Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh phổ thông
Bộ GD-ĐT mong muốn đưa ra những phương án và giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ngay từ phổ thông, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và khởi tạo những ý tưởng khi các em còn học ở trường phổ thông
Tọa đàm "Truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh trung học phổ thông" đã được tổ chức ngày 27-5 tại Trường phổ thông liên cấp Phenikaa Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT, cho hay để triển khai hiệu quả đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, Bộ GD-ĐT xác định triển khai 3 nhóm nhiệm vụ lớn gồm: Tăng cường công tác truyền thông, hỗ trợ đào tạo và tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Tọa đàm là cơ hội để diễn giả là doanh nhân đã và đang tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp, hiểu rõ vai trò của phát triển tinh thần khởi nghiệp ở giáo dục phổ thông, bàn về thực trạng giáo dục khởi nghiệp tại các trường phổ thông.
Bên cạnh đó, học sinh, thầy cô có thể chia sẻ những mong muốn, hỗ trợ phát triển mô hình đào tạo khởi nghiệp trong trường phổ thông của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Từ đây, sẽ đưa ra những phương án và giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ngay từ phổ thông, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và khởi tạo những ý tưởng khi các em còn học ở trường phổ thông.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Phenikaa School, nhấn mạnh việc các học sinh càng tiếp cận, làm quen sớm càng giúp các em biết những điều cần có của một doanh nghiệp khởi nghiệp, từ đó xác định được thế mạnh của mình, cần trang bị những kiến thức, kỹ năng gì cho nghề nghiệp mình yêu thích trong tương lai.
"Từ năm học 2023-2024, chúng tôi bắt đầu đưa vào chương trình môn học Khởi nghiệp-Hướng nghiệp, học sinh sẽ được trang bị các kiến thức về lĩnh vực này" - ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Bà Trần Thị Minh Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, đánh giá hoạt động khơi gợi cho học sinh ước mơ, dự định khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các diễn giả là người thành công trong quá trình khởi nghiệp chia sẻ về hướng đi, những thách thức phải đối mặt và các bài học để dẫn đến thành công.
"Chúng tôi đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tọa đàm về khởi nghiệp cho học sinh nhằm giúp các em xác định được điểm mạnh của mình từ đó có hướng đi đúng nhằm phát triển năng lực, tố chất mà các em đang có" - Phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương nói.
Hơn 400 học sinh, giáo viên các trường THCS, THPT đi đầu trong phong trào khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tham gia tọa đàm.