Truy xuất nguồn gốc, triệt gian lận đường nhập lậu
Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 28/2020/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, ngày 25/1/2021, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đã chính thức thông qua kế hoạch triển khai hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc chống gian lận thương mại đối với mặt hàng đường nhập lậu.
Trong những năm vừa qua, đường nhập lậu giá rẻ từ bên ngoài (chủ yếu là đường xuất xứ Thái Lan) tràn vào Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại sự phát triển của ngành mía đường trong nước. VSSA nhận định, trong những năm gần đây, ước tính đường nhập lậu tràn vào thị trường Việt Nam có năm lên đến hàng triệu tấn, gần bằng với cả sản lượng đường sản xuất ở trong nước. Do trốn được thuế và thu lợi nhuận cao, đường lậu luôn bán rẻ hơn đường sản xuất trong nước từ 1.000-2.000 đồng/kg, ngay cả khi giá bán đường trong nước giảm bằng hoặc thấp hơn cả giá thành sản xuất. Không thể trụ nổi trước sự chèn ép của đường nhập lậu, cùng với những yếu kém nội tại, nhiều nhà máy đường đã đứng bên bờ vực phá sản, ngừng hoạt động. Từ 40 nhà máy đường hoạt động trong khoảng chục năm trước đây, đến niên vụ 2020-2021, cả nước chỉ còn 29 nhà máy hoạt động.
Tại Chỉ thị 28/2020/CT-TTg, bên cạnh việc yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại liên quan đến mặt hàng đường, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, tổ chức có liên quan đến việc bảo kê cho nhập khẩu đường trái phép; Thủ tướng cũng đã yêu cầu VSSA xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm đường để góp phần ngăn chặn buôn lậu đường.
Ông Cao Anh Đương - quyền Chủ tịch VSSA - cho biết: Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc đường do VSSA xây dựng, sẽ là một hệ thống chung, thống nhất, quy mô quốc gia, nhằm phục vụ cho công tác quản lý, đánh giá và nhận diện các loại đường sản xuất và đóng gói trong nước, đường nhập khẩu và xuất khẩu, qua đó phân biệt đâu là đường nhập lậu và đâu là đường gian lận thương mại lưu hành trên thị trường. Hệ thống này sẽ được kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, an toàn thực phẩm và cân đối nhu cầu thực phẩm thiết yếu…
Khoảng 30 nhà máy đường (20 sản phẩm/nhà máy), 100 đơn vị phân phối cấp I và 500 đơn vị phân phối cấp II, 1.000 cơ sở sang chiết, đóng gói (mỗi đơn vị bình quân có 10 sản phẩm) trong hệ thống thương mại đường sẽ tham gia hệ thống này. Các các doanh nghiệp hội viên kể cả đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc riêng và đang tự in tem thực hiện, cũng được VSSA đề nghị, phải có trách nhiệm cung cấp thông tin để thiết lập hệ thống dữ liệu chung, nhằm thống nhất quản lý trên cơ sở bảo mật thông tin của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, một số doanh nghiệp trong ngành mía đường (chủ yếu là hoạt động thương mại) đã tỏ ra không mặn mà, thậm chí đã không đồng tình với việc VSSA triển khai thực hiện hệ thống này.
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa các quốc gia hiện nay đều rất quan tâm nhằm đảm bảo hàng hóa sản xuất, lưu thông trên thị trường là hợp pháp, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, qui chuẩn về chất lượng, an toàn, nhân văn, kinh doanh chân chính… Lợi ích của việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa là rất rõ, không đồng tình với việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc của VSSA, có thể một số doanh nghiệp đường có những lý do riêng. Thế nhưng, có một lý do cần phải đặt dấu hỏi rất lớn về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm đường của các doanh nghiệp này, trong đó không loại trừ khả năng có thể tiếp tay cho đường nhập lậu.
Một chuyên gia quản lý thương mại phân tích: Đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc đường do VSSA xây dựng, nếu doanh nghiệp thương mại đường nào đó không tham gia (đứng ngoài cuộc), khi cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra sẽ rất khó phân biệt được sản phẩm họ kinh doanh đâu là hàng sản xuất ở trong nước, đâu là hàng nhập khẩu chính ngạch, đâu là hàng tạm nhập tái xuất hay sản xuất để xuất khẩu, đâu là đường nhập lậu… Như vậy, họ sẽ có điều kiện dễ dàng để đánh tráo nguồn gốc các loại đường khác nhau nhằm trốn thuế. Chẳng hạn, khi thực hiện kinh doanh tạm nhập tái xuất, khi nhập đường về họ không tái xuất mà tiêu thụ trong nước không chịu thuế nhập khẩu, việc tái xuất chỉ thực hiện trên giấy tờ thông qua các mánh khóe qua mặt cơ quan chức năng.
Để bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, giữ gìn môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng, chống buôn lậu và gian lận thương mại đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thiết nghĩ, sau khi thiết lập xong hệ thống, VSSA cần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng có liên quan chỉ đạo, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối mặt hàng đường phải tham gia vào hệ thống quản lý truy xuất chống gian lận thương mại đường nhập lậu do VSSA xây dựng và triển khai.