Trường vùng biên nỗ lực 'chuyển mình'

Lang Chánh là huyện nghèo vùng cao, giáp biên của tỉnh Thanh Hóa.

Cô Hoàng Thị Yến và học sinh ở trên lớp.

Cô Hoàng Thị Yến và học sinh ở trên lớp.

Dù kinh tế người dân còn nhiều khó khăn nhưng sự học của con em địa phương ngày càng khởi sắc, chất lượng nâng cao.

Những tín hiệu vui

Trường THPT Lang Chánh nằm giáp biên giới Việt - Lào. Tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm 2023, lần đầu tiên nhà trường có 14 học sinh đoạt giải, trong đó sau hơn một thập kỷ có học sinh đoạt giải môn Toán và Sinh học.

Thầy Nguyễn Mạnh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh cho hay, do đặc điểm địa bàn vùng cao nên điều kiện kinh tế người dân eo hẹp. Tuy vậy, những năm qua, số và chất lượng học sinh nhà trường tham dự các kỳ thi học sinh giỏi ngày càng nâng cao. Năm học 2022 - 2023, em Trần Nguyễn Huyền Trân – học sinh lớp 11A1, người dân tộc Mường đoạt giải Nhì môn Văn cấp tỉnh.

“Những nhân tố như Huyền Trân đã mang đến luồng gió mới cho nhà trường. Em cũng là tấm gương để học sinh toàn trường noi theo, cùng phấn đấu vượt khó, vươn lên trong học tập”, thầy Tuấn tâm sự. Trước đó, năm học 2021- 2022, khi đang học lớp 10, nữ sinh Huyền Trân đã tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn và giành giải Khuyến khích.

Huyền Trân cho rằng, thành tích năm lớp 10 đạt được là thử thách, áp lực lớn trong việc tiếp tục nỗ lực giành kết quả ở năm lớp 11 nhưng cũng thúc đẩy em phải cố gắng thật nhiều để khẳng định bản thân, không phụ công sức của thầy cô, gia đình. Nữ sinh này nhớ lại: “Sau khi hoàn thành bài thi và đối chiếu đáp án, em tự cảm nhận bài làm ổn và khá hoàn chỉnh. Đối với em, để đoạt được giải Nhì môn Ngữ văn lớp 11, ngoài khả năng bản thân còn có chút may mắn. Và, trong thành tích của em có sự giúp đỡ, dìu dắt tận tình của cô giáo Vi Thị Thu Hằng”.

Bước sang năm học 2023 - 2024, đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh của Trường THPT Lang Chánh có 14 giải. Trong đó, môn Lịch sử do cô giáo Nguyễn Thị Hà trực tiếp bồi dưỡng mang về 4 giải (1 giải Nhì và 3 giải Khuyến khích). Môn Giáo dục công dân do cô giáo Trịnh Thị Lương đảm nhận cũng có 4 học sinh đoạt giải (2 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích). Ở đội tuyển Địa lý, cô giáo Trương Thị Lộc phụ trách có 2 học sinh đoạt giải (1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích). Môn Ngữ văn, do cô Lê Diệu Lan đảm nhiệm, 2 học sinh đoạt giải Khuyến khích. Đặc biệt, hơn 10 năm qua, lần đầu tiên nhà trường có học sinh đoạt giải môn tự nhiên.

“Dù 2 giải môn tự nhiên (Toán và Sinh học) chưa cao, nhưng cũng là dấu mốc đáng ghi nhận. Có 10 học sinh người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Thái có em Lê Thị Hòa (lớp 12A2) đoạt giải Nhì môn Lịch sử; em Dương Hà Phương Anh (lớp 12A1) đoạt giải Nhì môn GD công dân; em Vi Hoài Nhi (lớp 12A3) đoạt giải Ba môn Địa lý...”, thầy Tuấn thông tin.

 Giờ sinh hoạt dưới cờ của Trường THPT Lang Chánh.

Giờ sinh hoạt dưới cờ của Trường THPT Lang Chánh.

