Trường THPT Vĩnh Linh - 60 năm xây dựng và phát triển
Ngày 15/9/1959, Ủy ban Hành chính Khu vực Vĩnh Linh ra Quyết định số 919/ QĐUB thành lập Trường cấp 2 - 3 Vĩnh Linh. Năm học 1960-1961, trường chính thức mang tên Trường cấp 3 Vĩnh Linh, là trường THPT đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Ngày 15/9/1959 trở thành một dấu son lịch sử đối với sự trưởng thành của Trường THPT Vĩnh Linh.
Trường cấp 3 Vĩnh Linh được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận học sinh Vĩnh Linh và học sinh miền Nam tập kết, thực hiện công tác đào tạo đội ngũ cán bộ tương lai - “hạt giống đỏ” của Đảng cho địa phương và các tỉnh phía Nam. Cơ sở vật chất của nhà trường thời bấy giờ chỉ có một dãy nhà hai tầng làm phòng học và phòng thí nghiệm nằm trên nền đất ba dan của thị trấn Hồ Xá. Hội đồng sư phạm của trường chỉ có 14 thầy, cô giáo đảm nhận giảng dạy 2 lớp với 83 học sinh. Những người thầy đầu tiên như các thầy: Đặng Khắc Nhân, Lê Duy Minh, Hoàng Trọng Điều, Nguyễn Đề, Hoàng Lê Sơn, Trần Văn Trà đã đặt nền móng cho sự phát triển của trường. Những khẩu hiệu “Giống trống Bắc Lí, nổi sóng Hiền Lương, nỗ lực phi thường xây trường hai tốt”, “Vì Thạch Hãn thân yêu, vì muốn nên Bắc Lí” đã biến thành ý chí, hành động của thầy trò nhà trường.
Từ năm học 1961-1962, trường tiếp tục phát triển về quy mô, đã có đủ 3 khối lớp; lực lượng cán bộ giáo viên tiếp tục được bổ sung theo sự điều động của Bộ Giáo dục. Những năm đầu mới thành lập, dẫu còn non trẻ, khó khăn nhiều bề, song trong không khí xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất nước nhà, trên mảnh đất đầu cầu giới tuyến, Trường cấp 3 Vĩnh Linh không ngừng trưởng thành về mọi mặt, có nhiều đóng góp tích cực, sớm khẳng định là điểm sáng văn hóa - giáo dục của Khu vực Vĩnh Linh.
Cuộc sống hòa bình kéo dài không được bao lâu thì phải chịu âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai. Các thế hệ thầy và trò không thể nào quên thời khắc 15 giờ, ngày 8/2/1965 giặc Mỹ đã dội bom xuống Trường cấp 3 Vĩnh Linh, ngôi trường 2 tầng khang trang bị phá hủy hoàn toàn, cướp đi mạng sống của thầy giáo Lê Duy Minh cùng 7 học sinh.
