Truy thu tài sản thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng

Thời gian gần đây, liên tục các luật sư lên tiếng về việc có các đối tượng giả danh các văn phòng luật sư nhận giúp người dân lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng xã hội. Các luật sư cho rằng, đây là một hành vi không thể chấp nhận được vì lợi dụng sự cùng cực, đau khổ của người dân để trục lợi.

Giả danh văn phòng luật sư để thu hồi tiền lừa đảo:

Bài quảng cáo thu hồi tiền bị lừa của một luật sư "dỏm". Ảnh: CA cung cấp

Bài quảng cáo thu hồi tiền bị lừa của một luật sư "dỏm". Ảnh: CA cung cấp

Tìm cách để… thu hồi tiền đã bị lừa đảo

Theo lời anh P.V.D (SN 1993, quê Thái Nguyên), hồi tháng 6/2023 do tin tưởng nên anh có bị một số đối tượng trên mạng xã hội lừa mất khoảng 50 triệu đồng. “Của đau con xót”, mấy ngày liền anh D không thiết tha làm ăn mà hàng ngày cứ lang thang, mò mẫm trên mạng xã hội để mong tìm được tài khoản đã lừa đảo mình. Tình cờ anh D đọc được bài đăng từ một tài khoản tự xưng là luật sư, có thể hỗ trợ thu hồi tiền cho người bị lừa đảo.

Nghe lời khẳng định chắc như đinh đóng cột, cộng với thấy có “danh” luật sư, anh D đã nhắn tin cho tài khoản trên. Sau quá trình nhắn tin, người này nói đã kết nối với bên an ninh mạng và thông báo với anh D số tiền bị lừa đã được kẻ gian chuyển qua hình thức cá cược đặt lệnh trực tuyến với mục đích rửa tiền. Để thu hồi số tiền đã mất, "luật sư" trên mạng xã hội đã yêu cầu anh D đóng tiền để tham gia trò cá cược đặt lệnh.

Đối tượng khẳng định với anh D, trong quá trình tham gia, sẽ có đội điều tra công nghệ cao hỗ trợ thay đổi tỉ lệ lệnh để thắng cá cược và thu hồi được tiền bị lừa. Ban đầu, anh D do dự và nghi ngờ nhưng sau khi vào trang Facebook của người này thì thấy đầy đủ các thông tin văn phòng luật sư, hình ảnh thu hồi vốn nên anh thử liều thêm một lần, chấp nhận tham gia cá cược để mong thu hồi được tài sản. Khi nhận được sự đồng ý của anh D các đối tượng đã nhanh chóng gửi một đường link để anh D đăng ký tài khoản, tham gia cá cược đặt lệnh.

Tạo tài khoản xong, anh D nạp thử 500.000 đồng, sau một số lần tham gia đặt lệnh, số tiền thắng và gốc đã lên 2 triệu đồng. Để chắc chắn không bị lừa đảo, anh D yêu cầu rút số tiền này về tài khoản ngân hàng nhưng hệ thống báo lỗi. Khi hỏi "luật sư", thì người này báo hệ thống chỉ cho rút số tiền tối thiểu 5 triệu đồng và yêu cầu anh D tiếp tục nạp tiền vào để tham gia cá cược đến khi đủ 5 triệu đồng thì rút về. Đến lúc này, anh D thấy các lời nói khá giống với chiêu trò của kẻ xấu lúc trước lừa mình nên đã từ chối, chấp nhận mất 500.000 đồng đã nạp.

Lợi dụng sự đau khổ của nạn nhân để lừa đảo

Bức xúc về sự lừa đảo, mạo danh luật sư như kể trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cũng cho biết, ông đã từng nhận được rất nhiều câu hỏi của nhiều người về việc bị lừa đảo tiền khi tham gia vào sàn Forex trên mạng như chứng khoán, tỷ giá... sau đó không rút được tiền. Số tiền bị chiếm đoạt từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

“Có bạn gửi thông tin cho tôi nói rằng, họ đã bị lừa hơn 500 triệu khi tham gia sàn chứng khoán mà các đối tượng giới thiệu trên mạng. Khi đó, có được một “luật sư” tư vấn lấy lại được số tiền bị lừa. Nhưng để lấy được số tiền này, trước tiên người đó phải nộp 300 nghìn đồng tiền làm hồ sơ, sau đó nếu lấy được số tiền đã mất thì nạn nhân phải trả cho “luật sư” số tiền tương đương với 10%” – luật sư Thơm kể.

