Truy quét hàng giả không thể 'đánh trống bỏ dùi'

Vừa qua, hàng loạt đường dây buôn bán, kinh doanh hàng giả với quy mô rất lớn, đủ chủng loại từ thực phẩm, thuốc, hàng tiêu dùng được các cơ quan chức năng triệt phá, được dư luận đồng tình ủng hộ. Nhưng qua các đường dây bị bóc gỡ cũng đã lộ ra nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý, khiến hàng giả, hàng nhái mặc sức tung hoành, trở thành vấn nạn, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Vậy đâu là giải pháp để cuộc chiến chống hàng giả đạt kết quả bền vững? Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Sinh – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) để nhìn nhận thực trạng và bàn giải pháp bền vững cho cuộc chiến đầy thách thức này.

PV: Vừa qua, lực lượng chức năng trên toàn quốc đã triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng với quy mô lớn, thậm chí liên quan đến cả thực phẩm, dược phẩm và dầu ăn – những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân. Ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của tình trạng này? Nguyên nhân vì sao hàng giả, hàng nhái lại tràn lan đến vậy?

Ông Nguyễn Đăng Sinh: Thực tế cho thấy thời gian qua, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt trong đợt cao điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chiến dịch vừa qua đã tạo ra tác động tích cực, bước đầu làm trong sạch hơn môi trường kinh doanh, thiết lập lại sự công bằng cho doanh nghiệp (DN) chân chính. Bởi lẽ, hàng giả, hàng nhái có giá rất rẻ, khiến DN thật khó cạnh tranh, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đăng Sinh.

Ông Nguyễn Đăng Sinh.

Tuy nhiên, tôi cho rằng những kết quả hiện tại mới chỉ là xử lý phần ngọn. Cuộc chiến chống hàng giả muốn hiệu quả thì phải đi vào tận gốc – tức là truy tận nguồn sản xuất, đường dây tổ chức, thậm chí cả những lỗ hổng trong quản lý thị trường. Vì sao hàng giả vẫn bùng phát mạnh? Một phần lớn là do lợi nhuận quá cao. Điều này khiến các đối tượng bất chấp thủ đoạn, thậm chí làm giả cả về nhãn hiệu lẫn chất lượng.

Sau đợt cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6, các lực lượng chức năng đang tổng hợp kết quả để báo cáo tại cuộc họp do Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức vào ngày 7/7 tới đây tại Đà Nẵng, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp và hiệp hội.

Tôi cũng đồng tình với kiến nghị từ người phát ngôn Bộ Công an rằng, đợt cao điểm nên kéo dài 3 tháng thay vì 1 tháng, vì muốn xử lý tận gốc thì cần thời gian và chiến lược lâu dài. Quan trọng là sau chiến dịch, cần có tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục có chỉ đạo sát thực tế hơn để duy trì hiệu quả và ngăn chặn triệt để vấn nạn này.

PV: Ông đánh giá thế nào về tình trạng đổ trộm hàng tấn thực phẩm chức năng, thuốc, thực phẩm, bánh kẹo, son môi, thậm chí cả lens mắt ra đường thời gian qua? Ông có cho đây là hiện tượng bất thường không?

Ông Nguyễn Đăng Sinh: Tôi cho rằng đây không phải là hiện tượng bất thường. Khi các đối tượng thấy lực lượng chức năng bắt đầu mạnh tay vào cuộc, họ tất nhiên sẽ tìm cách tẩu tán, tiêu hủy các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng để tránh bị phát hiện và xử lý. Đây là phản ứng bình thường của những người vi phạm pháp luật vì họ sợ bị “sờ gáy”.

Tuy nhiên, theo tôi, các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng truy xuất nguồn gốc, xác định rõ cá nhân, tổ chức đứng sau việc đổ trộm hàng hóa để làm căn cứ xử lý nghiêm minh. Như trong đợt kiểm tra sữa hồi đầu tháng 4, lực lượng chức năng đã thu hồi toàn bộ sản phẩm nghi vấn trên thị trường và tiếp tục điều tra, xử lý.

Việc xử lý không thể diễn ra ngay lập tức mà cần tiến hành thu hồi, kiểm định mẫu sản phẩm để có kết luận chính xác. Chẳng hạn, trong số hơn 500 sản phẩm thu giữ, Bộ Công an đã xác định có 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột), có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả (giả về chất lượng) theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 72 sản phẩm còn lại.

