Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu là xu hướng bắt buộc của thị trường Hoa Kỳ

Chiều 31-7, tại thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Phát triển hệ thống các nhà cung ứng tham gia sâu vào chuỗi giá trị của Hoa Kỳ'.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: M.Tuấn

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: M.Tuấn

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Nguyễn Hồng Dương nhấn mạnh, từ nhiều năm qua Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng số 1 của Việt Nam, nhưng cũng là thị trường có tiêu chuẩn cao và áp dụng ngày càng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Dẫn số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USITC), ông Nguyễn Hồng Dương cho biết, tính đến hết tháng 5-2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt khoảng 62,2 tỷ USD (tăng 21,4% so với cùng kỳ 2023).

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 55,1 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 28,9% tổng xuất khẩu. Còn nhập khẩu từ Hoa Kỳ 7,1 tỷ USD, tăng 3,4 % so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 3,97% tổng nhập khẩu.

Để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị của Hoa Kỳ, tiến sĩ Lê Cao Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần tập trung xây dựng một số chuỗi giá trị mang lại cho thị trường Mỹ những sản phẩm chất lượng chuẩn; tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm Việt Nam cho một số sản phẩm tiêu biểu, đã thâm nhập được vào thị trường Hoa Kỳ. Song song đó, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghệ; hoàn thiện chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Mai (VITAS) chia sẻ, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng bắt buộc của các thị trường nhập khẩu. Đơn cử, Hoa Kỳ yêu cầu tuân thủ đạo luật chống lao động cưỡng bức hay các nước châu Âu cũng đã thực hiện các quy định truy xuất nguồn gốc với chuỗi cung ứng dệt may.

Do đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai kiến nghị cần có những cảnh báo sớm về những đơn hàng bị giữ lại ở hải quan Hoa Kỳ vì vi phạm đạo luật chống lao động cưỡng bức, để hiệp hội nhắc nhở doanh nghiệp; cảnh báo về các biện pháp phòng vệ thương mại nếu có của Hoa Kỳ trong tương lai.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cũng như tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị của Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần tiếp tục phát triển sản phẩm xuất khẩu theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa.

Cùng với đó, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành. Mặt khác, thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh quá trình nội địa hóa để gia tăng hàm lượng giá trị của Việt Nam.

Minh Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/truy-xuat-nguon-goc-san-pham-nhap-khau-la-xu-huong-bat-buoc-cua-thi-truong-hoa-ky-673543.html