Trong hoàn cảnh chiến tranh cực kì ác liệt, trường phải sơ tán về các xã, chia làm 3 phân hiệu với 5 địa điểm (Vĩnh Tú, Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Lâm, Vĩnh Tân), tổ chức dạy và học dưới hầm trong lòng đất. Với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, đội ngũ thầy, cô giáo đã quyết tâm bám trường, giữ lớp cho dù có những ngày phải đi dạy đến 5 địa điểm cách xa nhau từ 15 đến 20 km dưới mưa bom bão đạn, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh. Thầy, cô giáo vừa cầm bút vừa cầm súng, học sinh đi học không chỉ học chữ mà còn học cách tránh bom đạn, băng bó vết thương và vinh quang hơn là học cách làm người trên mảnh đất tuyến lửa.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc XHCN. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, đưa ra Bắc những lực lượng không trực tiếp tham gia chiến đấu để tránh mất mát, hi sinh, trường được lệnh sơ tán ra tỉnh Nghệ An. Ngày 20/11/1967, trường tập kết an toàn tại các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn và Hương Sơn của huyện Tân Kì, tỉnh Nghệ An. Để cuộc “hành quân” an toàn, phải có những người thầy và học sinh dũng cảm tiền trạm dẫn đường. Đã có các thầy giáo và học sinh anh dũng hi sinh như các thầy: Đào Tâm Điền, Phan Văn Tứ, Nguyễn Cát và học sinh Trần Thanh Thiễm, thầy Lê Thanh Tuân bị thương nặng. Những ngày đầu xa quê Vĩnh Linh, sống trên tỉnh bạn, trường gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kì, đặc biệt là Đảng bộ và nhân dân 3 xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Hương Sơn và các trường bạn đã hỗ trợ, sẻ chia từ những bó tre, liếp tranh dựng trường, dựng lớp đến từng quyển sách giáo khoa, từng tập giấy viết, từng ngòi bút để trường sớm ổn định nơi ăn, chốn ở, bắt đầu tổ chức dạy và học. 6 năm trên quê hương "Xô viết", những “hạt giống đỏ” của Vĩnh Linh được gieo trồng, chăm sóc để vững chãi vươn mình trong bão táp cách mạng. Năm 1971, 34 học sinh đã gia nhập lực lượng Công an vũ trang bảo vệ đầu cầu giới tuyến. Cũng trong những năm tháng ác liệt đó, năm 1972 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, từ mái trường này 182 học sinh viết đơn bằng máu tình nguyện lên đường nhập ngũ, thành lập Đại đội K8. Nhiều học sinh - chiến sĩ của trường đã lập công xuất sắc, nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của nhà trường. Chiến công, hình ảnh và tên tuổi của các thầy, cô và các bạn học sinh sẽ sống mãi trong trái tim các thế hệ thầy trò Trường THPT Vĩnh Linh, của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh.
Tiếp tục phát huy vị thế nhà trường trên quê hương "Xô viết", chất lượng nhà trường tiếp tục được giữ vững, xuất hiện nhiều tấm gương học giỏi, phấn đấu tốt như các học sinh: Lê Hữu Phúc, Lê Mạnh Thạnh, Trần Duy Tạo, Trần Trung Dũng, Trang Dung, Hồ Quốc Hùng, Lê Thị Minh Hiền... Đội ngũ giáo viên tiếp tục thể hiện tốt khí thế phong trào thi đua “Hai tốt” tràn đầy năng lực và nhiệt huyết. Nhiều giáo viên phát huy tốt khả năng được đồng nghiệp và học trò tin yêu như các giáo viên: Lê Mậu Đạt, Ngô Xuân Thảo, Lương Thị Ái, Nguyễn Xuân Phùng...
Kết thúc năm học 1972-1973, trường chuyển về lại quê hương Vĩnh Linh và được mang tên gọi mới Trường cấp 3A Vĩnh Linh. Những ngày đầu trên quê hương, trường tiếp tục dạy và học trên đống tro tàn đổ nát do hậu quả của chiến tranh. Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Vĩnh Linh, sự quan tâm giúp đỡ của các ban, ngành, phụ huynh, đội ngũ cán bộ giáo viên của trường đã chủ động bắt tay vào công việc, chuẩn bị cơ sở vật chất để tiến hành khai giảng năm học 1973-1974 đúng thời gian cùng toàn miền Bắc, đảm nhận đào tạo 39 lớp với số lượng học sinh lên đến 1.700 em.
Kết thúc năm học 1976 -1977 và cũng là thời điểm huyện Bến Hải được thành lập (gồm 3 huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ), trường mang tên Trường PTTH số 1 Bến Hải. Tháng 12/1977, trường chuyển lên địa điểm mới với 3 dãy nhà 2 tầng gồm 24 phòng học và 2 nhà cấp bốn để phục vụ dạy học. Ngày 23/3/1990 Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết 91/QĐ-HĐBT chia tách huyện Bến Hải, trường mang tên Trường PTTH Vĩnh Linh.
