Trường tôi, lớp tôi ngày ấy

Ngư Lộc (Hậu Lộc) là quê hương thân yêu của tôi - một làng chài nghèo đông dân. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đại đa số Nhân dân trong làng mù chữ. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhờ phong trào xóa nạn mù chữ, tiếp đến là phong trào 'bình dân học vụ', thì sự học mới bắt đầu được quan tâm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Associated Press)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Associated Press)

Trường tôi những năm đầu thành lập

Hồi ấy, vận động, nhen nhóm mãi mới có trường cấp 1 mà mỗi khối lớp chỉ có 1, 2 hoặc 3 lớp bởi tỷ lệ người đi học so với số dân của xã là rất thấp. Tất cả các lớp học đều phải mượn nhà dân hoặc kho của hợp tác xã còn trống để học. Bàn ghế thì đủ kiểu, miễn là ngồi được, viết được. Bảng viết là các tấm ván ghép được bội đen. Sách vở, bút, mực rất quý hiếm, gần đến năm học mới được nhà trường phân phối đồng đều cho học sinh. Đến giấy nháp cũng không có, vở viết thì tự cắt xén đóng thành. Thư viện nhà trường cho học sinh mượn sách giáo khoa, 3-4 học sinh chung nhau một bộ, mỗi người một ít dụng cụ học tập, dùng xong cuối năm nộp lại cho thư viện để khóa sau tiếp tục học. Vì vậy ai cũng có ý thức giữ gìn. Đèn dầu thuộc hàng phân phối không đủ thắp sáng để học mà đều phải đặt trong ống luồng khoét một mảng nhỏ để ánh sáng đủ chiếu vào trang sách vở (gọi là đèn phòng không), đi học phải đội mũ rơm...

Nói sơ qua thế để thấy được kỳ tích của “sự học” ngày ấy, của thế hệ chúng tôi thời ấy.

Cách đây tròn 60 năm, tôi - một cậu bé 11 tuổi cùng bạn học của mình vừa học hết lớp 4 được lên lớp 5. May mắn hơn các lớp đàn anh, đàn chị không phải đi học xa, chúng tôi được học tại trường cấp 2 quê nhà. Ngôi trường mới tinh vừa mới thành lập, có tên là “Trường cấp 2 Thủy sản Ngư Lộc” do thầy Nguyễn Kim Bảng làm hiệu trưởng.

Trường thành lập từ những ngày đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Đế quốc Mỹ. Người dân quê tôi là những người tận mắt chứng kiến ngày 5 tháng 8 năm 1964 Mỹ bắn phá ác liệt Lạch Trường, Hòn Nẹ và các tàu Hải quân của ta đang neo đậu. Do chiến tranh, thầy trò phải học sơ tán trong các mảnh vườn nhà dân, lớp học là các lán tranh tre, nền nhà được đào sâu, xung quanh đắp lũy cao và đào giao thông hào xung quanh liên kết với các hầm tránh bom chữ A, đi học phải đội mũ rơm. Lớp học phải thay đổi vị trí thường xuyên, phải góp công sức làm lại lán học thời chiến từ đầu khi mỗi năm học mới sắp đến (lớp tôi 3 năm học học sinh học ở 3 nơi).

Những người thầy có mặt từ những ngày đầu thành lập ngoài thầy Nguyễn Kim Bảng - Hiệu trưởng kiêm dạy Toán còn có các thầy Mai Minh Tiến, Nguyễn Văn Dinh dạy Văn, thầy Nguyễn Xuân Thiều dạy Toán và Hóa học, thầy Khôn, thầy Dân dạy Vật lý, Địa lý, Kỹ thuật... và đặc biệt có thầy Nguyên dạy tất cả các môn học về thủy sản.

Có người thắc mắc tại sao có tên gọi “Cấp 2 Thủy sản Ngư Lộc”, việc dạy và học có gì khác các trường cấp 2 khác hay không; tên trường ban đầu tồn tại đến bao giờ thì bỏ hai chữ “Thủy sản” và đổi tên giống các trường khác?

Xin thưa rằng, lúc đó xã hội chưa có khái niệm “hướng nghiệp, dạy nghề” hay hướng tới mục tiêu to tát gì, mà chỉ hướng tới học đi đôi với hành, giáo dục gắn bó với việc làm của địa phương và từng bước đưa hiểu biết khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào cuộc sống để thúc đẩy sản xuất ở địa phương. Còn trường bỏ hai chữ “Thủy sản” bao giờ thì tôi không biết, bởi hết lớp 7 mới 14 tuổi, tôi đã thoát ly gia đình, xa quê từ đó.

Trường Cấp 2 Thủy sản Ngư Lộc học chương trình như mọi trường cấp 2 khác nhưng có học thêm các môn học thủy sản (học thêm giờ) nhằm tăng cường những hiểu biết khoa học về biển như: đặc tính sinh lý các loài cá, phân loại các loài cá; học về cách nuôi, cách chế biến các loài thủy, hải sản; nâng cao hiểu biết về các bãi cá, mùa cá, kỹ thuật đánh bắt cá và bảo vệ môi trường biển; học các loại ngư, lưới cụ, sức bền vật liệu...

