Truyền cảm hứng đam mê sử Việt

Là dự án tâm huyết của những người trẻ, đội ngũ thực hiện Bình Ngô đại chiến chỉ có tâm niệm, bộ phim sẽ là nền tảng, tạo cảm hứng cho những ai quan tâm, muốn tìm hiểu sử Việt, đặc biệt là các bạn trẻ.

Một cảnh trong Bình Ngô đại chiến

Một cảnh trong Bình Ngô đại chiến

Những thước phim hùng tráng

Khán phòng gần 300 ghế ngồi trong buổi công chiếu bộ phim dã sử diễn họa Bình Ngô đại chiến không một chỗ trống. Hầu hết khán giả có mặt là các bạn trẻ, cùng tâm trạng rất háo hức. Kể từ Tử chiến thành Đa Bang 2: Sắt ra rạp cách đây 2 năm, người hâm mộ mới được thỏa đam mê xem những thước phim dã sử diễn họa trên màn ảnh rộng.

Bình Ngô đại chiến tái hiện trận chiến vô tiền khoáng hậu của nghĩa quân Lam Sơn tại Tốt Động - Chúc Động. Bằng chiến thuật tài tình và lòng quả cảm, ba vị tướng lĩnh Lam Sơn là Đinh Lễ, Nguyễn Xí và Lý Triện đã chỉ huy 6.000 quân Thiết Đột đánh bại gần chục vạn quân Minh. Chiến thắng này không chỉ là một kỳ tích mà còn khiến quân Minh tổn hao lực lượng nghiêm trọng và rơi vào thế co cụm phòng thủ, giúp quân Lam Sơn lấy được đại thế để từ đó giành lại độc lập cho dân tộc, lập nên nhà Hậu Lê kéo dài hơn 300 năm.

So với các tập phim trước, Bình Ngô đại chiến cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận. Vẫn là hình thức diễn họa nhưng lần này từ khâu hình ảnh, âm thanh cho đến xử lý kỹ xảo đều đồng bộ. Chuyển động hình ảnh đã trở nên mượt mà hơn. Phim có không ít những hình ảnh đắt giá, vừa mang tính ẩn dụ nhưng cũng khơi gợi, khích lệ và làm tôn lên lòng tự hào dân tộc. Đặc biệt, hình ảnh đồng điệu với âm nhạc, được thực hiện bởi các đối tác chuyên nghiệp, làm bật lên chất bi hùng.

Điều thú vị ở chỗ, chiến thắng Tốt Động - Chúc Động vốn đã được ghi trong sử sách, nhưng qua lăng kính của những người trẻ, vẫn được tái hiện theo cách rất riêng. Được cố vấn bởi các chuyên gia, nhóm nghiên cứu lịch sử, ê kíp cũng có những sáng tạo như thêm các nhân vật hư cấu mới nhưng không làm xáo trộn hay giảm đi giá trị lịch sử; đảm bảo sự liền lạc và tạo nên sợi dây liên kết logic với tuyến nhân vật các anh hùng lịch sử có thật. Hơn tất cả, từ một lát cắt lịch sử, bộ phim nêu bật tinh thần, ý chí và khao khát độc lập của người Việt từ hàng ngàn năm trước.

Theo đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi, Bình Ngô đại chiến là tập phim được đầu tư hoành tráng nhất với sự tham gia của: NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Khánh Hoàng, Đức Thịnh, Văn Ngà, Hòa Bình… Trong đó, riêng NSƯT Thành Lộc đảm nhiệm 2 vai Trần Hiệp và Lý Lượng, đều là nhân vật phản diện, thuộc phe quân Minh.

Hành trình bạc tỷ

Bình Ngô đại chiến được thực hiện trong vòng 15 tháng với 13 lần đổi kịch bản, hơn 1.200 khung hình, hơn 1.600 người đóng góp với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. “Mỗi lần sửa kịch bản đều là áp lực. Cái khó không phải là chỉnh sửa kịch bản sao cho hay nhất, mà là chỉnh sửa sao cho phù hợp nhất với khả năng sản xuất của nhóm cũng như với thời gian có hạn. Áp lực nhất là đến ngày thu âm vẫn phải sửa, thu âm xong vẫn phải sửa thêm”, Đỗ Minh Nhật, biên kịch dự án chia sẻ.

Trước khi thực hiện bộ phim, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của cộng đồng, nhóm đã theo dấu hành trình xưa của tiền nhân. Để cảm nhận được nỗi gian khổ “nằm gai nếm mật” của vua Lê Lợi, thậm chí họ phải nhờ kiểm lâm dẫn vào núi rừng Lam Sơn. Chân đạp sâu xuống bùn lầy của cánh đồng Tốt Động, da thấu buốt cái lạnh của ải Chi Lăng, những cú té ngã khi tìm đến đỉnh núi diễn ra hội thề Lũng Nhai và hàng loạt những thử thách suốt dọc đường. “Làm sao để hiểu rõ tiền nhân nếu ta không theo dấu hành trình của họ?”, ê kíp đặt vấn đề.

Liên quan đến tính chuyên nghiệp, ê kíp thừa nhận việc kêu gọi hỗ trợ vốn từ cộng đồng để làm phim đã là không chuyên nghiệp. Theo đạo diễn Kỷ Thế Vinh: “Nếu muốn chuyên nghiệp, không thể cứ đợi vào tiền quyên góp từ cộng đồng. Cách thức này chỉ là tiệm cận chuyên nghiệp, dù trong từng công đoạn sản xuất, chúng tôi luôn ý thức và cố gắng tự chuyên nghiệp mình hơn”.

Theo anh Trần Tuấn, trưởng dự án, việc thực hiện Bình Ngô đại chiến tồn tại một số vấn đề. Kế hoạch sản xuất tập phim lần này hoàn toàn phụ thuộc tiền quyên góp và phải liên tục cân bằng, thay đổi. Do đó, thời gian sản xuất kéo dài hơn. Cũng bởi lý do đó, ê kíp liên tục thực hiện mọi phương pháp khác nhau và vẫn chọn diễn họa thay vì làm hoạt hình 2D, 3D để tiết kiệm chi phí nhất có thể.

Ê kíp cũng khẳng định, dù được khán giả, trong đó có nhiều khán giả trẻ đón nhận, nhưng dự án không phải được làm ra với nhiệm vụ giảng dạy lịch sử. Anh Trần Tuấn cho biết: “Chúng tôi muốn tạo cảm hứng, cảm xúc để mọi người biết đến và có sự quan tâm với sử Việt”. Anh cũng nhấn mạnh, dự án này thuộc thể loại dã sử chứ không phải phim lịch sử tài liệu.

Bình Ngô đại chiến được phát hành trên kênh YouTube Đuốc mồi và Hùng ca sử Việt từ ngày 22-12. Theo tiết lộ của ê kíp, sau tập phim gây quỹ cuối cùng này, nếu vẫn không tìm được nhà đầu tư hay mô hình kinh doanh phù hợp, dự án có thể phải dừng lại.

VĂN TUẤN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/truyen-cam-hung-dam-me-su-viet-86894.html