đó đã khuyên cha mẹ Phương Chi cho con thử sức với âm nhạc, đặc biệt là violin. Lúc đó Chi mới 6 tuổi. Violin là một nhạc cụ có thể nói là khó học/ khó chinh phục nhất trong tất cả các nhạc cụ, cần phải mất nhiều năm để thành thạo. Cũng là đàn giây nhưng nó không có phím ngăn nên chỉ cần thiếu nhậy cảm, thiếu tinh tế một chút xíu là dẫn đến sự sai lạc về độ cao thấp của âm. Chưa kể những khó khăn khác, từ việc đọc các bản nhạc, tổng phổ, đến việc chinh phục bằng cảm xúc, bằng tâm hồn, biểu cảm điêu luyện và tinh tế… Cho nên, trong nghệ thuật, người ta luôn có câu: "Nhiều kẻ bắt đầu ít kẻ tới đích".
Phương Chi, đang đi tới đích một mình, từng bước một với sự động viên của gia đình em đã đi những bước chân thành trên con đường của tài năng. May mắn cho Phương Chi là có bố mẹ luôn "vượt khó cùng con", đã tìm được người thầy giỏi cho con. Em luôn nhận được sự tận tình của Giảng viên, Thạc sỹ Đỗ Xuân Thắng (bố đẻ của Đỗ Phương Nhi). 9 năm với các bộ môn nghệ thuật khác là quãng thời gian đủ để trưởng thành, nhưng với violon và nhất là với các bản nhạc kinh điển của các bậc thầy thế giới, là tinh hoa của mọi thời đại thì 9 năm là rất ngắn. Vậy mà, 15 tuổi em đã bước lên bục vinh quang tại Malaysia… Những tác phẩm Phương Chi đã chinh phục trên các sân khấu trong và ngoài nước, như "Jean Marie Leclair - Sonate no.5 for Two Violins", "Niccolò Paganini - Caprice no.19 ", "Pablo de Sarasate – Zigeunerweisen" (hòa tấu cùng Nguyễn Thái Hà, piano). Những tác phẩm như "Dmitry Shostakovich - 5 pieces for 2 Violins and Piano" hay "Pablo de Sarasate - Introduction and Tarantella" cũng được em thể hiện với sự điêu luyện và cảm xúc sâu sắc.
Không chỉ nổi bật trong các cuộc thi, Phương Chi còn tích cực tham gia biểu diễn cùng các dàn nhạc giao hưởng. Em đã từng là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ VYO, biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát Lớn. Hiện tại, Phương Chi là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ VNAM Youth Orchestra và Dàn nhạc CCM, góp mặt trong chương trình "Concert of Childhood Memory.".
Phạm Trần Phương Chi đang theo học violin hệ trung cấp 8/9 tại Khoa Dây, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Em đã thi đầu vào Học viện với số điểm giỏi, một thành tích ấn tượng phản ánh khả năng và niềm đam mê âm nhạc của em.
Tạ Nguyên Dũng
Sinh năm 2008 (hơn Phương Chi 1 tuổi), Tạ Nguyên Dũng cũng tham dự cuộc thi như của Phương Chi ở Malaysi và đạt Giải Nhất. Trên Phương Chi một bậc (lẽ ra viết về Tạ Nguyên Dũng ở trên, nhưng tôi thích tôn trọng con gái, vả lại em ít hơn Dũng một tuổi, rất đáng được ưu tiên). Nói về Dũng thì rất nhiều chuyện, không thể hình dung nổi: Năm 2020 Dũng đi xe đạp bị ngã gãy tay phải bó bột hàng năm. Chơi đàn mà tay gẫy thì còn làm gì được nữa. Mẹ Dũng phải hàng ngày đưa con đến viện tập phục hồi chức năng. Sau khi tay hồi phục thì còn gian nan nữa vì phải tập những bài luyện ngón, luyện âm chuẩn, kỹ thuật rung… gần như lại từ đầu…
Vậy mà em không nản. Trước khi đi thi quốc tế 6 tháng Dũng còn phải lên bàn mổ để lấy nẹp xương đòn…Cả gia đình và thầy giáo Đỗ Xuân Thắng đều hết sức lo lắng. Dũng cũng không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là kỹ sư tự động hóa, mẹ công tác trong ngành Y, nhưng cả nhà cũng rất yêu nhạc cổ điển. Bố mẹ quyết định cho con học violin khi thấy Dũng nghe và thuộc giai điệu các bản nhạc cổ điển rất nhanh. Nhà có 2 anh em, em trai Dũng là Tạ Nguyên Anh 7 tuổi cũng đang học violin. Dũng mê tiếng đàn violon và đặc biệt là tiếng đàn của các violinst thế giới và NSND Bùi Công Duy cùng với những ban nhạc yêu thích khác, nên dù khó khăn vất vả đến mấy để chinh phục được cây đàn violon và những bản nhạc đỉnh cao dành cho violon thì Dũng cũng nỗ lực vượt qua.
