Truy nã trùm ma túy châu Á kiếm 17 tỷ USD/năm
Để trở lại quê nhà Đài Loan (Trung Quốc), Cai Jeng Ze đến sân bay quốc tế Yangon của Myanmar để làm thủ tục cùng với một túi da hiệu Jimmy Choo và hai chiếc điện thoại di động.
Đó là sáng 15/11/2016 và Cai dường như lo lắng, gãi gãi bàn tay phồng rộp. Hành động của nam thanh niên này khiến người ta nghi ngờ, một cựu sĩ quan cảnh sát Myanmar, người giám sát cuộc điều tra, kể với hãng tin Reuters. “Bàn tay anh ta bị sưng vì phải xử lý ma túy; methamphetamine rất độc”, vị cựu sĩ quan cảnh sát nói.
Cai bị chặn lại và bị lục soát. Mỗi bên đùi của Cai được buộc một gói nhỏ chứa 80 gram ketamine – loại ma túy thường được dân chơi dùng tại các bữa tiệc, buổi họp mặt.
Kho vàng thông tin của Aladdin
“Chúng tôi rất may mắn khi bắt được hắn. Đó thực sự là chuyện tình cờ”, vị cựu sĩ quan cảnh sát nói. Được DEA (Cơ quan chống ma túy của Mỹ) báo tin, cảnh sát Myanmar đã theo dõi Cai nhưng rồi mất dấu hắn. Cảnh sát sân bay không biết Cai là ai.
Cai nói với cảnh sát sân bay rằng, hai túi nhỏ trên đùi hắn một cái chứa thuốc trừ sâu, một cái chứa vitamin để bón cho cây và hoa, theo tài liệu của tòa án Myanmar xét xử vụ thanh niên này buôn lậu ketamine. Cai nói rằng, bạn mình đưa thuốc cho hắn để nhờ chuyển cho bố của bạn.
Chuyến bay của Cai sắp sửa cất cánh và không có xét nghiệm ketamine ở sân bay, vị cựu sĩ quan cảnh sát kể. Không tin lời giải thích của Cai, cảnh sát giữ hắn qua đêm. Hôm sau, cảnh sát phòng chống ma túy xuất hiện ở sân bay và một người nhận ra Cai vì từng tham gia giám sát đối tượng này.
Cai từ chối nói chuyện. Cảnh sát nói rằng, video mà họ sau đó tìm thấy trong điện thoại iPhone của Cai có thể giải thích việc hắn giữ im lặng. Video cho thấy một người đàn ông khóc lóc, vật vã trong khi ít nhất ba người khác thay nhau dùng ống thổi lửa đốt hai bàn chân anh ta, rồi dùng thiết bị kích điện (dùng để giết mổ gia súc) giật điện anh ta. Một điều tra viên kể rằng, trong video xuất hiện một dòng chữ tiếng Trung Quốc “Trung thành với trời xanh” – một dấu hiệu liên quan xã hội đen, thế giới băng đảng.
Theo hai sĩ quan AFP (Cảnh sát liên bang Úc) từng xem đoạn video đó, người đàn ông bị tra tấn nói rằng, ta vứt 300 kg ma túy tổng hợp meth ra khỏi thuyền bởi vì nhầm chiếc tàu đang tiến gần là tàu của cơ quan thực thi pháp luật. Những kẻ tra tấn muốn biết lời nói này có đúng không. Bằng cách quay phim và chia sẻ video, các thành viên băng đảng gửi đi một thông điệp về cái giá của sự phản bội, hai sĩ quan AFP nói.
Ngoài video tra tấn, cảnh sát còn tìm thấy trong hai chiếc iPhone của Cai vô số hình ảnh, video, các đoạn chát chít trên mạng xã hội và nhật ký hàng nghìn cuộc gọi, tin nhắn. Có thể coi Cai là “nhà chép sử” cẩn thận ghi lại các hoạt động của băng đảng ma túy, nhưng rất luộm thuộm, hớ hênh xét về mặt bảo mật thông tin.
Điện thoại của Cai giống như là “kho vàng thông tin của Aladdin” vậy, một chỉ huy của AFP ở Bắc Á nói.
Giấu ma túy đá trong túi trà chuyển khắp châu Á
Ít nhất hai tháng trước khi bị bắt, Cai đi lại khắp Myanmar để thu gom đơn hàng meth khổng lồ cho “Công ty”, theo một bản trình chiếu PowerPoint của cảnh sát phòng chống ma túy Myanmar. Phần trình chiếu cho thấy một công ty vận tải quốc tế chuyển hai lô hàng chứa trà Trung Quốc tới một địa chỉ ở Yangon.
Ít nhất là từ năm 2012, cảnh sát nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương phát hiện ma túy giấu trong các túi trà, mỗi túi chứa 1 kg ma túy đá (crystal meth).
Hai ngày sau khi bắt giữ Cai, cảnh sát Myanmar lục soát một địa điểm ở Yangon, tịch thu 622 kg ketamine. Tối hôm đó, họ thu giữ được 1,1 tấn ma túy đá tại một cầu cảng ở Yangon. Dù thu được lượng lớn ma túy, cảnh sát Myanmar vẫn thất vọng vì họ chỉ bắt được các thành viên cấp thấp của băng đảng ma túy, chủ yếu là người vận chuyển và một lái xe. Trong khi đó, Cai vẫn không chịu khai báo gì.
