Phát triển du lịch bền vững thông qua ESG

Với tốc độ phát triển nhanh chóng, ngành Du lịch cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và xã hội. Việc áp dụng các yếu tố ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội, Governance - Quản trị) vào chiến lược phát triển du lịch sẽ giúp Việt Nam khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của mình; đồng thời bảo vệ và phát triển bền vững các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa và bảo vệ động vật hoang dã.

Hướng đến phát triển bền vững trong du lịch

ESG là bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. ESG đánh giá các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị của một tổ chức, đo lường khả năng của nó trong việc đáp ứng các yêu cầu bền vững và xã hội. Các công ty tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị đồng ý hành xử có đạo đức trong ba lĩnh vực đó.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định phát triển du lịch với định hướng bền vững, bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững. Các nguyên tắc, khung quản trị rủi ro như ESG vào chiến lược cũng như mục tiêu được xem là “cánh cửa” cho sự phát triển của ngành Du lịch trong tương lai.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng, với xu hướng du lịch quốc tế ngày càng chú trọng đến các tiêu chí về môi trường và xã hội trong việc lựa chọn điểm đến, việc các tổ chức, doanh nghiệp du lịch Việt Nam thực hiện các cam kết về ESG sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút du khách và góp phần phát triển du lịch tại điểm đến một cách bền vững.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc - Lãnh đạo ESG PWC Việt Nam cho biết, thông qua việc áp dụng các nguyên tắc ESG trong du lịch, các doanh nghiệp có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng. Đồng thời, tạo ra các giá trị xã hội tích cực như tăng cường cuộc sống cộng đồng địa phương, bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

Về ứng dụng tiêu chí môi trường Môi trường (Environmental) của ESG, bà Nguyễn Hà Dung, Phó Tổng Giám đốc Oxalis cho rằng điều này sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc giảm lượng khí thải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong khi đó ở trụ cột Xã hội (Social), ông Inthy Deuansavanh - Founder & CEO Inthira Group - Laos cho rằng, ứng dụng tiêu chí ESG sẽ giúp đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng địa phương thông qua việc tạo công ăn việc làm, bảo tồn các giá trị văn hóa và truyền thống, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách.

Về yếu tố Quản trị (Governance) giúp tăng cường tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, đảm bảo các quyết định kinh doanh không chỉ dựa trên lợi ích ngắn hạn mà còn hướng đến sự bền vững lâu dài.

Du lịch bền vững là bảo vệ môi trường.

Du lịch bền vững là bảo vệ môi trường.

Tăng tốc phát triển du lịch bền vững thông qua ESG

Hiện nay, hầu hết các hãng du lịch lớn của thế giới đều yêu cầu thực hành ESG tại các nhà cung ứng/tour operator của họ ở nước ngoài nhằm duy trì và phát triển quan hệ đối tác. Việc thực hành ESG tốt sẽ là hành trang vững chắc, công cụ marketing tốt cho doanh nghiệp trong tiếp cận khách du lịch riêng lẻ và khách đoàn hay khách doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có thể bắt đầu thực hành ESG bằng việc quản trị tốt, phòng tránh được các rủi ro pháp lý và tăng cường hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận.

Kế đến thực hành các yếu tố môi trường, căn cứ vào hoạt động của công ty để có đánh giá, kiểm kê khí nhà kính, xả thải và rác thải để doanh nghiệp tự đặt ra mục tiêu cải thiện.

Cuối cùng là thực hành các yếu tố cộng đồng, tùy theo phạm vi kinh doanh và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng để doanh nghiệp tự đưa ra mục tiêu và giải pháp của mình.

Ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, khách du lịch hiện nay không chỉ đòi hỏi dịch vụ chuyên nghiệp mà còn đặt ra yêu cầu sản phẩm tour có bao hàm tính trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tại địa phương.

Từ đầu năm 2024, Lữ hành Saigontourist triển khai chiến dịch “Mua 1 tour - Góp 1 cây xanh - Có cây là có rừng”, mỗi du khách trên toàn quốc mua tour sẽ góp thêm 1 cây xanh vào chương trình trồng cây “Sống xanh - Du lịch xanh”.

Bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp (Dự án STW - WWF) cho biết, du lịch bền vững là du lịch chú trọng đến các tác động về kinh tế, xã hội, môi trường ở hiện tại và tương lai. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu của du khách các ngành công nghiệp môi trường xung quanh và cộng đồng.

Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp được triển khai nhằm hướng tới những nỗ lực toàn diện, mang tính hệ thống và có tác động mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật. Việc buôn bán động hoang dã trái pháp luật trên thế giới ước tính lên tới 20 tỷ USD mỗi năm. Du khách mua động vật, thực vật và hạt giống hoặc được mời chào mua từ khu lưu trú hoặc mua trên trực tuyến; nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng, sản phẩm từ động vật hoang dã dưới dạng hình thức quà lưu niệm, thực phẩm, quần áo hoặc trang sức... là những hình thức vô tình tiếp tay cho nạn buôn bán động vật hoang dã. Chính vì vậy, vai trò của ngành du lịch lữ hành trong phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Phát triển du lịch bền vững thông qua ESG” là bước đi quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về phát triển bền vững. Từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín của ngành du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/phat-trien-du-lich-ben-vung-thong-qua-esg-i743123/