Truy tố bà Phương Hằng cùng 4 đồng phạm: Điều 331 quy định thế nào?

Bà Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm vừa bị truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Phương Hằng cùng 4 đồng phạm bị truy tố

Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM vừa ban hành cáo trạng vụ án Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Các bị can gồm: bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, ông Đặng Anh Quân, tiến sĩ luật, giảng viên đại học, ông Huỳnh Công Tân, trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam, bà Nguyễn Thị Mai Nhi, trợ lý của bà Phương Hằng, bà Lê Thị Thu Hà, nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam.

Bà Nguyễn Phương Hằng.

Bà Nguyễn Phương Hằng.

Theo cáo trạng, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 cá nhân, gồm: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sỹ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sỹ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (khi đang là nhà báo-luật sư), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sỹ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sỹ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu và bà Trương Việt Hà.

Các bị can Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân dù không có mâu thuẫn với những cá nhân trên nhưng do là nhân viên và hưởng lương của Nguyễn Phương Hằng nên liên tục thực hiện hành vi giúp sức tích cực cho bị can Hằng tổ chức liên tục nhiều buổi livestream và đăng tải bài viết trên trang fanpage "Hoàng Nhi" và "Ha Lee" để xúc phạm các cá nhân Lê Thị Giàu và Trương Việt Hà.

Ngoài ra, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân khai nhận sử dụng các điện thoại di động của cá nhân để soạn thảo, đăng tải bài viết, chia sẻ các buổi livestream có nội dung xúc phạm cá nhân cho bà Phương Hằng, chuẩn bị sân khấu để bà Hằng livestream, đăng tải nội dung bà Hằng trực tiếp livestream phát ngôn xúc phạm cá nhân…

Bên cạnh đó, để tăng độ tin cậy cho những phát ngôn của mình, Nguyễn Phương Hằng mời Đặng Anh Quân, Tiến sỹ luật, giảng viên Đại học tham gia vào buổi phát trực tiếp của mình.

Khi bà Hằng phát ngôn xúc phạm người khác thì Đặng Anh Quân tương tác, phát ngôn về nội dung liên quan. Bị can Đặng Anh Quân đã góp phần cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng thừa nhận đã phát ngôn xúc phạm các cá nhân trên.

Viện Kiểm sát có cùng quan điểm với Cơ quan điều tra về hành vi của ông Huỳnh Uy Dũng, chồng của bị can Nguyễn Phương Hằng là chưa đủ cấu thành tội phạm.

Hành vi thế nào thì phạm điều 331?

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, theo Điều 331 về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bà Hằng có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể tới 7 năm tù.

Cụ thể, điều 331 quy định: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên quyền tự do đó cũng trong khuôn khổ pháp luật. Nếu đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận sẽ xâm phạm đến các quyền hợp pháp khác của công dân.

Nếu người nào lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận để xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thể hiện rất đa dạng như: chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác; thu thập, sử dụng trái phép thông tin của người khác., Bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác; đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác...

Hành vi sẽ bị xử lý hình sự nếu như hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

Luật sư Cường cho rằng, hành vi này thực hiện trên mạng xã hội và gây bức xúc trong dư luận trong suốt thời gian qua bởi vậy Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định đây là hành vi ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội nên nữ doanh nhân cùng đồng phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt nghiêm khắc.

Mời độc giả xem video Đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/truy-to-ba-phuong-hang-cung-4-dong-pham-dieu-331-quy-dinh-the-nao-1890494.html