Truy quét sách giáo khoa giả

Các kho in ấn, sản xuất sách giáo khoa giả thường tập kết ở khu vực xa trung tâm, vắng dân cư, khó phát hiện

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện, thu giữ hàng trăm ngàn xuất bản phẩm giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa của Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam cùng một số NXB khác.

"Lộng hành" trên kênh bán hàng online

Trong đó phải kể đến vụ phát hiện gần 80.000 cuốn sách giáo khoa giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa của NXB Giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang; thu giữ 34.000 cuốn sách giáo khoa giả tại Đồng Nai; thu giữ 5.500 quyển sách giáo khoa vi phạm tại Tây Ninh.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT - Tổng cục QLTT, đánh giá số vụ vi phạm thời gian gần đây gia tăng, nhất là trên kênh bán hàng online, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát. "Khách hàng mua trên kênh online thường chỉ nhìn thấy hình ảnh bìa sách nên dễ mua phải hàng giả. Để lẩn trốn sự kiểm tra của cơ quan chức năng, các đối tượng đưa địa điểm sản xuất sách giả rời xa khu trung tâm, tập trung ở nơi hẻo lánh, ít dân cư. Đến khi bị phát hiện thì sách giáo khoa giả đã kịp được đưa ra tiêu thụ một thời gian" - ông Lê cho biết.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, sách giáo khoa giả thường sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức hoặc bị thiếu dữ liệu, sai lệch về nội dung - nhất là sai lệch về đường biên giới, biển đảo, gây ảnh hưởng đến kiến thức tiếp nhận của học sinh. Bên cạnh đó, các loại sách giả, sách in lậu thường có chất lượng giấy in thấp, chữ bị mờ, không bảo đảm quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, ảnh hưởng đến thị lực của học sinh.

Phát hiện gần 80.000 quyển sách giáo khoa giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang. Ảnh: CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG HẬU GIANG

Phát hiện gần 80.000 quyển sách giáo khoa giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang. Ảnh: CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG HẬU GIANG

Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho hay từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã bắt 14 vụ sách lậu và sách giả, của NXB này. Tình trạng này đã gây tổn hại tới thương hiệu, uy tín, quyền lợi chính đáng của NXB và học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, việc phát hiện sách giả, sách lậu trên nền tảng số còn hạn chế.

Theo phản ánh của nhiều khách hàng, các sàn thương mại điện tử đều có chức năng báo cáo, phản hồi về chất lượng sản phẩm nhưng "nay phản hồi cửa hàng này, mai lại phát sinh ra cửa hàng khác vi phạm". Trong khi đó, các cửa hàng online thường dùng chiêu thức đẩy giá lên rồi giảm giá sâu để đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng.

Triển khai nhiều giải pháp

NXB Giáo dục khuyến nghị giáo viên, học sinh, phụ huynh mua sách giáo khoa tại cửa hàng, các đơn vị thành viên, đối tác phát hành của NXB trên toàn quốc và hệ thống phân phối trên website. NXB cũng có đường dây nóng phục vụ khách hàng từ 8 - 22 giờ hằng ngày, kể cả cuối tuần, để ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng và kịp thời giải đáp.

Để ngăn chặn các hoạt động vi phạm bản quyền trên mạng xã hội, đại diện TikTok Việt Nam cho biết nền tảng này đã phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam để tiếp nhận thông tin phản ánh từ hội, xóa các cửa hàng bán sách giả, sách lậu trên nền tảng trong vòng 48 giờ. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các NXB, các công ty phát hành sách, doanh nghiệp sách về kỹ năng như bảo vệ bản quyền tác giả, cách xây dựng kênh bán hàng.

Trong khi đó, đại diện Tổng cục QLTT thông tin sẽ tập trung truy quét nơi sản xuất, tàng trữ sách giáo khoa giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, tăng cường giám sát cơ sở phân phối sách giáo khoa - nhất là trên kênh online. Lực lượng QLTT cũng bố trí cán bộ xuống từng thôn, xóm, xã phát tờ rơi, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết bán sách thật.

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho hay đầu năm 2024, bộ đã thành lập tổ công tác phối hợp giữa Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục An toàn thông tin; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong việc chống sách giả, trong đó triển khai sử dụng tem phân biệt sách thật - sách giả.

Giảm giá một số bộ sách giáo khoa

Theo cập nhật mới nhất của NXB Giáo dục Việt Nam, đến nay NXB đã hoàn thành in và nhập kho sách giáo khoa các lớp đạt 97,4% kế hoạch, tương ứng 169,2 triệu bản. NXB đang cung ứng sách giáo khoa tới các địa phương theo số lượng đặt hàng. Đến thời điểm này, đã phát hành 96,7% kế hoạch, tương ứng 169,55 triệu bản.

Liên quan giá sách giáo khoa, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam cho hay đã thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tiết giảm chi phí để giảm giá sách giáo khoa. Theo đó, giá bìa mới của một số cuốn sách giáo khoa áp dụng từ năm học 2024 - 2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Cụ thể, giá bìa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%; giá bìa bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.

PGS-TS Nguyễn Văn Tùng cho biết để tạo nguồn tài liệu học tập và giảng dạy cho học sinh và giáo viên sử dụng chung tại thư viện trường học, NXB đã trao tặng khoảng 1.000 tủ sách giáo khoa cho các trường/điểm trường cấp THCS vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

THÙY LINH - YẾN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/truy-quet-sach-giao-khoa-gia-196240821213754579.htm