Trượt đại học không phải là thảm họa!

Trượt đại học không phải là thảm họa. Thảm họa thật sự chỉ xảy ra nếu như các em tiếp tục có những phản ứng tiêu cực về tâm lý, thậm chí dẫn tới các hành động sai lầm, dại dột.

Đừng để trẻ hành động dại dột

Trượt đại học là điều mà không một thí sinh nào mong muốn, tuy nhiên, nhiều em vì sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ mà mang gánh nặng tâm lý, dẫn đến stress, trầm cảm, thậm chí có ý nghĩ tự tử.

Cha mẹ phải là những người bạn đồng hành, chia sẻ với con khi các em thi trượt đại học. Ảnh minh họa

Kỳ thi tuyển sinh năm 2020, dư luận bàng hoàng khi báo chí đưa tin một nữ sinh ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam treo cổ tự tử do không đủ điểm vào Đại học như mong muốn.

Theo người thân của em, từ nhỏ nữ sinh này đã nuôi ước mơ sẽ trở thành sinh viên của một trường đại học lớn tại TP HCM nên em rất chăm học. Suốt 12 năm học phổ thông, em luôn là học sinh khá giỏi và đạt nhiều thành tích cao trong học tập.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nữ sinh được 24,5 điểm ở tổ hợp các môn khoa học tự nhiên. Với số điểm này, bạn bè đều nghĩ em sẽ đủ điểm đậu vào nguyện vọng 1 của mình. Cha em cũng vui mừng, chạy vạy được 10 triệu đồng để chuẩn bị cho con vào giảng đường đại học. Thế nhưng, khi nghe tin mình trượt do thiếu điểm, nữ sinh đã suy nghĩ tiêu cực dại dột nghĩ quẩn và mãi mãi ra đi, bỏ lại người cha cùng cậu em trai.

Một trường hợp đáng tiếc khác cũng xảy ra sau kỳ thi đại học năm ngoái khi một em trai ở Nam Định đã phát bệnh tâm thần vì quá áp lực trong việc học hành, thi cử.

Trước đó. mẹ cháu rất tự hào, thường kể về con với bao thành tích từ thuở bé thơ tới lúc trưởng thành. Đã vậy, bố mẹ luôn răn đe: “Liệu mà học, đừng làm mất mặt bố mẹ”.

Thấy bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng, nên cháu càng gắng sức lao vào học. Tuy nhiên, khi kết quả điểm thi của em không đủ vào ngành công an như bố mẹ mong muốn. Thất vọng, bố mẹ em buồn ra mặt. Em trai cũng trở nên lầm lì, không nói. Mấy tháng sau kỳ thi, em vẫn phải uống thuốc trầm cảm sau vài lần tự tử bất thành...

Không tạo áp lực cho con

Con cái thi trượt đại học là điều có thể xảy ra với bất kỳ gia đình nào. Nhưng, làm thế nào để có cách ứng xử phù hợp, cảm thông, chia sẻ với con để không xảy ra những sự việc đáng tiếc là điều mà không phải vị phụ huynh nào cũng làm được.

Theo một số chuyên gia tâm lý, trong nhiều trường hợp, chính cha mẹ lại là tác nhân gián tiếp gây thi rớt đại học khi tạo ra các áp lực cho con cái trong suốt thời gian chuẩn bị thi. Sau khi trượt, các áp lực đó không giảm lại còn gia tăng khi bạn bè của con đều đỗ đại học.

Vì vậy, các bậc phụ huynh nên bình tĩnh cân nhắc các điều thiệt hơn để có thể giải tỏa tâm lý tốt cho con cái và qua đó giúp cho chính mình nữa.

Đầu tiên, hãy chấp nhận. Con cái thi trượt đại học nhưng điều đó không phải là thảm họa. Thảm họa thật sự chỉ xảy ra nếu như các em tiếp tục có những phản ứng tiêu cực về tâm lý và thậm chí dẫn tới các hành động hủy diệt bản thân như theo bạn bè, bỏ nhà và trong những trường hợp là tự tử.

Cha mẹ cần xét lại lý do tại sao con phải thi đại học. Thông thường cha mẹ muốn con thi đại học do tư duy rằng đại học là con đường duy nhất để lập thân. Lý do nữa, cha mẹ muốn con cái thi đỗ đại học đó là sĩ diện cá nhân do ganh đua với xã hội. Như vậy, vô hình trung cánh cửa trường đại học không phải dành cho con mà lại dành cho bố mẹ!

Cha mẹ cũng cần chấp nhận sẽ có những em không đủ sức thi đại học. Gượng ép các em học đại học tại những trường đại học làng nhàng với những ngành học dư thừa trong xã hội là việc làm rất thiếu sáng suốt.

Cha mẹ cũng đừng tạo áp lực cho con cái vì bản thân các em đã bị chịu áp lực trong những kỳ thi liên tục, căng thẳng. Cha mẹ hãy lưu ý, các em mới chỉ là những em bé mới trưởng thành. Áp lực tâm lý quá lớn sẽ không bao giờ là điều tốt cho trẻ. Bản thân cha mẹ phải tư duy tích cực trước khi giúp cho con cái phục hồi về tâm lý.

Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, cha mẹ cần giúp đỡ con cái có chọn lựa đúng đắn về con đường học vấn tiếp theo của các em sau khi trẻ nhận kết quả trượt đại học. Các chọn lựa cần phải dựa trên các em chứ không phải dựa trên sở thích và năng lực của bố mẹ.

Trang bị cho trẻ sự mạnh mẽ, chủ động

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý - hướng nghiệp, Đại học Bình Dương - Thạc sĩ Huỳnh Anh Bình, năm nào cũng vậy, sau mỗi kỳ thi là ông lại nhận được hàng trăm cuộc gọi của các em học sinh thi trượt nói rằng mình chỉ muốn… chết vì mọi thứ đã chấm dứt, không còn gì nữa.

Thạc sĩ Huỳnh Anh Bình cho rằng, mong muốn vào đại học là chính đáng sau 12 năm các em ăn học. Nhưng nhiều em rơi vào tình trạng khó khăn như vậy là do chưa thật sự có sự chuẩn bị về mặt tâm thế. Đồng thời kỳ vọng quá cao từ chính bản thân, gia đình và mọi người xung quanh đẩy các bạn đến những suy nghĩ tiêu cực.

Ông Bình đặc biệt lưu ý, các em chọn cái chết hoặc khủng hoảng tâm lý, chưa hẳn là do nguyên nhân trượt đại học. Điều các em sợ hãi hơn cả là không biết phải đối diện với sự thất vọng của bố mẹ, mọi người xung quanh như thế nào.

Thạc sĩ Huỳnh Anh Bình nhận xét, lâu nay, các bài học giáo dục trong gia đình và nhà trường chú trọng dạy các em chiến thắng - nhất là chiến thắng về điểm số, thi cử. Vậy nhưng đi cùng với những bài học chiến thắng lại không ai trang bị cho trẻ sự mạnh mẽ, tính chủ động mà ngược lại dường như các em trẻ càng trở nên yếu đuối, bị động và thiếu trách nhiệm hơn.

Trượt đại học nhưng cuộc sống còn vô số những cơ hội, mục tiêu tiếp theo để khẳng định mình. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần đồng hành với con để chúng có thêm nghị lực vượt qua những thất bại đầu đời.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truot-dai-hoc-khong-phai-la-tham-hoa-post156768.html