Trường VAS có được từ chối quyền được đến trường của học sinh?
Không thể có ý kiến đồng thuận với phụ huynh, trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Việt Úc (VAS - TP. Hồ Chí Minh) ra quyết định từ chối tiếp nhận học sinh (là con em những phụ huynh mà không đồng thuận với Nhà trường) trong năm học 2020-2021. Vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều ý kiến không đồng tình về cách hành xử của trường này.
Theo Tổ Quốc từng phản ánh, ngày 01/7 có khoảng hơn 20 phụ huynh học sinh trường VAS nhận được thư thông báo "không thể tiếp tục tiếp nhận" con từ năm học 2020-2021 từ Nhà trường. Đây là những phụ huynh không đồng ý với chính sách của nhà trường trước đó.
Trong danh sách này, có những phụ huynh không đồng tình với chính sách thu tiền học của trường nhưng vẫn đóng đầy đủ, có những phụ huynh chỉ đóng một phần chờ sau khi giải quyết bất đồng thì sẽ đóng nốt.
Cũng trong danh sách này có nhiều phụ huynh tâm huyết với trường, quý trọng thầy cô giáo và vẫn muốn con tiếp tục theo học nhưng trường vẫn gửi thông báo.
Vụ việc khiến các bậc phụ huynh lo lắng vì bây giờ phải lo tìm trường mới cho con và hơn cả là sợ con bị sốc tâm lý.
Về phía học sinh của trường, một học sinh học lớp 11 tại VAS chia sẻ với báo Người lao động, em đã có 13 năm theo học tại trường, học từ bậc mầm non và thực sự đây là gia đình thứ hai của em, em rất sốc khi nhận thư thông báo không tiếp nhận em cho năm học tới, đồng nghĩa là em bị buộc thôi học.
"Ngày nhận được thông báo em đã cười mà nước mắt cứ rơi, em đặt ra nhiều câu hỏi, mẹ đi phản đối học phí như vậy là đúng hay sai. Nếu mẹ không đi thì có lẽ em vẫn được học tại trường. Nhưng như vậy số tiền kia sẽ đi về đâu. Năm sau là cuối cấp thì trường nào sẽ nhận em vào học. Chẳng lẽ bây giờ em đi học trường nghề, em không thể tốt nghiệp THPT?", học sinh tỏ ra hoang mang trước quyết định của Trường.
Không những thế, học sinh còn cho biết, "Đến trường với em bây giờ là một cực hình, VAS như một trại giam. Thậm chí, nếu không có những tiết học quan trọng thì em cũng không đến trường nữa, tâm lý bất ổn, mỗi đêm em đều thức đến 3-4 giờ sáng nghĩ về chuyện học và khóc".
Tới thời điểm này, phía Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh cũng đã nắm được vụ việc này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM trao đổi với Zing.vn, phụ huynh có quyền sử dụng dịch vụ của trường hoặc không; trường có quyền cung cấp dịch vụ cho phụ huynh hoặc không. Hai bên không đồng thuận về quyền với nhau thì đưa ra tòa.
"Sở GDĐT TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn và trong cuộc họp báo trước đó, tôi cũng đề cập việc này. Vấn đề liên quan cả quyền lợi của phụ huynh và nhà trường, nếu không đồng thuận thì đưa ra tòa. Không thích sử dụng dịch vụ, có quyền nghỉ. Nếu phụ huynh vẫn muốn sử dụng dịch vụ của trường thì phải đồng ý, thống nhất với trường", ông Nam nói.
Như vậy, với những gì xảy ra tại VAS, nếu nhìn từ 2 Luật Trẻ em 2016 và Luật Giáo dục 2019 đã thấy Nhà trường hoàn toàn bỏ qua các quyền lợi của các học sinh trong vụ việc này, chưa kể đến việc các em sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý khi buộc phải thay đổi môi trường học tập.
Theo Luật Trẻ em 2016, Điều 16. Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu có khoản 1 và 2 "1. Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. 2. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh."
Còn theo quy định của Luật Giáo dục 2019, tại Điều 13. Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, khoản 1 có nêu rõ "1. Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập."
Cùng đó, tại Điều 83. Quyền của người học, bao gồm: "1. Được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. 2. Được tôn trọng; bình đẳng về cơ hội giáo dục và học tập; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình. 3. Được học vượt lớp, học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban, được tạo điều kiện để học các chương trình giáo dục theo quy định của pháp luật. 4. Được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh."
Về phía lãnh đạo nhà trường hay với cha mẹ học sinh, đây có thể là những mâu thuẫn về mặt lợi ích kinh tế, tuy nhiên, với các em nhỏ, hậu quả của việc bất ngờ phải thay đổi môi trường học tập sẽ để lại những ảnh hưởng nặng nề về mặt tinh thần, và ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về việc này? "Số phận" học hành của các em học sinh này sẽ ra sao trong năm học tới khi chỉ còn 2 tháng là tới ngày khai giảng năm học 2020-2021?
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sự việc này và thông tin tới bạn đọc…