Truy vết và điều trị - hai mũi giáp công

Bộ Y tế xác định tập trung nguồn lực truy vết để phát hiện sớm người bệnh, hạn chế sự lây lan của vi-rút SARS-CoV-2, đồng thời điều trị sớm, hạn chế những biến chứng do các bệnh lý nền hoặc do Covid-19, là hai mũi giáp công cần được thực hiện để hạn chế thấp nhất những tác động mà dịch gây ra.

Bộ Y tế xác định tập trung nguồn lực truy vết để phát hiện sớm người bệnh, hạn chế sự lây lan của vi-rút SARS-CoV-2, đồng thời điều trị sớm, hạn chế những biến chứng do các bệnh lý nền hoặc do Covid-19, là hai mũi giáp công cần được thực hiện để hạn chế thấp nhất những tác động mà dịch gây ra.

Khi F0 chưa được tìm ra, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 hay nghi ngờ mắc Covid-19 là yếu tố then chốt, quyết định trong việc chống dịch. Theo PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Phó trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội điều tra, giám sát dịch, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch Covid-19 là cắt đứt đường lây truyền. Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan ca Covid-19 và liên quan ca nghi ngờ mắc Covid-19. Riêng với trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng một với người bệnh Covid-19 hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 cần có sự chú ý đặc biệt hơn. F1 chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2 m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh. Có thể coi F1 chính là những người bệnh.

Chiến lược hiện nay của chúng ta trong chống dịch tại cộng đồng, đó là “phát hiện, phát hiện và phát hiện; cách ly, cách ly và cách ly”. Muốn phát hiện sớm, không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm. Một cách quan trọng để phát hiện được F1 chính là truy vết. Chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: “Truy vết F1 một cách thần tốc”. Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1. Như đã phân tích, F1 tiếp xúc với nguồn lây nên khả năng F1 mắc bệnh là rất lớn. Nếu người này không được phát hiện ra và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay, nếu không may để lọt F1 trong cộng đồng thì F1 nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán vi-rút. Khi đó, dịch sẽ rất khó ngăn chặn.

Do là người bệnh tiềm tàng nên Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Bởi việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra), nguy cơ phát tán vi-rút sẽ rất lớn, tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch. Vì vậy trong giai đoạn hiện nay, đối với người F1 phải cách ly bắt buộc tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung. Việc tổ chức cách ly phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung. Đối tượng F1 cần tuân thủ nghiêm ngặt cách ly tập trung. Đây vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ công dân.

So với đợt dịch Covid-19 đầu năm, đợt dịch này có nhiều khác biệt. Dịch “tiến công” vào bệnh viện mà trực tiếp là các khoa có nhiều người mắc bệnh nền (thận nhân tạo, tim mạch, hồi sức tích cực)… Những người mắc các bệnh nền đã bị giảm miễn dịch và với việc vi-rút SARS-CoV-2 xâm nhập thì đây là một cơ hội làm tình trạng bệnh trở nặng rất nhanh. Mặc dù các bác sĩ, kể cả có sự hỗ trợ của những chuyên gia hàng đầu cả nước nhưng đến nay đã có tới 25 người chết.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cho biết: Những người bệnh được chúng tôi đánh giá nguy hiểm nhất là các trường hợp có bệnh lý nền nặng, đặc biệt là các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch ở cơ thể. Bên cạnh đó, những biến chứng như suy tim, suy đa tạng, ảnh hưởng đến chức năng gan, chức năng hô hấp tạo cơ hội cho vi-rút xâm nhập. Trước những thay đổi đó, phác đồ điều trị Covid-19 từ giai đoạn một đến nay đã được các chuyên gia, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉnh sửa sáu lần.

Quá trình điều trị thực tế cho những người bệnh tại các bệnh viện: Phổi Đà Nẵng, Đa khoa T.Ư Huế, T.Ư Quảng Nam… các bác sĩ cho rằng không để tình trạng Covid-19 diễn ra trong những cộng đồng yếu thế như các bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các bệnh viện, những người cao tuổi, các bệnh nhân bị những bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, suy thận.

Văn Dũng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/truy-vet-va-dieu-tri-hai-mui-giap-cong-613551/