Truyền cảm hứng đọc trong người trẻ, khó hay dễ?
Chia sẻ tại Tọa đàm 'Sách – người thầy, người bạn' vừa được diễn ra tuần qua tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng: Trong sự 'trưởng thành' của mỗi người, sách và văn hóa đọc đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định kế hoạch, ước mơ và vị thế, nhất là người trẻ.
Sách định vị sự "trưởng thành" của mỗi người
Là một người làm về truyền thông, nhà báo Khổng Loan, Phó Thư ký tòa soạn Forbes Vietnam rất may mắn đã được hiểu về nguồn thông tin, những điểm hay và dở của từng nguồn thông tin, thế nào là một nguồn thông tin đáng tin cậy. Đặc biệt có thể hiểu được các cơ chế, mô hình của các doanh nghiệp truyền thông, tiếp thị, để có thể phân định được đâu có thể là đồ ăn bổ cho thân, tâm, trí của mình (dù không phải lúc nào cũng làm được).
Chị Khổng Loan cho rằng, trong rất nhiều nguồn thông tin để chỉ dẫn cho mình thì chắc chắn sách là một nguồn quan trọng, có thể chiếm tới hơn một nửa đầu vào về tư duy và kiến thức của mình.
"Từ nhỏ tôi đã thích đọc, hay đi thuê truyện ở gần nhà, đọc đủ mọi thứ. Cứ buổi trưa ngủ thì bên cạnh 5-6 cuốn sách đọc, đọc hết một lượt thì đi trả, rồi thuê tập mới đọc, cũng vượt qua được những cái nắng gay gắt của mùa hè ngoài Bắc. Khi đi làm, sách vẫn tiếp tục là người thầy, người bạn dạy tôi những tư duy và kiến thức mà tôi còn thiếu. Tôi đi mượn, mua, đọc ké…nhưng sách luôn ở bên tôi, ở những góc bàn, góc nhà mà tôi thích ngồi, đầu giường…", chị Loan cho biết.
Cùng quan điểm với nhà báo Khổng Loan, TS. Hồ Bá Thâm, Nguyên Giám đốc chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tại Cần Thơ còn nhấn mạnh, sách không chỉ là người thầy chỉ dẫn nhiều điều, luôn bên ông, bầu bạn, giúp ông tự làm, tự học, tự rút kinh nghiệm. Và hơn hết sách đã định hình sự nghiệp cũng như trong quá trình phát triển bản thân của ông. Với ông, sách như người thầy, người bạn hữu ích và tin cậy nhất trong cuộc sống và công việc
Người trẻ không thờ ơ với văn hóa đọc!
Cũng tại Tọa đàm, các khách mời cho rằng nhận định người trẻ thờ ơ với việc đọc sách có lẽ hơi phiến diện. Bởi để đánh giá chúng ta cần số liệu để xác định, vì với quan sát hằng ngày có lẽ chưa đủ. Thực tế, chúng ta có nhiều nhà xuất bản hơn, xuất bản nhiều đầu sách hơn. Thị trường sách vô cùng phong phú, dù giá cả còn hơi cao so với thu nhập trung bình của người dân, nhưng thực tế, dù bạn cần sách gì cũng gần như đều có cả.
Bà Phan Thị Mỹ Linh, CEO Saigon Books, lượng sách xuất bản vài năm trở lại đây vẫn duy trì và có khi tăng. Điều này phần nào đó khẳng định, người Việt, trong đó có giới trẻ, thờ ơ với văn hóa đọc là chưa đúng (ở đây đang nói sách in, không tính đến sách điện tử, sách nói,...). Các dòng sách xã hội phát hành hàng năm vẫn được người trẻ đón nhận. Vì thế, tùy vào độ tuổi độc giả sẽ tìm những cuốn sách phù hợp với thời của mình, với nhu cầu của mình để đọc.
Nhà báo Khổng Loan cũng cho rằng, xã hội hiện nay đã rất khác so với xã hội cách nay 5-10 năm, hay 20 năm, thời điểm mà chị ở tuổi 20. Chúng ta có thể không thấy người trẻ đọc nhiều sách trên sách giấy, nhưng chị cho rằng họ tiếp cận kiến thức nhiều hơn. Họ đọc theo một cách khác với thế hệ của chị. Trong đó, sách nói, sách điện tử là phổ biến.
