Truy điệu các liệt sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Sáng 20-12, tại thôn Tú Thủy 2, xã Tú An, thị xã An Khê, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức lễ viếng, truy điệu các liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đây là nơi ghi đậm chí khí anh hùng, anh dũng hy sinh của 68 chiến sĩ trong trận đánh đồn Tú Thủy - là một trong nhiều đồn bốt được quân Pháp xây dựng kiên cố, án ngữ và kiểm soát xây dựng ở vị trí chiến lược đầu cầu An Khê, nơi tiếp giáp với Bình Định.
Đêm 13, rạng sáng 14-3-1947, đồng chí Vi Dân (tên thật là Nguyễn Văn Trợ), Trung đoàn trưởng cùng với đội quyết tử gồm 20 người và ba đội xung phong từ các chiến sĩ của Trung đoàn 95 xung trận mở đường cho các chiến sĩ diệt đồn Tú Thủy. Trước giờ xuất quân, các chiến sĩ đã tuyên thệ với lời thề: “Với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, chúng ta thề lấy bằng được đồn trước khi trời sáng, nếu không lấy được đồn Vi Dân này xin lấy đầu mình để lại”… Tuy nhiên, do sự chênh lệch về lực lượng cũng như vũ khí, các chiến sĩ của ta đã không giành được lợi thế và anh dũng hy sinh trong trận đánh này.
Được sự hỗ trợ thông tin từ phía người dân, đầu tháng 7-2019, chính quyền thị xã An Khê và Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Đội K52) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đã xác định được chính xác vị trí ngôi mộ tập thể các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy tại một rẫy mía của người dân…
Điếu văn do bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đọc tại buổi lễ có đoạn: “Trận đánh đồn Tú Thủy là một bản anh hùng ca bất diệt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng dũng cảm, hy sinh của các chiến sĩ cách mạng, của quân và dân ta. Các đồng chí đã ra đi, nhưng chí khí lẫm liệt luôn được ghi lòng tạc dạ vào con người, non sông đất nước Việt Nam và là tấm gương để các thế hệ sau noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Từ địa điểm này, ngôi mộ chung của các liệt sĩ đã được khẩn trương xây dựng và trở thành nơi tưởng nhớ của các thế hệ mai sau.