Tâm huyết của thầy, cô

Thầy Nguyễn Công Hiến – giáo viên dạy Toán, chủ nhiệm lớp 12A1, người dìu dắt em Lê Sỹ Việt Anh (giải Khuyến khích môn Toán) chia sẻ: “Việt Anh ngoan, hiền lành, chăm chỉ, chịu khó và có ý thức tự giác trong học tập. Em ít nói, đôi khi hơi rụt rè, nhưng có ý chí phấn đấu, quyết tâm cao. Qua những lần thầy trò tâm tình, Việt Anh chia sẻ từ nhỏ đã mong muốn trở thành thầy giáo dạy Toán. Vì lý do đó, em luôn nỗ lực, cố gắng theo đuổi ước mơ của mình”.

Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy môn Toán, thầy Hiến cho hay, là giáo viên bộ môn kiêm công tác chủ nhiệm lớp nên luôn quan tâm, gần gũi, động viên học trò. Phương pháp dạy học hiệu quả chính là sự kiên trì, tận tình dạy bảo học sinh từ dễ đến khó.

“Với bài toán khó, trước hết tôi hướng dẫn phương pháp, sau đó để các em tự suy nghĩ làm bài. Nếu chưa giải được, tôi giúp học sinh phân tích từng bước. Khi các em nắm chắc phương pháp giải, giáo viên sẽ cho luyện bài tập theo mức độ nâng cao dần. Đây là cách rèn học sinh năng lực tư duy sáng tạo, mở rộng, củng cố kiến thức”, thầy Hiến nói.

Thầy Hiến cũng cho rằng, đối với học sinh miền núi, môn Toán bao giờ cũng khó hơn môn xã hội. Vì vậy, giáo viên phải cố gắng tạo niềm vui, sự hứng thú và yêu thích môn học; cùng đó thường xuyên động viên, khích lệ để các em không chán nản trước bài toán khó.

“Tôi luôn đặt ra mục tiêu để học trò phấn đấu. Liệt kê các đơn vị kiến thức, chuyên đề cần học. Sau đó lên kế hoạch cụ thể yêu cầu học sinh học xong phần kiến thức đó. Một bí quyết trong dạy học tôi thấy hiệu quả là việc chia nhỏ kiến thức, chuyên đề và sắp xếp thời gian hợp lý với lịch học của các em. Bởi ngoài môn Toán, các em phải dành thời gian học các môn khác”, thầy Hiến tâm sự.

 Thầy Nguyễn Công Hiến và học sinh Lê Sỹ Việt Anh cùng ôn luyện môn Toán.

Thầy Nguyễn Công Hiến và học sinh Lê Sỹ Việt Anh cùng ôn luyện môn Toán.

Còn theo cô Hoàng Thị Yến - người dìu dắt nữ sinh Trịnh Thị Oanh (11A1) đoạt giải Khuyến khích môn Sinh học, những năm học trước, nhà trường không thể thành lập được đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học do số lượng học sinh ít, chất lượng đầu vào kém. Năm học 2023 – 2024, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu phải thành lập được đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học. Em Trịnh Thị Oanh là trường hợp đặc biệt nhưng đã vượt lên chính mình để mang về thành tích cho bản thân và nhà trường.

“Bố ốm đau liên miên, mẹ là lao động tự do. Dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn, song không vì thế Oanh chểnh mảng chuyện học. Khi tham gia kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, Oanh đang học lớp 11, chưa thể cập nhật kịp kiến thức chương trình lớp 12. Trong khi đó, nhóm chuyên môn không thể tìm được nguồn từ học sinh khối 12. Bằng sự đam mê, nỗ lực, chăm chỉ, cùng hỗ trợ hết mình giáo viên bộ môn, Oanh đã vượt qua thách thức, đạt kết quả tốt”, cô Yến kể lại.

Theo cô Yến, để theo kịp chương trình, học sinh và giáo viên phải tranh thủ mọi thời gian. Bên cạnh học môn Sinh học, Oanh đã chia lịch khoa học để học tốt các môn khác. Có thời điểm hai cô trò học từ 14 giờ - 19 giờ, buổi tối học tiếp từ 20 giờ đến 23 giờ để Oanh có thể theo kịp chương trình.