Thầy Nguyên phụ trách giảng dạy môn thủy sản quê ở Hà Đông, Hà Nội. Thầy phong độ, đẹp trai, tận tâm với học sinh, với công việc. Tôi còn nhớ, hồi đó thầy liên hệ với các hợp tác xã (HTX) đánh cá nhận đan lưới giã đôi rồi phân chia cho học sinh đan lưới; từng người, từng nhóm đan các bộ phận riêng lẻ. Tôi cùng một nhóm bạn đan lưới tập trung tại nhà bà Vạn ở xóm Lộc, bà Xương ở xóm Phúc, rất vui. Khi tất cả các bộ phận hoàn thành thì ghép nối lại thành sản phẩm nhập HTX để các ngư dân, xã viên HTX xử lý tiếp trở thành giã đôi đánh bắt cá đáy. Tiền công đan giã từng bộ phận được thầy công bố công khai ngay từ đầu và trả tiền cho từng học sinh sau khi hoàn thành. Ai cũng vui khi nhận được tiền công, góp thêm vào thu nhập của gia đình.

Thầy cũng rất tâm huyết xây dựng phòng thí nghiệm, thực hành. Thầy thu thập các bình, lọ thủy tinh to nhỏ đủ kiểu đựng nước phóc môn. Thầy phát động học sinh tìm kiếm các loại cá, sinh vật biển. Sau một thời gian ngắn nhà trường đã có một phòng trưng bày khá đa dạng, phong phú. Khi nhìn lại ai cũng thấy biển quê mình giàu và đẹp thật.

Ghi nhận cống hiến đó, thầy được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam tại Đảng ủy xã Ngư Lộc.

Lớp tôi - khóa 1964-1967 Trường Cấp 2 Thủy Sản Ngư Lộc

Khi đang học cấp 1, khối tôi có 3 lớp, nhưng học sinh bỏ học dần do hoàn cảnh gia đình khó khăn; học không tiếp thu được sinh ra chán nản, bỏ học hoặc do bị lưu ban nên khi lên cấp 2 (lớp 5) chỉ còn 1 lớp. Để được gọi là trường, nhà trường đã chuyển học sinh đang học lớp 6 các trường bạn về để có thêm một lớp đàn anh chủ yếu là học sinh quê Ngư Lộc và học sinh các xã lân cận như Minh Lộc, Hưng Lộc. Vì thế, có thể nói lớp tôi là khóa học đầu tiên của trường. Lớp do thầy Mai Minh Tiến giáo viên dạy Văn làm chủ nhiệm 3 năm.

Tuổi học sinh trong lớp chênh nhau nhiều lắm, có khi hơn nhau tới 4-6 tuổi. Chẳng thế mà mới gần hết kỳ 1 năm lớp 5, anh Nghĩa (lớp trưởng) đi bộ đội; hết lớp 5 đầu lớp 6 anh Gạch, anh Công, anh Sự nhập ngũ. Khi hết lớp 7 một vài năm sau thì hầu hết nam sinh trong lớp đều tham gia Quân đội, chiến đấu cho đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Nhờ các thầy chăm lo dạy dỗ nhiệt tình, lần lượt các kỳ thi học sinh giỏi cấp cụm (cụm các xã ven biển), cấp huyện, cấp tỉnh, cấp toàn miền Bắc (cấp cao nhất thời đó), trường tôi đều có học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi, so với các trường trong huyện là trường nổi trội hơn cả. Thi học sinh giỏi cấp tỉnh có 2 học sinh thi Văn, 1 học sinh thi Toán. Thi học sinh giỏi toàn miền Bắc có 1 học sinh thi Văn và 1 học sinh thi Toán. Tôi dự thi và trúng tuyển vào lớp Toán đặc biệt của Bộ Giáo dục đặt tại Khoa Toán, Trường ĐHSP Vinh, nên tôi thoát ly gia đình từ năm 14 tuổi.

Một buổi lễ tổng kết năm học của Trường THCS Ngư Lộc (Ảnh: fanpage nhà trường)

Một buổi lễ tổng kết năm học của Trường THCS Ngư Lộc (Ảnh: fanpage nhà trường)

Với tôi, Trường Cấp 2 Thủy Sản Ngư Lộc nay là Trường THCS Ngư Lộc, chính là chiếc nôi, bệ phóng để tôi và những người bạn của mình bước vào đời. Chúng tôi mong và tin với sự nỗ lực cố gắng rèn luyện và học tập của các thế hệ học trò kế tiếp, cùng với đội ngũ giáo viên tâm huyết của trường hôm nay, sẽ viết nên những chương mới tốt đẹp cho nhà trường.

Bùi Văn Minh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/truong-toi-lop-toi-ngay-ay-32609.htm