Trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam chuyển qua mô hình đại học
Trường Đại học Duy Tân là trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam chuyển qua mô hình đại học.
Ngày 10-11, tại Đà Nẵng đã diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Duy Tân và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân.
Đây là cơ sở giáo dục đại học tư thục đầu tiên chuyển qua mô hình đại học và là đại học thứ 8 ở Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Kinh tế TP.HCM).
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, Trường Đại học Duy Tân trở thành Đại học Duy Tân là một sự lựa chọn mô hình tổ chức và quản trị, cũng là một mô hình phát triển chứng tỏ độ chín và nhu cầu phát triển mới từ bên trong.
“Tôi mong rằng sự thay đổi này không phải là thay đổi một cái tên, mà là sự thay đổi hướng tới chiều sâu, hướng tới giải phóng sức sáng tạo, hướng quản trị hiện đại, thông minh”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh sự ra đời, phát triển của Đại học Duy Tân đã góp phần làm thay đổi cơ cấu công tư trong hệ thống các trường đại học, cũng làm thay đổi diện mạo của giáo dục đại học.
“Đảng và Nhà nước coi việc phát triển khối các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập là bình đẳng”, ông Sơn khẳng định.
Trường Đại học Duy Tân được thành lập năm 1994 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là một trong 5 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đầu tiên của cả nước trong thời kỳ mới.
Sau hơn ba thập niên phát triển, đến nay, trường có 5 cơ sở đào tạo, với tổng diện tích hơn 85.000m2, đào tạo gần 80 ngành học ở tất cả các cấp.
Cơ sở giáo dục đại học này có hơn 250 phòng thực hành, thí nghiệm, hệ thống phòng mô phỏng y khoa, hệ thống thư viện, trung tâm dữ liệu cùng nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Trường đã xây dựng đội ngũ nhân lực với hơn 1.100 giảng viên, trong đó tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, có chức danh PGS, GS đạt trên 30%.