Trường THCS dân tộc nội trú Lak - nơi trường là nhà, thầy cô là cha mẹ
Suốt 20 năm qua, các thế hệ thầy cô Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lăk, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk không chỉ là những giáo viên đơn thuần mà còn như người cha, người mẹ, người bạn thứ hai giúp các em học sinh dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, tiếp nhận trí thức, từng bước tự tin hướng đến tương lai.
Năm học này là năm đầu tiên Uông Hân xa gia đình học nội trú. Bài học đầu tiên mà cô học sinh lớp 6, dân tộc M’Nông được học ở ngôi trường mới, không phải từ sách giáo khoa, mà nội quy của khu nội trú, về kỹ năng chăm sóc cá nhân, vệ sinh gọn gàng, sạch sẽ.
Những ngày đầu nhập học, cô bé thường giấu mình góc giường khóc thút thít vì nhớ nhà. Những khi đó, cô giáo chủ nhiệm luôn có mặt và ân cần dỗ dành, để em cảm thấy ấm áp vơi bớt nỗi nhớ nhà. Điều này cũng đã giúp những phụ huynh như chị H Yến Bkrông, mẹ của Uông Hân yên tâm khi gửi con theo học tại trường: “ Nhóm lớp 6 liên hệ trực tiếp với cô luôn, có chuyện gì cô thông báo trên điện thoại, khóc nhè hay không thuộc bài cô cũng nhắn tin và mình nắm được tình hình của con mình mình rất yên tâm. Môi trường sống và rèn luyện ở đây cũng rất tốt mình không lo lắng gì cả”.
Còn với những học sinh lớp lớn hơn, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lắk giờ đã thân thuộc và trở thành ngôi nhà chung của các em. Mỗi thầy, cô giáo là người cha, người mẹ thứ hai luôn bên cạnh chăm sóc, động viên, sẻ chia và nhắc nhở các em học tập, rèn luyện. Em H’Wion Sruk, học sinh lớp 9 cho biết: “Thầy cô trường em rất yêu thương học sinh và luôn chăm sóc chúng em rất tận tình từ việc nhỏ nhặt nhất như gấp chăn, quét nhà và dạy nhiều điều hay khác. Cảm nhận của em cảm nhận được sự an ủi, cũng cảm thấy nhớ nhà nhưng được sự quan tâm của các thầy cô như thế em thấy đỡ hơn phần nào ạ”
Với cô Hoàng Thị Bảy, 16 năm gắn bó với Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lắk, thời gian cô ở trường nhiều hơn ở nhà. Cô Bảy cho biết, do đặc thù là trường dân tộc nội trú nên học sinh toàn trường học tập và sinh hoạt tập trung từ thứ 2 đến thứ 7, chỉ đến cuối tuần các em mới được bố mẹ đón về nhà, thậm chí với nhiều em khó khăn, nhà quá xa, mỗi năm, việc về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, các em thuộc nhiều dân tộc thiểu số đến từ nhiều nơi khác nhau nếu thầy cô không thật sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm rất khó để các em mở lòng. Cô Hoàng Thị Bảy nói: “ Bởi các em là những dân tộc khác nhau. Các em trao đổi nới với nhau bằng tiếng địa phương và điều đó bắt buộc chúng tôi phải hiểu được ngôn ngữ đó. Để hiểu được chúng tôi phải tự tìm tòi và tự học để tìm được tiếng nói chung, sự tương đồng giữa các em để có sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau và các em thấy ở trường cũng như ở nhà”.
Theo cô Nguyễn Thị Thùy Diễm, Hiệu trưởng trường Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lắk, năm học 2023-2024, toàn trường có 152 em học sinh theo học. Trong đó, 96% là học sinh DTTS với 8 thành phần dân tộc. Đa số các em đến từ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Hoàn cảnh gia đình các em còn nhiều khó khăn. Do đó, mỗi thầy cô luôn xác định, bên cạnh công việc chuyên môn thì chăm sóc học trò còn là trách nhiệm và tình yêu thương. Trên lớp, các cô, các thầy là những giáo viên truyền đạt cho các em kiến thức. Rời bục giảng đến khu nội trú, các thầy, cô như những người cha, người mẹ hiền chăm sóc cho đàn con của mình từ bữa ăn đến giấc ngủ.
“ Thầy cô ở trường cũng như cán bộ, công nhân viên luôn luôn sâu sát với các em. Các em ra đây từ năm lớp 6, cũng giống như con của mình thôi. Do đó các thầy cô giáo cán bộ nhân viên nhà trường luôn luôn đồng hành để hướng dẫn tỉ mỷ nhất khi các cháu vào nhập trường”- cô Thùy Diễm chia sẻ.
Từ tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc của những người cha, người mẹ thứ hai này đã tạo được động lực để các em trường Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lắk cố gắng học tập, rèn luyện với niềm tin “Hôm nay đi học xa/Đường tương lai đường gần”. Và trên con đường đó, luôn có sự đồng hành, chia sẻ của các thầy cô giáo nhà trường.