Truy vết 'bóng ma' đưa pháo lậu về Việt Nam tiêu thụ

Do việc buôn bán pháo kiếm lợi nhuận cao nên các đối tượng hoạt động rất tinh vi. Khi về nội địa, các đối tượng trà trộn vào các xe gia cố chở hàng của mình để thực hiện buôn bán vào cuối tuần, ban đêm hoặc sáng sớm…

Nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo, sau khi được ban hành đã thu hút sự quan tâm của dư luận và người dân, đặc biệt khi Tết Nguyên đán sắp đến.

Trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ tháng 12, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, trước đây Nghị định 36 chỉ nói chung là pháo hoa nhưng nay quy định thể thể như thế nào là pháo hoa, thế nào là pháo hoa nổ. Đối với pháo hoa nổ thì cấm còn pháo hoa thì người dân vẫn sử dụng bình thường.

Theo Nghị định, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Công an TP. Thanh Hóa vừa bắt giữ đối tượng đang vận chuyển buôn bán số lượng lớn pháo nổ mua qua kênh mạng xã hội để tiêu thụ dịp Tết. Ảnh: Thu Huyền

Công an TP. Thanh Hóa vừa bắt giữ đối tượng đang vận chuyển buôn bán số lượng lớn pháo nổ mua qua kênh mạng xã hội để tiêu thụ dịp Tết. Ảnh: Thu Huyền

Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

Do đó, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên với tâm lý thích sử dụng pháo hoa nổ dịp Tết và lợi nhuận cao, nhiều đối tượng vẫn bất chấp vi phạm pháp luật để mua pháo lậu từ nước ngoài "tuồn" Việt Nam tiêu thụ.

Lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về pháo nổ trong dịp Tết. Ảnh: Minh Huyền

Lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về pháo nổ trong dịp Tết. Ảnh: Minh Huyền

Theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, tính từ ngày 15/12/2019 đến 15/12/2020, Công an các địa phương đã vận động nhân dân giao nộp 1,4 tấn pháo các loại; phát hiện, bắt giữ trên 3.400 vụ, gần 4 nghìn đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo; thu trên 35 tấn pháo các loại, trên 16 nghìn quả pháo, 276 hộp pháo.

Đáng chú ý, đã khởi tố, truy tố 393 vụ, 493 đối tượng; xử lý hành chính trên 1.300 vụ, phạt tiền 3.481,8 triệu đồng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm về pháo vẫn diễn biến phức tạp, nhất là từ cuối tháng 8 đến nay, tình trạng mua bán, vận chuyển pháo trái phép có chiều hướng gia tăng, với số lượng lớn, chủ yếu qua các tuyến biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên giáp Lào đưa vào nội địa để tiêu thụ.

Điển hình, ngày 1/8, Đồn Biên phòng Cốc Bàng, tỉnh Cao Bằng bắt giữ Nguyễn Văn Dương vận chuyển pháo trái phép, thu 359kg pháo. Ngày 12/8, Công an tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ đội Biên phòng bắt giữ Nguyễn Thị Bình mua bán, tàng trữ pháo trái phép thu 1.345kg pháo.

Tang vật hơn 50kg pháo lậu do Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Bình Phước) phối hợp cùng lực lượng biên phòng, công an bắt giữ tối ngày 8/12. Ảnh: Thu Hà

Tang vật hơn 50kg pháo lậu do Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Bình Phước) phối hợp cùng lực lượng biên phòng, công an bắt giữ tối ngày 8/12. Ảnh: Thu Hà

Ngày 9/11, Công an tỉnh Bắc Giang bắt 5 đối tượng vận chuyển trái phép 3.400kg pháo. Riêng từ ngày 4/12 đến nay, công an các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An, Gia Lai, Quảng Trị đã phối hợp với bộ đội biên phòng, hải quan phát hiện bắt giữ 5 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép với số lượng lớn, thu gần 2 tấn pháo.

Gần đây nhất, đêm 17/12, trinh sát Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) nhận được tin báo 2 đối tượng có nghi vấn vận chuyện pháo lậu về địa bàn nên tổ chức theo dõi. Suốt 1 đêm trắng, lực lượng chức năng theo dấu 2 "bóng ma" khắp đường ngang, ngõ dọc.

Đến rạng sáng 18/12, cảnh sát đã khống chế được 2 đối tượng cùng tang vật là 20 hộp pháo nặng 35kg. Danh tính 2 "bóng ma" cũng được làm rõ là Nguyễn Lương Công và Thân Vĩnh Điệp (cùng SN 2002) cùng trú xã Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Cảnh sát xuyên đêm theo dõi, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển pháo lậu. Ảnh: Nhâm Thân

Cảnh sát xuyên đêm theo dõi, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển pháo lậu. Ảnh: Nhâm Thân

Tại trụ sở công an, chúng khai nhận do tết Dương lịch cũng như tết Nguyên đán 2021 đang cận kề nên nảy sinh ý định mua bán pháo lậu kiếm lời. Lợi dụng đêm tối, chúng hành sự và cũng không ngờ rằng bị bắt giữ ngay phi vụ đầu tiên.

Theo các trinh sát, do việc buôn bán pháo kiếm lợi nhuận cao, nên các đối tượng hoạt động rất tinh vi. Khi về nội địa các đối tượng trà trộn vào các xe gia cố chở hàng của mình để thực hiện buôn bán vào cuối tuần, ban đêm hoặc sáng sớm.

Trong kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo, đối với các ngày 29, 30 và mồng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đặc biệt là đêm Giao thừa, công an các địa phương sẽ chỉ đạo, huy động tối đa các lực lượng xuống địa bàn cơ sở, tổ chức tuần tra, kiểm soát. Lực lượng chức năng sẽ bắt giữ, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về pháo, gây mất an ninh trật tự.

Nhóm PV

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/truy-vet-bong-ma-dua-phao-lau-ve-viet-nam-tieu-thu-20201222093828818.htm