Trên thực tế, việc xác định hàng giả là một quá trình phức tạp, cần đến sự tham gia của cơ quan kiểm định chính thức, có đầy đủ thẩm quyền và chức năng phân tích, kết luận. Chỉ khi có kết quả điều tra và kiểm định từ cơ quan có thẩm quyền, mới có thể đưa ra kết luận chính xác về việc đó có phải là hàng giả hay không.

PV: Trong đợt cao điểm vừa qua, lực lượng chức năng đã ghi nhận hơn 5.500 hộ kinh doanh đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng các hộ này lo ngại bị xử lý do kinh doanh hàng không có hóa đơn, hàng giả, hàng lậu... nên chủ động ngừng kinh doanh để tránh kiểm tra. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng quản lý thị trường qua hiện tượng này? Theo ông, còn những “góc khuất” nào trong thị trường chưa được xử lý triệt để?

Ông Nguyễn Đăng Sinh: Việc nhiều hộ kinh doanh đóng cửa hay tạm ngừng hoạt động xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố về thuế và tình hình thị trường chung. Qua trao đổi với một số hộ, họ phản ánh hàng hóa bán rất chậm, có khi cả ngày không có khách, trong khi vẫn phải chịu chi phí thuê mặt bằng và nghĩa vụ thuế. Nhiều lúc doanh thu không đủ trang trải các khoản chi phí này.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử, thay thế thuế khoán trước đây, cũng tạo ra không ít khó khăn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết theo chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng việc triển khai phải có lộ trình phù hợp và đảm bảo đầy đủ điều kiện kỹ thuật cho người dân. Tôi đã tiếp xúc với nhiều hộ kinh doanh phản ánh rằng, sau ngày 1/6, khi bắt buộc dùng hóa đơn điện tử, họ gặp nhiều trục trặc như không kết nối được hệ thống, không xuất hóa đơn được, lo ngại sẽ bị phạt.

Những khó khăn về mặt kỹ thuật và tâm lý này khiến nhiều hộ lựa chọn tạm ngừng kinh doanh để tránh rủi ro. Đồng thời, việc các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cũng làm nhiều người phải “nghỉ ngơi” để đánh giá lại tình hình, xây dựng phương án kinh doanh mới.

Cơ quan chức năng cần có hướng dẫn, định hướng rõ ràng hộ kinh doanh nhỏ lẻ đúng quy định pháp luật mà vẫn đảm bảo lợi nhuận và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

PV: Thực tế cho thấy, hàng giả đã len lỏi khắp mọi ngõ ngách – từ chợ truyền thống, trung tâm thương mại đến sàn thương mại điện tử và mạng xã hội với mức giá rẻ đến khó tin. Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn này? Hiệp hội có những kiến nghị gì?

Ông Nguyễn Đăng Sinh: Những sản phẩm như quần áo, giày dép "nhái" thương hiệu lớn như Adidas, Nike… thường được bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng, thậm chí 20.000–30.000 đồng/chiếc, trong khi hàng thật có thể lên đến vài triệu đồng.

Có cầu thì sẽ có cung – đó là thực tế. Vì vậy, hàng giả vẫn tồn tại và phát triển mạnh. Bên cạnh đó, công tác quản lý thời gian qua còn buông lỏng, dẫn đến việc các hộ kinh doanh đã quen với việc kinh doanh hàng vi phạm. Nếu giờ siết chặt đột ngột, chắc chắn sẽ gây ra phản ứng, cả từ phía người bán lẫn người tiêu dùng. Do đó, việc "nắn" lại thị trường cần có lộ trình, phương pháp phù hợp, vừa đảm bảo tính răn đe, vừa tạo điều kiện để người kinh doanh điều chỉnh hành vi theo đúng pháp luật. Nếu muốn bán hàng giá rẻ thì nên phát triển thương hiệu nội địa, không sử dụng nhãn mác giả của các thương hiệu nổi tiếng. Điều này vừa hợp pháp, vừa góp phần xây dựng thương hiệu Việt.

Bên cạnh đó, sắp tới ngành thuế sẽ áp dụng những quy định mới liên quan đến hóa đơn điện tử, kể cả trong giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Đây là bước tiến rất quan trọng. Khi mọi giao dịch phải xuất hóa đơn điện tử, lực lượng chức năng sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát, qua đó ngăn chặn hành vi trốn thuế và xử lý hàng hóa vi phạm.