Nhưng sau đó cảnh sát có bước đột phá. Nghiên cứu kỹ thư viện ảnh và video trong hai chiếc điện thoại của Cai, một điều tra viên AFP ở Yangon nhận thấy một khuôn mặt quen quen. Điều tra viên thấy quen vì từng dự một buổi trao đổi thông tin tình báo về bọn buôn lậu ma túy châu Á khoảng một năm trước đó.
“Tên này (đối tượng được nêu tên trong buổi trao đổi thông tin) nổi bật vì hắn là người Canada. Lúc đó tôi nói “Khốn kiếp, tao đã biết mày là ai rồi nhé”, điều tra viên AFP kể. Đó là Tse Chi Lop.
Cảnh sát Myanmar mời AFP cử một đội phân tích tình báo tới Yangon vào đầu năm 2017. Úc là thị trường béo bở của các băng nhóm tội phạm châu Á kể từ năm 1975. Trong ít nhất một thập kỷ, AFP đưa tất cả file lưu trữ về các vụ án ma túy vào một cơ sở dữ liệu. Một đặc vụ chống ma túy Trung Quốc miêu tả cơ sở dữ liệu này có thông tin “xịn” nhất về các đường dây buôn lậu ma túy ở châu Á, gồm tên, ký hiệu hóa học của các loại ma túy thu giữ được, siêu dữ liệu điện thoại và thông tin giám sát.
Các nhà phân tích của AFP tham khảo chéo các nội dung trong điện thoại của Cai với cơ sở dữ liệu. Theo các điều tra viên và tài liệu cảnh sát Myanmar, các nhà phân tích của AFP đã tìm ra các bức ảnh liên quan ba lô hàng lớn chứa ma túy đá bị cảnh sát ở Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand chặn lại năm 2016.
Sau đó, một nhóm sĩ quan cảnh sát phòng chống ma túy của Trung Quốc kết nối các bức ảnh, số điện thoại và địa chỉ trong điện thoại của Cai với các vụ triệt phá meth khác ở Trung Quốc.
Đối với cảnh sát phòng chống ma túy trong khu vực, phát hiện này bác bỏ giả thuyết của họ là ma túy do các băng nhóm tội phạm khác nhau buôn bán, phân phối. Giờ đây, mọi chuyện rõ ràng là các lô hàng đều của một tổ chức duy nhất. Một đặc vụ Trung Quốc nói rằng, họ tin Cai là “một thành viên của một siêu băng đảng” liên quan vô số “vụ án ma túy, sản xuất, buôn lậu trong khu vực này (châu Á-Thái Bình Dương)”.
Cai không bị kết án tù trong vụ ketamine nhưng vẫn bị giam ở Yangon chờ xét xử với cáo buộc buôn lậu ma túy liên quan các vụ thu giữ meth.
Thiên đường meth
Trong thời gian ở Myanmar, Cai đi khắp nơi, thử các mẫu ma túy, tổ chức mạng lưới chuyển hàng và kiếm được một chiếc thuyền đánh cá để chở hàng cấm ra một chiếc tàu to hơn ở vùng biển quốc tế, theo cảnh sát Myanmar và tài liệu PowerPoint.
Điện thoại của Cai chứa hình ảnh các loại phương tiện được dùng để vận chuyển meth, điểm dừng để dỡ hàng và chiếc thuyền đánh cá.
Việc cảnh sát tái dựng các giao dịch của Cai ở Myanmar dẫn tới một phát hiện lớn khác – trung tâm sản xuất meth đã chuyển từ các tỉnh miền nam Trung Quốc sang ban Shan ở biên giới đông bắc Myanmar.
Hoạt động ở Trung Quốc từng giúp tập đoàn ma túy của “Anh Ba” dễ dàng có được các tiền chất ma túy như ephedrine, pseudoephedrine… Các tiền chất này được tuồn ra từ các nhà máy sản xuất dược phẩm, hóa chất và sơn ở Khu kinh tế đồng bằng sông Dương Tử (sông Trường Giang). Còn giờ đây bang Shan của Myanmar cho phép “Công ty” tự do sản xuất, phân phối ma túy, hiếm khi bị các lực lượng thực thi pháp luật cản trở.
Các nhóm phiến quân vũ trang ở các khu vực bán tự trị như bang Shan từ lâu kiểm soát nhiều phần lãnh thổ và sử dụng doanh thu ma túy để duy trì các trận đánh thường xuyên với quân đội Myanmar. Nhiều đợt thương lượng giữa lực lượng chính phủ và phiến quân trong những năm qua đã đem lại sự bình yên tương đối cho khu vực này – một điều kiện tốt để các hoạt động ma túy bùng phát.
“Các cơ sở sản xuất ma túy có thể tránh được cơ quan thực thi pháp luật và các con mắt dò xét khác, nhưng quan trọng là cách biệt khỏi tình trạng bạo lực. Sản xuất và lợi nhuận ma túy giờ đây lớn đến nỗi vượt cả khu vực chính thức của bang Shan”, nhà nghiên cứu Richard Horsey viết trong báo cáo năm nay gửi tổ chức phi lợi nhuận International Crisis Group (Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế).
(còn nữa)