Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh: Gặp khó về cơ sở vật chất
So với các trường trung cấp nghề khác trên địa bàn tỉnh, Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh khá chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo quy chuẩn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, điều kiện học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên.
So với các trường trung cấp nghề khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh khá chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo quy chuẩn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, điều kiện học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên.
Theo lãnh đạo Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh, hiện nay, đơn vị có 2 cơ sở đều ở thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh). Cả hai cơ sở có tổng diện tích hơn 700m2, không phù hợp với quy chuẩn của một trường trung cấp nghề. Tại cơ sở 1 (116 Hùng Vương, thị trấn Diên Khánh), các phòng học, thực hành, hiệu bộ cơ bản đáp ứng được hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, tại đây lại không có hội trường để tổ chức những hoạt động khác của trường. Hầu như năm học nào nhà trường cũng phải đi thuê hội trường của các đơn vị khác để làm lễ khai giảng. Mới đây, Đoàn trường đại hội cũng phải tổ chức ngoài trời nắng. Nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của học sinh và giáo viên cũng hạn chế tổ chức vì không có hội trường.
Đầu năm 2019, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp huyện Diên Khánh (7 Lê Thánh Tôn, thị trấn Diên Khánh) được sáp nhập vào Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh, trở thành cơ sở 2 của trường. Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở đây được xây dựng và sử dụng đã hơn 40 năm nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Tiến Lợi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh cho biết: “Tiếp nhận cơ sở 2, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là trường có thêm cơ sở, thêm diện tích, phòng học để phục vụ việc giảng dạy; lo vì cơ sở vật chất ở đây bị xuống cấp rất trầm trọng. Toàn bộ hệ thống mái của 10 phòng học và nhà hiệu bộ đã bị mục gỗ, ngói bị vỡ, lượn sóng nên khi trời mưa là dột khắp nơi; la phông trong các phòng học bị sập gần hết. Một số phòng bị hư hỏng nặng nên không thể sử dụng được, phải khóa cửa bỏ hoang. Đặc biệt, tường nhà nhiều chỗ bị nứt rất nguy hiểm; hệ thống cửa sổ, cửa chính bị hư hỏng, rớt bản lề; nền xi măng bị sụp lún, long tróc, lồi lõm nhiều chỗ; hệ thống điện quá cũ không đảm bảo an toàn… Trước đây, đã từng xảy ra sự cố chập điện cháy phòng kho thiết bị và đồ dùng học tập; mái ngói bị sập xuống hư một phòng học”. Được biết, tại cơ sở 2, nhà trường bố trí hơn 550 học sinh học văn hóa THPT, 1.200 học sinh học nghề phổ thông và tư vấn hướng nghiệp. Với cơ sở vật chất như vậy rất khó đảm bảo cho việc dạy và học.
Ngoài gặp khó về cơ sở vật chất, hiện nay, nhà trường còn đối diện với việc thiếu giáo viên dạy nghề, cụ thể là nghề kỹ thuật chế biến món ăn, công nghệ ô tô và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, trước đây, trường được cấp 1 chiếc xe ô tô phục vụ công tác, nhưng hiện nay đã bị hư hỏng không thể sử dụng được, gây khó khăn cho cán bộ, giáo viên nhà trường khi tổ chức đi tuyển sinh, dạy nghề ở cơ sở. “Nhà trường rất mong UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương có liên quan sớm xem xét cấp kinh phí sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của đơn vị. Về lâu dài, cần sớm thống nhất chọn địa điểm và triển khai đầu tư xây dựng trường mới nhằm đảm bảo quy chuẩn, chất lượng đào tạo của nhà trường”, ông Lợi kiến nghị.
VĂN GIANG
Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Với những khó khăn về cơ sở vật chất của Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh, hiện nay, sở đã xây dựng dự án đầu tư sửa chữa các hạng mục như: Thay mái ngói, sửa lại cửa, dặm vá tường bị nứt, sơn lại tường và lát nền… với vốn đề xuất hơn 2,1 tỷ đồng. Đồng thời, sở phối hợp với UBND huyện Diên Khánh và các ngành liên quan thống nhất địa điểm và lập dự án đầu tư xây dựng trường mới đạt quy chuẩn trên cơ sở hoán đổi từ 2 cơ sở hiện tại với kinh phí hơn 100 tỷ đồng; đầu tư trang thiết bị dạy nghề từ nguồn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
____________________________________________