Truy vết thuốc giả đến cùng

Ngoài nỗ lực của ngành chức năng, người dân cần lưu ý không mua thuốc từ các nguồn trôi nổi, xách tay, không rõ nguồn gốc

Tại TP HCM, mới đây, Sở Y tế kiểm tra đột xuất và phát hiện 8 cơ sở kinh doanh thuốc giả với các sản phẩm như Cefuroxim 500 mg, Cefixim 200 mg và Neo-Codion. Vụ việc được chuyển cơ quan công an để điều tra, xử lý.

Nhận diện lỗ hổng

Chỉ riêng trong ngày 19-5, Sở Y tế TP HCM tiếp tục ban hành quyết định thu hồi 70 số công bố tiêu chuẩn áp dụng thiết bị y tế loại A, B sau khi phát hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình tự công bố.

Các sản phẩm bị thu hồi chủ yếu vi phạm quy định về định nghĩa, mục đích sử dụng và phân loại thiết bị y tế. Nhiều trường hợp cố tình công bố mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền... là thiết bị y tế để lách quy định, chọn nhóm rủi ro thấp nhằm giảm thời gian và chi phí thủ tục. Hồ sơ thông tin không chính xác như sử dụng văn bằng không hợp lệ, tài liệu kỹ thuật sai mẫu, hồ sơ mua bán không rõ ràng. Sở Y tế cảnh báo hành vi công bố sai bản chất sản phẩm là nguy cơ lớn đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Nhấn mạnh về những loại thuốc giả mới bị phanh phui tại TP HCM, PGS-TS-Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng các loại thuốc bị làm giả đều là kháng sinh phổ biến trong điều trị viêm nhiễm. Nếu người bệnh sử dụng nhầm thuốc giả, không chỉ điều trị không hiệu quả mà còn có thể bị sốc phản vệ, dị ứng, tổn thương gan - thận, thậm chí tử vong. "Thuốc giả thường không chứa hoạt chất hoặc chứa tạp chất độc hại. Việc dùng lâu dài sẽ gây đề kháng kháng sinh, mối đe dọa y tế toàn cầu. Không nên mua thuốc từ các nguồn trôi nổi, xách tay, không rõ nguồn gốc"-PGS Đức cảnh báo.

Theo Sở Y tế TP HCM, trong năm 2024, qua kiểm tra 174 cơ sở bán buôn thuốc, 344 cơ sở bán lẻ thuốc và 40 cơ sở kinh doanh dược liệu, sở đã phát hiện hàng loạt sai phạm, xử phạt 147 cơ sở với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng, ban hành 151 quyết định xử phạt vi phạm. Dù nỗ lực kiểm tra thị trường truyền thống nhưng việc kinh doanh sản phẩm giả trên mạng vẫn còn nhiều thách thức.

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết năm 2024 đã thành lập gần 90 đoàn kiểm tra, phối hợp Bộ Công an xử lý nhiều vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 2,5 tỉ đồng. Ông Hùng thừa nhận vẫn còn nhiều sơ hở trong khâu hậu kiểm, đặc biệt tại các kênh phân phối nhỏ lẻ và bán hàng trực tuyến. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc sản xuất bất hợp pháp vẫn lưu hành trên thị trường là do chế tài xử lý vi phạm chưa đủ răn đe. Đơn cử, giá trị của một hộp thuốc giả bị phát hiện có thể chỉ ở mức vài trăm ngàn đồng, do đó, mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 117 chỉ từ một đến vài triệu đồng.

Thuốc giả “chui” vào nhà thuốc, bệnh viện. Ảnh: HẢI YẾN

Thuốc giả “chui” vào nhà thuốc, bệnh viện. Ảnh: HẢI YẾN

Tổng rà soát, nâng chế tài

Theo Cục An toàn thực phẩm, các sản phẩm giả hiện nay được sản xuất rất tinh vi, khó phân biệt với hàng thật, thường tiêu thụ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Những tháng đầu năm 2025 đã phát hiện nhiều vụ việc rúng động liên quan đến sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả…

Trước thực trạng này, Sở Y tế TP HCM yêu cầu tất cả cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn khẩn trương rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế đang sử dụng hoặc kinh doanh. Đặc biệt lưu ý đến xuất xứ, chất lượng và hóa đơn chứng từ của sản phẩm. Trường hợp phát hiện sản phẩm nghi vấn, cơ sở phải lập tức niêm phong, không tiếp tục sử dụng và báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để điều tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh dược phải bảo đảm kinh doanh đúng phạm vi được cấp phép, chỉ bán các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được lưu hành hợp pháp. Đặc biệt, phải liên thông đầy đủ dữ liệu mua bán thuốc lên hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia để phục vụ truy xuất khi cần thiết.

Chỉ thị mới nhất vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc; thời gian từ ngày 15-5 đến 15-6. Yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, không giới thiệu các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở về tính năng, công dụng của sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.

Bộ Y tế đang phối hợp các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP nhằm nâng cao hiệu lực quản lý và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh nâng mức chế tài xử phạt vi phạm, cần có sự quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để truy tìm, truy vết và triệt phá các địa điểm làm ăn mờ ám.

Có thể bị tử hình

Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất lên đến tử hình. Các đối tượng trong đường dây thuốc giả có thể bị xử lý theo điều 194 Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 2 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, tùy hành vi cụ thể, có thể bị truy tố thêm các tội danh như làm giả con dấu, trốn thuế, vi phạm quy định kinh doanh thuốc...

Không chỉ người sản xuất, ngay cả các sàn thương mại điện tử hoặc nhà thuốc nếu để thuốc giả lưu hành qua nền tảng hoặc cửa hàng của mình mà không kiểm soát cũng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, thậm chí bị tước giấy phép kinh doanh. Trường hợp mua phải thuốc giả, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện để đòi bồi thường về sức khỏe, tài sản và tinh thần. "Cuộc chiến chống thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. Bảo vệ thị trường dược phẩm chính là bảo vệ sức khỏe của toàn xã hội" - luật sư Hùng nhấn mạnh.

HẢI YẾN - NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/truy-vet-thuoc-gia-den-cung-196250519212646074.htm