“Nhiều lúc Oanh dao động bởi nếu ôn đội tuyển có số lượng học sinh đông thì các em thuận tiện trao đổi bài tốt hơn. Chỉ có thầy và trò, cơ hội trao đổi cũng trùng lại, không khí ôn luyện giảm đi sự hưng phấn, sôi động. Vì vậy, trong các buổi ôn luyện, tôi phải đồng hành cùng học trò. Tôi nói với Oanh, hãy trao đổi với cô như một người bạn, có những điều cô cũng chưa biết như em thì cô trò cùng tìm hiểu, bàn luận. Điều đáng mừng dù ôn luyện, học hành mệt mỏi nhưng Oanh chưa bao giờ từ bỏ”, cô Yến bộc bạch và nhấn mạnh:

Kết quả em đạt được nếu so sánh với một số trường ở miền xuôi, có thể là điều bình thường. Nhưng, với một nữ sinh nghèo ở huyện miền núi khó khăn như Lang Chánh, số lượng học sinh theo học các môn tự nhiên ít, đặc biệt môn Sinh học, đây là niềm tự hào, tín hiệu khởi sắc với bộ môn. Thành tích này trở thành động lực lớn lao để giúp cô trò vươn đến những kết quả cao hơn.

 Học sinh Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa).

Học sinh Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa).

Trường vùng khó khẳng định mình

Lang Chánh là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong huyện cao (gần 30%), học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, đầu tư cho giáo dục thấp. Địa bàn dân cư phân bố rộng, nhiều xã cách trung tâm huyện 30 đến 60km. Đây là cản trở lớn đối với sự phát triển giáo dục của nhà trường. Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào của học sinh khá thấp, khả năng học tập còn hạn chế.

Theo thầy Nguyễn Mạnh Tuấn, năm học 2023 – 2024, thầy và trò nhà trường đã nỗ lực, phấn đấu để đạt những kết quả xuất sắc, được cấp trên, người dân ghi nhận. Trước đó, năm học 2022 - 2023, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của nhà trường là 99,45%, cao hơn 0,95% so với toàn tỉnh. Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT là 6,01, tăng 10 bậc so với thứ hạng thi tuyển sinh đầu vào. 108 lượt học sinh có điểm thi đạt từ 9.0 trở lên, trong đó 1 em đạt điểm 10 (môn GD công dân); 12 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên trên 3 môn tổ hợp xét tuyển đại học.

Đối với chất lượng mũi nhọn, thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa, nhà trường có 14 giải. Trong đó gồm 3 giải Nhì, 2 giải Ba và 9 giải Khuyến khích. Đặc biệt, trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi của nhà trường, nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng với tinh thần hiếu học, chăm ngoan cùng sự quan tâm, dìu dắt ân cần của thầy, cô giáo, các em đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, khích lệ.

Có thể nói, dù nhiều khó khăn, tỷ lệ đầu vào (lớp 10) hằng năm của nhà trường khá thấp, nhưng thành tích mà thầy, trò Trường THPT Lang Chánh đạt được đã cho thấy chất lượng giáo dục đang dần khẳng định và có sự chuyển biến đáng kể trong hệ thống giáo dục công lập vùng khó.

Chất lượng giáo dục nhà trường nâng lên, thể hiện ở tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và đại học hằng năm ngày càng cao. Số học sinh thi tốt nghiệp đạt 27 điểm trở lên (tổ hợp 3 môn xét đại học) nhiều. Cùng đó, nhà trường có nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh... Đó là tín hiệu vui đối với thầy, trò nhà trường; cũng là động lực, để cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh… phấn đấu trở thành địa chỉ đào tạo tin cậy trong hệ thống giáo dục công lập ở miền núi Thanh Hóa. - Thầy Nguyễn Mạnh Tuấn

Bài và ảnh: Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-vung-bien-no-luc-chuyen-minh-post697031.html