Trong thời kì đất nước đổi mới, để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu của xã hội, lãnh đạo nhà trường đã xây dựng kế hoạch và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của ngành và nghị quyết của Huyện ủy Vĩnh Linh. Từ năm 2000, theo Điều lệ trường Trung học, trường mang tên Trường THPT Vĩnh Linh. Đội ngũ nhà giáo của trường phát huy vai trò chủ lực, xứng đáng là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, gắn bó với trường, tâm huyết với nghề nghiệp, nỗ lực vì sự lớn mạnh của trường. Chi ủy, Ban giám hiệu luôn phát huy vai trò trách nhiệm, chỉ đạo sâu sát mọi hoạt động, gương mẫu trong lối sống, tận tụy vì tập thể. Nhiều thầy cô giáo là hạt nhân của khối đoàn kết nhất trí trong tập thể sư phạm nhà trường. Nhờ vậy hằng năm trung bình tỉ lệ lên lớp đạt hơn 98%, tốt nghiệp đạt 95%, tỉ lệ đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng, đoạt hơn 500 giải học sinh giỏi văn hóa các cấp, trong đó có 21 giải quốc gia...
Trong sự phát triển của trường, công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm và coi trọng. Hội cha mẹ học sinh thường xuyên được củng cố, tham gia công tác giáo dục với tất cả tinh thần trách nhiệm với nhà trường, với con em. Hằng năm, huy động từ sự đóng góp của phụ huynh được sử dụng vào hoạt động khuyến học, cùng nhà trường xây dựng cơ sở vật chất.
Trong năm học 2018-2019, với khẩu hiệu “Tự hào truyền thống nhà trường - Thi đua dạy tốt, học tốt - Đoàn kết, sáng tạo - Tiên phong chiếm lĩnh tri thức”, thầy trò nhà trường đã phấn đấu với tất cả nội lực, ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sự phấn đấu vươn lên của thầy trò được thể hiện qua kết quả: 97,86% tốt nghiệp THPT quốc gia, 63 giải học sinh giỏi tỉnh, 160 học sinh giỏi toàn diện, 716 học sinh tiên tiến, tỉ lệ đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trên 60%...
60 năm qua, có hơn 450 thầy, cô giáo, cán bộ công nhân viên đã từng giảng dạy, công tác tại trường qua các thời kì ; 8 thầy, cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 5 thầy giáo được truy tặng liệt sĩ; có gần 27.000 học sinh tốt nghiệp ra trường. Nhiều cựu học sinh của trường đã và đang giữ các chức vụ quan trọng như: nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Hữu Phúc, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GS-TSKH Trần Đức Vân, nguyên Viện trưởng Viện Toán - Viện Khoa học Việt Nam; UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng … cùng nhiều học sinh ưu tú khác công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội trên mọi miền đất nước.
Nhìn lại chặng đường 60 năm, những trang sử vẻ vang của nhà trường được viết nên bởi những tấm gương nhà giáo cao cả, tận tụy với nghề dạy học. Thành tích đáng tự hào hôm nay là nhờ sự bền bỉ cống hiến thầm lặng của thầy, cô giáo, đặc biệt là sự nỗ lực, miệt mài phấn đấu của học sinh qua nhiều thế hệ. Chi bộ nhà trường với vai trò là hạt nhân lãnh đạo luôn bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề ra những nghị quyết chỉ đạo phù hợp, sâu sát và kịp thời.
Cùng với sự phát triển của đất nước, Trường THPT Vĩnh Linh đang bước vào thời kì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, những yêu cầu đổi mới giáo dục của xã hội đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Tập thể lãnh đạo, cán bộ giáo viên và học sinh của trường hôm nay tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả tinh hoa mà bao thế hệ đi trước đã dày công vun đắp để quyết tâm phấn đấu đạt được nhiều kết quả mới. Chúng tôi tin tưởng, với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, của nhân dân với hành trang 60 năm truyền thống vẻ vang của trường, với đội ngũ thầy, cô giáo năng động, tâm huyết, giàu trí tuệ, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, với thế hệ học sinh giàu truyền thống hiếu học, năng động, sáng tạo, thầy và trò Trường THPT Vĩnh Linh hôm nay sẽ tiếp tục khẳng định và phát huy vị thế của mình là trường trọng điểm chất lượng cao bậc THPT trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, xứng đáng là mái trường anh hùng trên quê hương lũy thép.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142062