"Nhìn bên ngoài, có thể nhận xét rằng văn hóa đọc đang ít đi, mà văn hóa nghe nhìn đang nổi lên, lấn lướt, một phần vì điện thoại thông minh đang trở thành công cụ phổ biến trong đời sống. Sự thuận tiện đó giúp cho việc tiếp cận thông tin là vô hạn, liên tục, xuyên không gian, xuyên biên giới. Kiến thức vì thế trở nên vô cùng phong phú, có ở khắp nơi", nhà báo Khổng Loan nhận định.
Ở một góc nhìn khác, nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa lại cho rằng, trong môi trường hiện đại ngày nay, sách in hay các ấn bản điện tử đều là những công cụ. Công cụ thay đổi, nhưng hành động đọc thì không thay đổi. Tuy nhiên, dù nói gì đi nữa, văn hóa đọc (phải nói là đọc sách in, bởi sách in uy tín và tin cậy hơn) đang bị nhạt nhòa, nếu có chỉ trong đường sách, hội chợ sách, thư viện, nhà sách,...
Các khách mời cũng cùng chung quan điểm, thách thức là chúng ta nhận ra được những điều hay và điều dở của từng công cụ và nền tảng, để biết khi nào dùng cái này, khi nào dùng cái khác, để bổ trợ cho nhau. Do đó, họ tin rằng sách in, và đọc sách in là một cách đầu tư khôn ngoan, bền vững, chắc thắng nếu chúng ta thực sự muốn phát triển mình vững chắc từ gốc, để có thể đi được đường dài. Đọc được những cuốn sách hay giống như trò chuyện với những chuyên gia chất lượng về một chủ đề một cách sâu sắc. Nó có nghiên cứu, có bối cảnh, có chuyện đông chuyện tây, có chuyện xưa chuyện nay được kể đầu đũa, rõ ràng. Bởi vậy, sách in giống như món ăn chậm, nấu kỹ, sẽ giúp no lâu và mang tới cơ thể nhiều chất dinh dưỡng.
Nhà báo Khổng Loan phân tích: Ví dụ, mọi người có vẻ nghe podcast nhiều. Bởi podcast là những phần trao đổi của các cá nhân về từng chủ đề. Nhưng các cá nhân này là ai, họ có chuyên môn gì, họ có thành tựu được công nhận là gì, ai, tổ chức nào công nhận. Họ có nói về chuyên môn của họ không? Làm thế nào để biết ai đó có chuyên môn? Khi đặt những câu hỏi như vậy, chúng ta sẽ quyết định rằng những nhân vật nói trên podcast đó có đáng tin cậy không, những thứ họ chia sẻ có giá trị quyết định không hay chúng ta nên nghe để tham khảo, giải trí. Hoặc khi chúng ta nghe sách trên các ứng dụng đọc sách thì khả năng tiếp thu thông tin sẽ kém hơn so với chúng ta ngồi, tập trung và đọc cuốn sách in. Như vậy, tôi cho rằng các cách thức đọc đang đa dạng hơn, thuận tiện hơn cho cuộc sống con người, và chúng ta cần tìm cho mình phương pháp phù hợp với bản thân, thời điểm trong ngày, biết được cái hay, cái dở của từng phương pháp.