Tôi tin rằng nếu làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, DN và người tiêu dùng, cùng với việc áp dụng công nghệ và các quy định mới, thì thị trường sẽ từng bước được lập lại trật tự, hướng đến một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và bền vững.

Lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.

Lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.

PV: Theo ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng?

Ông Nguyễn Đăng Sinh: Thực tế, một trong những thuận lợi lớn là lực lượng chức năng đã được đầu tư mạnh mẽ về công nghệ và chuyển đổi số. Ví dụ, Bộ Công Thương đang triển khai Đề án 319 – chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian thương mại điện tử, với giai đoạn thực hiện từ năm 2022 đến 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề án này đã xây dựng kế hoạch cụ thể và đầu tư trang thiết bị phục vụ kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử.

Tuy nhiên, cũng chính vì TMĐT phát triển nhanh chóng nên các đối tượng gian lận, làm hàng giả, trà trộn hàng kém chất lượng trên không gian mạng cũng gia tăng. Việc quản lý trên không gian số còn rất khó khăn, đặc biệt với các hoạt động bán hàng qua mạng xã hội, livestream… diễn ra nhỏ lẻ, phức tạp và khó kiểm soát.

May mắn là sắp tới, quy định về thuế, đặc biệt là việc áp dụng hóa đơn điện tử và quản lý thuế đối với TMĐT, sẽ là công cụ hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác quản lý và kiểm soát hoạt động này.

PV: Mặc dù lực lượng chức năng đã ra quân truy quét hàng giả, nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi và có tổ chức. Các cơ quan chức năng cần làm gì để dẹp bỏ nạn hàng giả, đồng thời thiết lập một thị trường minh bạch, công bằng?

Ông Nguyễn Đăng Sinh: Chúng ta phải làm tốt công tác quản lý địa bàn, bởi lực lượng chức năng ở địa phương là những người gần dân nhất, tiếp cận sát thực tế các hộ kinh doanh và nắm bắt nhanh tình hình.

Những đội quản lý thị trường tại địa phương có nhiệm vụ quản lý chặt chẽ khu vực của mình, xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra và tiếp nhận phản ánh từ người tiêu dùng, hộ kinh doanh để có biện pháp xử lý hợp lý, cân đối lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Gần đây, lực lượng chức năng đã rất quyết liệt trong kiểm tra, xử lý hàng giả, nhưng cần duy trì sự ổn định, không được làm kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Những kết quả tốt cần được phát huy, đồng thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện cách thức quản lý phù hợp với thực tế.

Xử lý nghiêm không đồng nghĩa với việc cứng nhắc, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn các hộ kinh doanh tuân thủ pháp luật, phát triển bền vững. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết có nêu cần thúc đẩy phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, để thực hiện được điều này thì phải làm trong sạch thị trường, chống hàng giả, bảo vệ doanh nghiệp chân chính. Khi đó doanh nghiệp mới an tâm đầu tư, sản xuất.

Về công tác quản lý Nhà nước, các bộ, ngành cần thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chính phủ phân công rõ theo từng lĩnh vực. Ví dụ, những lĩnh vực như ATTP, dược phẩm… thuộc Bộ Y tế, nhưng khâu sản xuất một số mặt hàng và khâu kiểm tra, kiểm soát trong lưu thông, kinh doanh, buôn bán hàng hóa thuộc Bộ Công Thương.

Hiện nay, vấn đề kiểm tra hậu kiểm rất quan trọng nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Có trường hợp doanh nghiệp mang mẫu sản phẩm đạt chuẩn để xin cấp phép, nhưng trong quá trình sản xuất lại không thực hiện đúng như đăng ký, dẫn đến gian lận, sai phạm. Vì vậy, cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác hậu kiểm.

Một điểm quan trọng khác là kiểm soát chặt khâu sản xuất bao bì, bởi đây chính là nơi tiếp tay cho việc làm hàng giả. Hiệp hội cũng đang áp dụng các giải pháp công nghệ số để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp, chống làm giả tem nhãn, bao bì. Các đơn vị quảng cáo cũng cần được kiểm soát để không quảng cáo sai sự thật gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Hiện nay, quy định xử phạt đã đủ sức răn đe, hàng giả còn bị xử lý hình sự, nên quan trọng là các lực lượng chức năng có quyết tâm làm hết trách nhiệm hay không, chứ không phải do thiếu quy định hay năng lực. Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều giải pháp mới được triển khai để xây dựng thị trường minh bạch, công bằng và bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/truy-quet-hang-gia-khong-the-danh-trong-bo-dui-i773871/