Trượt bằng lái nhiều có đáng lo?
Phần mềm mô phỏng lái xe ô tô giúp cho người điều khiển phương tiện làm quen với nhiều tình huống bất ngờ xảy ra, từ đó có những hướng xử lý phù hợp tránh gây tai nạn đáng tiếc.
Phần mềm này còn giúp nâng cao trình độ lái xe của người điều khiển phương tiện, đảm bảo an toàn cho bản thân và các phương tiện tham gia giao thông khác.
Có thể khẳng định, so với mô hình truyền thống, người học có được nhiều trải nghiệm hơn. Cabin mô phỏng lái xe ô tô là thiết bị được thiết kế giống hệt với cabin của ô tô thật, có những bộ phận như trên ô tô để giúp người lái xe có môi trường học tập thật nhất.
Đáng chú ý, hệ thống phần mềm của mô hình được cài đặt rất nhiều các bài học, không chỉ những bài học cơ bản, bài học nâng cao mà còn có rất nhiều những tình huống giao thông ở mọi cung đường khác nhau trong các điều kiện thời tiết khác nhau, cả ban ngày lẫn ban đêm.
Có thể thấy rằng việc học tập theo mô hình này sẽ đem lại những trải nghiệm tốt, hấp dẫn. Từ đó, giúp cho học viên có thể thực hành với nhiều môi trường và trải nghiệm nhiều tình huống lái xe hơn nhiều so với trước đây.
Chưa kể, việc này giúp tiết kiệm được rất nhiều công sức, chi phí cho các học viên. Bởi với mô hình này không tốn chi phí xăng xe, đồng thời giúp các học viên không phải ra thực tế học trên đường.
Việc học trên cabin mô phỏng còn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người học so với việc học thực hành trên đường. Bởi, nếu học thực hành truyền thống rất có thể người học sẽ bị nhầm lẫn chân phanh, chân ga.
Tuy nhiên, có thể thấy, bổ sung phần mềm mô phỏng vào nội dung thi bằng lái ô tô sẽ trở nên khó khăn hơn với nhiều người, thay vì trước đây chỉ cần thi lý thuyết, thi sa hình và lái xe thực hành. Việc áp dụng phần mềm này vào nội dung thi vì thế có thể gây nhiều ý kiến trái chiều cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng cần phải khẳng định, việc thực hiện mô phỏng trong sát hạch lái xe hiện nay là cần thiết. Việc thi đỗ hay trượt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là chất lượng người dạy và khả năng tiếp thu của người học.
Cùng với đó cũng phụ thuộc vào việc người học có chịu khó học hay không, khi thực hành có bình tĩnh hay không?
Một điều nữa cũng cần nói là qua kinh nghiệm thực tế, việc thực hành mô phỏng cũng cần phải nghiên cứu, cải tiến. Bởi khi thực hành, một số ứng dụng chưa được chính xác. Đơn cử như lúc thao tác phanh, thực tế vẫn xảy ra đâm va...
Vấn đề nữa là cần nghiên cứu, ứng dụng các bài khó hơn cho học viên lúc thực hành lái xe trên hiện trường. Đây là mấu chốt để đảm bảo chất lượng cho người điều khiển phương tiện thực tế khi tham gia giao thông sau khi đã qua các kỳ sát hạch.
Chúng ta không nên quá lo lắng vì tỷ lệ thi trượt cao, vì nếu học thật, thi thật thì mới đỗ và điều đó không chỉ có lợi cho bản thân người lái xe mà lợi cho cả xã hội.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/truot-bang-lai-nhieu-co-dang-lo-192240109000448117.htm