Trao cho người trẻ tình yêu văn hóa đọc
Các khách mời cho rằng, những sự kiện quảng bá như cuộc thi, tọa đàm, hội thảo, ngày hội sách,... là một cách để truyền cảm hứng. Cùng với đó, cũng thấy rất nhiều hoạt động quảng bá văn hóa đọc vẫn đang tiếp tục diễn ra sôi nổi tại nhiều không gian, trong đó có các đường sách tại các tỉnh thành, hay trường học. Với giới trẻ, cần nhiều hoạt động để chia sẻ về lợi ích của việc đọc sách nhằm khuyến khích các bạn đọc nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đọc là một kỹ năng khó, và nếu không phát triển kỹ năng đó từ khi còn nhỏ, lớn lên, chúng ta sẽ rất khó hình thành thói quen và kỹ năng này. Gần như là không thể, hoặc rất khó khăn. Vì thế, các khách mời vẫn cổ súy việc phát triển thói quen đọc từ môi trường học tập và gia đình, để có thể hình thành nên những người đọc tương lai.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa và nhà báo Khổng Loan có cùng quan điểm là ở mỗi gia đình, mong cha mẹ sắp xếp những góc đọc sách cho các con của mình. Cùng với đó là sắp xếp nhiều chỗ để sách khác nhau trong nhà. Sách là phần thưởng cho con mỗi khi con làm được việc tốt. Cha mẹ cũng trò chuyện với con về tác dụng của đọc sách, trao đổi về những cuốn sách hay hoặc những chi tiết buồn cười. Trẻ em sẽ thích cái gì hài hước vui vẻ. Cả gia đình cùng tạo thói quen cả nhà đọc sách trước khi ngủ, với quy tắc là sau 9h tối sẽ không xem màn hình. Hoặc đi nhà sách mua sách là niềm vui cho cả gia đình. Ở tuổi các con còn nhỏ, cần xây dựng niềm vui đọc sách, giúp con đọc sách để thư giãn, để cười, quan trọng hơn là đọc sách để học kiến thức. Đọc sách để phát triển ngôn ngữ, để vui, để giải trí là một điều quan trọng, trước khi chúng ta đọc sách vì có ích cho công việc, cuộc sống.
Và nếu cha mẹ, người lớn không làm gương thì không thể trách người trẻ, hay con mình không chịu đọc sách. Internet, điện thoại, máy tính không có lỗi gì cả. Con cái chúng ta chỉ nhìn người lớn để làm theo.
Cùng với nhà báo Khổng Loan, nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa, TS. Hồ Bá Thâm đề xuất các trường cần đưa việc phải có một thư viện, và thời gian bắt buộc học sinh phải đến thư viện đọc sách (các em có thể chọn bất kỳ cuốn nào để đọc). Khi chúng ta biết và cùng đồng ý rằng đọc sách là một thói quen tốt, thì phải có những phương thức khác nhau, để mỗi người có thể trồng được hoa cho mình, thay vì để cho cỏ mọc tràn lan. Để cho sách giúp con phát triển ngôn ngữ, vui, và dần xây dựng thói quen cầm cuốn sách, thì chúng ta cũng phải sắp xếp lại kỳ vọng với việc học tập của con mình, để con có thể có thời gian dành cho việc đọc sách giải trí. Cho con tự do chọn lựa đọc những gì mình muốn, thi thoảng mới gợi ý vài cuốn sách hay theo ý mình.
"Tôi còn mong xã hội sẽ phát triển những hình thái giải trí, sáng tạo khác xoay quanh việc đọc, nội dung đọc. Ví dụ từ diễn kịch, hát, trình diễn thơ, sáng tác nghệ thuật, tham gia câu lạc bộ đọc sách để chia sẻ với nhau những cuốn sách hay mà mình tâm đắc. Bởi khi nhỏ, các em nhỏ đọc cái gì cũng được, miễn là có đọc, và dành thời gian cho việc đọc để hình thành thói quen, rồi mới trở thành những người đọc suốt đời và khai mở được vô số các lợi ích lớn lao từ đọc sách. Bởi đọc sách và mua sách với tôi là một khoản đầu tư quan trọng cho tư duy và tâm hồn, và lợi ích của nó là không thể đo đếm được" - nhà báo Khổng Loan kỳ vọng.
Nhà văn trẻ Yang Phan - Giải thưởng "văn học tuổi 20" lần 7/2023 lại cho rằng, là người trẻ, ngoài việc đọc sách trên giấy, họ hoàn toàn có thể được thực hiện thói quen đọc một cách linh hoạt và chủ động thông qua các nền tảng sách điện tử. Những cuốn sách về tâm lý đang được quan tâm nhiều hơn, phần nào phản ánh được nhu cầu của độc giả ngày nay. Việc đọc sách sẽ giúp người trẻ thấu hiểu nhiều hơn về xã hội từ đó giúp bản thân viết tốt hơn trong tương lai.
Với Yang Phan, người trẻ, sẽ chọn các sách phù hợp với sở thích, đam mê và độ tuổi mình. Sẽ chọn sách tâm lý, chữa lành, văn chương mang yếu tố ngôn tình hơn là sách khoa học. Nếu có đọc sách khoa học, học thuật chỉ để làm tư liệu tham khảo, hoặc phục vụ công việc nhiều hơn....
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/truyen-cam-hung-doc-trong-nguoi-tre-kho-hay-de-2024052016281631.htm