Trường tư và giáo viên có 'đứng ngoài' Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm?
Không ít độc giả thắc mắc các trường và giáo viên các trường ngoài công lập có bị điều chỉnh bởi các quy định của Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm?
Khi Thông tư 29 được ban hành, nhiều người cho rằng quy định về dạy thêm, học thêm chỉ áp dụng với trường công lập/giáo viên trường công lập, còn trường ngoài công lập/giáo viên trường ngoài công lập thì không.
Song, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT chia sẻ tại tọa đàm “Thông tư 29: Cơ hội hay thách thức cho giáo dục?” do Báo VietNamNet tổ chức mới đây như sau:
“Thông tư 29 không phân biệt trường công - tư. Trường tư cũng phải xây dựng kế hoạch giáo dục, vẫn một chương trình đó và phải thực hiện như vậy.
Nếu trường tư tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và buổi chiều vẫn xếp học sinh vào học các môn học trong chương trình như trước đây cũng bị coi là dạy thêm. Còn nếu họ tổ chức 2 buổi/ngày và buổi còn lại ngoài chính khóa tổ chức các hoạt động giáo dục như sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng... chúng ta cần khuyến khích”.
Như vậy, theo ông Thành, nếu trường tư tổ chức học 2 buổi/ngày và buổi thứ hai tiếp tục dạy chính khóa cũng tính là dạy thêm.

Ảnh minh họa: Thanh Hùng.
Thông tư 29 cũng nêu rõ đối tượng áp dụng là “người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức, cá nhân có liên quan”, không chỉ với riêng giáo viên trường công lập.
Như vậy, giáo viên trường tư cũng phải tuân thủ các quy định của Thông tư 29 như: Không dạy thêm với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống); không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy chính khóa.
Tuy nhiên, một điểm khác của giáo viên trường tư so với giáo viên trường công lập là được quyền đăng ký kinh doanh, tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Trong khi, giáo viên trường công lập chỉ có thể tham gia dạy thêm tại các trung tâm chứ không được đăng ký kinh doanh dạy thêm.
Theo Thông tư 29, các trường tư thục cũng không được tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học, không tổ chức dạy thêm có thu tiền trong trường.
Các trường tư cũng không được tổ chức dạy thêm cho học sinh nằm ngoài 3 nhóm đối tượng: Học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi.
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm khi đúng đối tượng vẫn phải bảo đảm: không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 2 tiết/tuần.
Mới đây, ngày 21/2, Bộ GD-ĐT đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo đó, đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thời hạn kiểm tra từ ngày 20/2 đến ngày 20/3.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sau khi ban hành Thông tư 29, Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành Công điện tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Theo đó, công điện yêu cầu Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động dạy thêm, học thêm.
Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành công văn về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông, trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD-ĐT thực hiện đúng quy định về quản lý dạy thêm, học thêm.
Về trách nhiệm triển khai Thông tư 29, Bộ GD-ĐT cho hay, Bộ sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình từ các địa phương để có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo, qua đó, giúp các Sở GD-ĐT có căn cứ tham mưu và chỉ đạo thực hiện tại địa phương.