Trường vùng khó quan tâm, tặng quà khích lệ học viên lớp xóa mù chữ
Học viên tất bật với nương rẫy, cuộc sống khó khăn nên nhà trường vận động, tặng nhu yếu phẩm, sách vở… động viên bà con đi học chuyên cần.
Hỗ trợ nhu yếu phẩm động viên bà con đi học
Năm học 2023-2024, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Hiếu (huyện Kon Plông, Kon Tum) tiếp tục mở lớp xóa mù chữ (XMC), giai đoạn II (chương trình lớp 2) cho 36 học viên từ 15 đến 60 tuổi.
Trước đó, qua một thời gian triển khai, lớp XMC đã hoàn thành học kỳ I chương trình giai đoạn 1, duy trì từ 85% đến 90% tỉ lệ chuyên cần các buổi học. Bên cạnh đó, 50% tỉ lệ học viên đã biết đánh vần, viết được chữ cái, tính toán đạt (còn 50% học viên đánh vần, viết và tính toán chậm).
Thầy Vũ Ngọc Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, địa phương là một trong những xã còn nhiều khó khăn với tỉ lệ người DTTS thiểu số cao. Bà con đa số làm nương rẫy nên nhà trường sắp xếp lớp xóa mù chữ vào ban đêm, từ 18-20h. 3 giáo viên luân phiên nhau đứng lớp, giảng dạy cho học viên.
Theo thầy Thành, vẫn còn tình trạng học viên vắng, đặc biệt vào ngày mùa và dịp lễ Tết. Do đó, giáo viên thường xuyên vào làng tuyên truyền về ích lợi của việc học để bà con chăm chỉ đến lớp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để mua nhu yếu phẩm, sách vở… phát cho học viên khó khăn. Từ đó động viên, khích lệ tinh thần của bà con.
Thầy Thành cho hay, việc đưa bà con ra lớp học chữ đã khó đến nay công tác duy trì sĩ số cũng rất vất vả. Bởi giáo viên phải nhẹ nhàng, thấu hiểu và sẻ chia với người dân, tránh học viên tự ti, mặc cảm mà nghỉ học.
“Hiện nay 3 giáo viên đứng lớp xóa mù chữ đều dạy miễn phí cho bà con. Thầy, cô vất vả cả ngày với những tiết học chính khóa, buổi tối vẫn cố gắng để truyền đạt kiến thức giúp bà con sớm biết đọc, biết viết.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí chi trả cho giáo viên dạy lớp xóa mù chữ. Chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ có khoản hỗ trợ để động viên tinh thần thầy, cô”, thầy Thành nói.
Ông Đặng Quang Hà, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, với những tình nguyện viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ được hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại theo quy định. Trường học được quan tâm, hỗ trợ về cơ sở vật chất và giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy xóa mù chữ được quan tâm, hỗ trợ về tinh thần.
Ngoài ra, những học viên theo học được hỗ trợ về đồ dùng học tập, như: hỗ trợ sách, vở, bút học tập. Sau khi hoàn thành khóa học được hỗ trợ 500.000 đồng/1 học viên/1 chương trình học.
Trích tiền túi in sách tặng bà con
Không chỉ tích cực trau dồi kiến thức chuyên môn và tìm phương pháp dạy học phù hợp đối với học viên, nhiều giáo viên, trường học… còn kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, tài liệu học tập… cho bà con người DTTS.
Cô Dương Thị Kiếu, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng, TP. Pleiku, Gia Lai) lần đầu tiên dạy lớp xóa mù chữ nên ban đầu không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Để học viên không tự ti và thích thú khi đến lớp, cô trau dồi, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các đồng nghiệp khác. Đồng thời nhẹ nhàng hướng dẫn, gần gũi với từng học viên để mọi người thoải mái học tập.
Để bà con có điều kiện học tập tốt hơn, cô Kiếu còn xin sách giáo khoa cũ của học sinh rồi tự bỏ tiền túi phôtô thành nhiều bản phát cho lớp. Những khi rảnh rỗi, cô kêu gọi sự chung tay của nhà hảo tâm để mua thêm vở, bút, sách giáo khoa… phát cho học viên. Những sẻ chia ấy giúp cô Kiếu và học viên có thêm niềm tin, sự động viên để hoàn thành chương trình.
Tỉnh Gia Lai hỗ trợ 500.000 đồng/người/chương trình học nhằm khuyến khích người dân vùng đồng bào DTTS tham gia lớp XMC. Ngoài ra, chi hỗ trợ kinh phí thắp sáng đối với các lớp xóa mù chữ tổ chức ban đêm là 160.000 đồng/lớp/tháng; chi mua sổ sách theo dõi quá trình học tập tối đa 760.000 đồng/lớp; chi mua sách giáo khoa dùng chung gồm 1 bộ sách giáo khoa/học viên và 1 bộ sách giáo khoa/giáo viên. Ngoài ra, chi cho người tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ 80.000 đồng/1 học viên đến lớp và hoàn thành chương trình học.