Tuy nhiên theo luật sư Thơm, việc điều tra, xử lý các đối tượng lừa đảo qua hình thức lập web sàn chứng khoán để dụ người chơi là rất khó điều tra xử lý vì đa phần các đối tượng sẽ lợi dụng các công ty công nghệ lớn trên thế giới để thực hiện việc ẩn danh, che giấu các thông tin cá nhân. Các tài khoản bị hại chuyển thường là do các đối tượng mua chứng minh thư Nhân dân của người khác để mở tài khoản, hoặc thu mua tài khoản thẻ để khi chuyển tiền sẽ dễ dàng rút…

Vì vậy cách duy nhất là tư vấn cho bị hại đến cơ quan CA trình báo, tố giác tội phạm – theo luật sư Thơm. Truy thu tài sản thuộc chức năng, thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng. Không một cá nhân, tổ chức nào khác có quyền truy thu tài sản của người khác – ông khẳng định thêm.

Còn theo luật sư Lê Hồng Hiển – Hãng Luật Lê Hồng Hiển, gần đây, anh nhận được rất nhiều tin nhắn từ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng về việc họ bị nhiều… văn phòng luật sư lừa. Thậm chí, có người còn túng quẫn đến mức muốn… tự tử. Theo đó, nhiều đối tượng đã táo tợn giả danh các văn phòng luật sư, lập landing page, chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, yêu cầu các nạn nhân chuyển tiền để tư vấn rồi… biến mất.

“Ngoài ra, đau lòng là có cả trường hợp các văn phòng luật sư “thật”, lợi dụng sự túng quẫn và tuyệt vọng của nạn nhân để lừa tiền họ. Ở cả 2 trường hợp này, đều có chung một “văn mẫu” là cam kết lấy 100% lại tiền cho người bị hại. Không bàn về đạo đức của đối tượng thứ nhất vì chúng là đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, nhưng ở nhóm thứ 2, tôi cho đó là sự không thể chấp nhận được nhân danh luật sư. Lợi dụng sự cùng cực, đau khổ của người dân để trục lợi là điều bất nhân” – luật sư Hiển nói.

Bởi theo ông, đã là luật sư đều hiểu quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đó là không bao giờ được hứa hẹn, cam kết đảm bảo kết quả với khách hàng, kể cả trường hợp khả năng chắc thắng. Thứ 2, việc đòi lại tiền trong các trường hợp lừa đảo qua mạng là rất khó, vì tính ẩn danh rất cao, luật sư cần nghiên cứu thật kỹ để có phương án tốt nhất cho thân chủ.

Vậy trong trường hợp bị lừa đảo qua mạng, theo anh hãy bình tĩnh trình báo với cơ quan CA gần nhất. Không thực hiện bất cứ hành động chuyển tiền nào cho bất kỳ ai. Đừng tin tưởng bất kỳ ai tự nhận mình là một luật sư và chủ động liên hệ qua cuộc gọi, Facebook hoặc email mà chưa kiểm tra kỹ. Bởi lẽ, chúng có thể là kẻ lừa đảo đang cố gắng lợi dụng tình thế của người dân. Hoặc nếu muốn ủy quyền cho luật sư, thì khi tìm luật sư, cần tìm hiểu kỹ thông tin như địa chỉ đặt văn phòng, Facebook cá nhân, website, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh/TP nào? Đặc biệt, nếu xác định sử dụng dịch vụ luật sư thì tốt nhất là đến trực tiếp trụ sở nơi làm việc của luật sư đó.

“Cơ quan CA có thẩm quyền, có đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn rất khó khăn để điều tra khám phá, thu hồi tài sản thì làm sao Luật sư có nghiệp vụ điều tra truy xét tội phạm để thu giữ tài sản trả cho nạn nhân được. Ngay việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng, phong tỏa tài khoản mà còn không thể trả cho các bị hại vì còn phải qua trình tự, thủ tục xét xử và thi hành án” – luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/truy-thu-tai-san-thuoc-tham-quyen-cua-cac-co-quan-tien-hanh-to-tung-358486.html