Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm
Thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố phía Nam đã và đang quyết liệt triển khai hoạt động quản lý, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Điển hình TP. Hồ Chí Minh đã ban hành và thực hiện Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm trên địa bàn thành phố. Đề án được vận hành với sự tham gia của các trang trại chăn nuôi lớn như Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, CJ Vina Agri...; các nhà máy giết mổ lớn như Vissan, An Hạ... 2 chợ đầu mối lớn thịt heo là chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn; các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, hệ thống Satra...
Với tỉnh An Giang, theo Sở Công Thương địa phương, thời gian qua, Sở đã thực hiện Dự án truy xuất nguồn gốc heo và Dự án truy xuất nguồn gốc rau, củ cho các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh. Tính đến nay, đề án đã cấp 612 tem truy xuất cho hộ kinh doanh Bưởi da xanh Hùng Hạnh (Thoại Sơn), cấp 2.000 tem cho Tổ hợp tác Nhãn xuồng Khánh Hòa (Châu Phú).
Còn tại Sóc Trăng, tỉnh đã thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm như gạo, mắm cá rô, trà mãng cầu, bánh pía, khô trâu… Nhờ được dán tem truy xuất, nhiều HTX đã có đầu ra ổn định, tạo được sự tin tưởng từ khách hàng.
Tại Hậu Giang, từ năm 2019, UBND tỉnh này đã phê duyệt Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn và giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Thậm - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang - cho biết: Thực hiện đề án, đến nay đã có 11 sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh được dán tem truy xuất nguồn gốc. Đó là các sản phẩm: Khóm Cầu Đúc, xoài cát Bảy Ngàn, trà mãng cầu, cá thát lát, kẹo đậu phộng, sữa dê, chanh không hạt, bưởi da xanh, rượu cam sành, quýt đường. Đề án đã cấp được 24.000 tem trong tổng số 3 triệu tem (trong đó gồm 2 triệu tem dán và 1 triệu tem treo).
Cùng với các địa phương, nhiều doanh nghiệp đã chủ động áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Điển hình là nhà bán lẻ Saigon Co.op. Theo đó, cuối năm 2019, Saigon Co.op đưa vào áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới dành riêng cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống kinh doanh tại các siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng.
Theo đại diện Saigon Co.op, bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dành cho thực phẩm tươi sống có tính kế thừa và tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nước; đồng thời, bổ sung các tiêu chí mới gắn với chuyển biến thực tế của xu hướng tiêu dùng hiện đại. Trong đó, đặc biệt nhất là tiêu chí kiểm tra độ trưởng thành của sản phẩm. Không chỉ nhóm hàng thực phẩm tươi sống trong nước (thủy - hải sản, rau ăn lá, củ quả, trái cây…) mà cả thịt, cá, trái cây nhập khẩu cũng đều được kiểm soát bằng những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện canh tác, vận chuyển, bảo quản.
Theo đánh giá của các địa phương, doanh nghiệp, việc triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.