Trường tiên tiến, chất lượng cao: Chất lượng có cao?

Trường chất lượng cao ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận phụ huynh muốn con có môi trường học tập tốt, phát triển toàn diện.

Học sinh Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) đạt nhiều thành tích tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học. Ảnh: Vân Anh

Học sinh Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) đạt nhiều thành tích tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học. Ảnh: Vân Anh

Cầu vượt cung

Hà Nội là địa phương duy nhất cả nước có mô hình trường công lập chất lượng cao theo Luật Thủ đô. Những trường này luôn nhận được sự quan tâm lớn từ học sinh và phụ huynh, số thí sinh đăng ký vào học gấp nhiều lần khả năng đáp ứng. Hiện một số trường THCS chất lượng cao tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6 và cũng có mức độ cạnh tranh cao. “1 chọi 8”, “1 chọi 10”, “1 chọi 18”, “1 chọi 20”… là những cụm từ xuất hiện nhiều trong mùa tuyển sinh ở các trường này.

Năm nay, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) có hơn 5.500 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực lớp 6 trong khi trường chỉ tuyển 270 học sinh. Như vậy, tỷ lệ chọi vào trường là 1/20. Đây cũng là trường trên địa bàn Hà Nội có tỷ lệ chọi vào lớp 6 cao nhất.

Lý giải việc 1 “chọi” tới 20 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 trường mình, thầy Phạm Sỹ Cường - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành cho biết, năm nay, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dừng tuyển sinh lớp 6 nên áp lực càng lớn hơn với các trường THCS đặc thù khác, trong đó có Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành.

Thầy Cường khẳng định, trong bối cảnh số lượng đăng ký dự tuyển vượt xa chỉ tiêu tuyển sinh thì đánh giá năng lực là cách làm công bằng, minh bạch nhất để tuyển được người học phù hợp. Việc phụ huynh đầu tư để trẻ có môi trường học tập tốt là nhu cầu chính đáng.

Trên địa bàn quận Long Biên duy trì hiệu quả 5 trường công lập chất lượng cao, gồm 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 2 trường THCS. Với số lượng này, quận Long Biên là đơn vị có nhiều trường công lập chất lượng cao nhất thành phố Hà Nội. Tuy vậy, các trường này chưa đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh.

Theo bà Đào Thị Hoa - Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên, các trường chất lượng cao đều đảm bảo đầy đủ nội dung giảng dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh, nâng cao khả năng tiếng Anh và kỹ năng hội nhập. Chất lượng giáo dục tốt, chi phí phù hợp nên đông phụ huynh lựa chọn cho con học những trường này.

 Học sinh Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Lan Anh

Học sinh Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Lan Anh

Đầu vào cao, đầu ra tốt

Hà Nội hiện có hơn 2.230 trường mầm non, phổ thông công lập, trong đó có khoảng hơn 20 trường được công nhận đạt tiêu chí chất lượng cao. Cùng đó, nhiều trường dù chưa được công nhận tiêu chí chất lượng cao nhưng đã tiến hành tuyển sinh đầu vào đạt được phần lớn tiêu chí của trường chất lượng cao theo lộ trình.

Chia sẻ của cô Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), tiêu chí để xác định trường chất lượng cao là có nhà đa năng, mỗi lớp không quá 30 học sinh, phòng học đủ để dạy 2 buổi/ngày, có bể bơi, chương trình giáo dục bổ sung, tăng cường dạy tiếng Anh với người nước ngoài, tổ chức hoạt động tư vấn sức khỏe, tâm lý ít nhất 3 lần/năm.

Điều kiện này tương đương với trường tư thục, song học phí của trường công chất lượng cao rẻ hơn. Năm ngoái, mức trần học phí của những trường này dao động 5,1 – 5,7 triệu đồng/tháng. Căn cứ vào đây và điều kiện của địa phương, từng trường xây dựng học phí cụ thể, đa số chọn mức 3 – 4 triệu đồng.

Chất lượng giáo viên, chương trình học ở các trường chất lượng cao cũng đạt nhiều yêu cầu khắt khe. Chẳng hạn 100% giáo viên có chứng chỉ A tiếng Anh, ít nhất 10% thầy cô có chứng chỉ B (cấp tiểu học), 50% có khả năng giao tiếp một ngoại ngữ (THCS và THPT), 40 - 60% là giáo viên dạy giỏi cấp quận, thành phố.

Ngoài các tiêu chí về giáo viên cơ hữu, trường chất lượng cao phải có chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ chuyên môn, giáo viên hằng năm được đi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Chương trình học không chỉ đạt chuẩn của Bộ GD&ĐT mà còn có các hoạt động bổ trợ, tăng cường tiếng Anh nghe nói với người nước ngoài, lớp song ngữ môn Toán và Khoa học (tiểu học).

Thực tế cho thấy, học sinh từ trường chất lượng cao thường đạt thành tích nổi bật tại cuộc thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố, kỳ thi quốc tế và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Năm 2024, tất cả học sinh Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đều trúng tuyển vào lớp 10 với điểm trung bình toàn trường là 43,18; trong đó trung bình môn Toán là 8,78, Ngữ văn 8,19, Tiếng Anh 9,24. Cùng đó, nhà trường đã ghi nhận 260 học sinh đỗ các trường THPT chuyên trực thuộc trường đại học với 3 thủ khoa, 204 lượt học sinh trúng tuyển vào trường chuyên của sở.

Trong khi đó, học sinh Trường THCS Thanh Xuân cũng đạt thành tích cao tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 với điểm trung bình là 42,45 điểm. Cả ba môn thi có điểm trung bình ấn tượng, trong đó Toán: 8,61 điểm, Văn: 8,19 điểm, Tiếng Anh: 8.85 điểm. Học sinh của trường cũng trúng tuyển vào nhiều trường chuyên trên địa bàn thành phố.

Học sinh các trường chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế như Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO), Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán học quốc tế (ITMC)... Học sinh Trường THCS Thanh Xuân nhiều năm liền đạt giải cao tại hội thi Khoa học kỹ thuật quốc gia, cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nhận định: Thời gian qua, những trường chất lượng cao đã tạo uy tín, đóng góp nhất định trong lĩnh vực giáo dục, nên phụ huynh có nhu cầu cho trẻ vào đây học là điều dễ hiểu. Trường chất lượng cao đã giúp đa dạng hóa mô hình trường lớp, đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm học sinh.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-tien-tien-chat-luong-cao-chat-luong-co-cao-post692597.html