Hiểu để yêu và cảm thụ được nhạc cổ điển đã không dễ dàng. Huống hồ là hiểu được niềm đam mê của con để cùng con tới đích của ước mơ? Nhưng ông kỹ sư tự động hóa và bà bác sĩ trẻ biết rằng nếu con đi con đường này, thì ít nhất con sẽ trở thành một người tử tế, thánh thiện, và đóng góp được cái đẹp cho cộng đồng. Nếu con thành công thì cuộc đời con và gia đình sẽ rất hạnh phúc.
Dũng là một cậu bé rất hiếu động, em học đàn từ lúc 5 tuổi, 8 tuổi thi vào khoa violin Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đạt thủ khoa (30 điểm). Và cũng được học với thầy Đỗ Xuân Thắng .
Cũng như Phương Chi cả hai đều học song song văn hóa phổ thông và học trong Nhạc viện. Tuy thời gian và lịch học khá kín nhưng các em vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt các chương trình học của 2 trường. Dũng còn cùng các bạn đã thành lập Nhóm String quarter SUN SHINE dưới sự hướng dẫn của NSUT Phạm Trường Sơn.
Năm 2021 Dũng đạt giải vàng cuộc thi Rising Stars international Art Fetival Competition và học bổng TOYOTA. (Mozart concerto no3 -1 mvt)
Năm 2023 em đạt giải Grand Prix ở hạng mục solo và string quartet cuộc thi Rising Stars international Art Fetival Competition (solo Tchaikovsky concerto in D major op.35)
Tháng 4. 2024 cũng như Chi, Dũng hai bạn trong số 33 sinh viên xuất sắc của HVANQGVN được tham gia tập luyện và biểu diễn cùng dàn nhạc WYO trong 10 ngày, thời gian luyện tập khá kín từ 9h -17h45 mỗi ngày. Rồi những đêm diễn cùng dàn Nhạc WYO concert Âm thanh tình anh em tại Phòng nhạc lớn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Concert opera Rusini tại Nhà hát Lớn...
*
Tối 27.9 tại phòng hòa nhạc của Nhạc viện Hà Nội khán phòng đã chật hết mọi ghế, có nhiều người vì thích quá mà đứng để thưởng thức và cổ vũ cho 2 tài năng trẻ được nhắc đến từ nhiều ngày nay. Trên Program đã ghi rõ, Phần Trần Phương Chi và Tạ Nguyên Dũng sẽ có tiết mục solo, và có cả duo. Tác phẩm và tác giả các em chọn để diễn hôm nay đã khiến cho khán giả càng thêm trông đợi: J. Marie Leclair, N. Paganini, P. Sarasate, D. Shotstacovich, Seant Seans…
Tiếng vỗ tay nồng nhiệt sau mỗi khi cây vĩ ngừng lại. Tôi nhìn sang bên cạnh TS- GS- NSND Ngô Văn Thành, một trong những violinist hàng đầu hiện nay ở ta, thầy của thầy Đỗ Xuân Thắng, thấy rõ sự xúc động tán thưởng. Còn thầy Đỗ Xuân Thắng thì nghẹn ngào, vui mừng với thành quả của trò…
Chúc mừng các em, và tự hào cho đất nước mình, một đất nước còn bao khó khăn kinh tế nhưng vẫn chú trọng ghi nhận và khích lệ sự nỗ lực tài năng của các em. Nhân đây, trong tư cách người hy vọng nhạc cổ điển được phổ biến sâu rộng trong cộng đồng, cũng là người nâng đỡ và dõi theo các tài năng trẻ Việt Nam trong dòng nhạc hàn lâm tôi xin cảm ơn Thạc sĩ Đỗ Xuân Thắng, người đã dẫn dắt Phương Chi và Nguyên Dũng từ những bước đi chập chững ban đầu cho đến những bước thành công hôm nay.