Truyền cảm hứng nguồn cội bằng câu chuyện 'Ngày trở về'
Trước Tết Nguyên đán 2020, cuốn sách 'Ngày trở về - Mẹ ơi, con là người Việt Nam' được giới thiệu tới độc giả, đã truyền nguồn cảm hứng về tình yêu quê hương, nguồn cội của người Việt Nam. Rất nhiều tác giả của cuốn sách từng nghĩ mình sẽ sống mãi ở nước ngoài, nhưng càng trưởng thành, tận sâu trong tâm hồn họ lại xuất hiện niềm thôi thúc được trở về bởi Việt Nam giúp họ trả lời được câu hỏi quan trọng nhất: Tôi là ai?
Cuốn sách "Ngày trở về - Mẹ ơi, con là người Việt Nam" do Ban Truyền hình đối ngoại (VTV4), Ðài Truyền hình Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, đánh dấu chặng đường 10 năm chương trình "Ngày trở về" của VTV4 với những câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình nhiều thăng trầm của những người con đất Việt xa xứ. Bảy nhân vật được lựa chọn từ hơn 50 nhân vật từng tham gia chương trình kể lại câu chuyện thông qua cuốn sách. Họ có xuất thân, độ tuổi, công việc khác nhau, nhiều người không sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, thậm chí từng không biết tiếng Việt, nhưng đều có điểm chung ở tấm lòng trắc ẩn, yêu thương và bền bỉ tìm đường trở về. Bằng các cách thức khác nhau, những người con xa xứ ấy đã và đang đóng góp cho đất nước tất cả trí tuệ, năng lực và tình yêu sâu nặng.
Ðúng dịp ra mắt sách, ngày 12-1, ba tác giả (nhà khoa học Trần Ngọc Phúc, bác sĩ Ða-vít (David) Dương Bảo Long và doanh nhân Ða-ni-en (Daniel) Nguyễn Hoài Tiến) cùng tham gia tọa đàm với chủ đề "Ðường đến một công việc hạnh phúc". Họ là những cá nhân xuất sắc, khẳng định được vị thế của người Việt Nam ở môi trường quốc tế. Nhà khoa học Trần Ngọc Phúc du học tại Nhật Bản trước năm 1975 với quyết tâm: "Khi sống tha hương và ở nước của người ta, phải để lại vết chân và đường đi của mình". Ông là người phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số (HFO) Hummingbird, đoạt nhiều giải thưởng y học danh giá. Nhờ phát minh của ông, 99,7% số trẻ sinh non tại đất nước mặt trời mọc được cứu sống. Nhiều năm qua, nhà khoa học Trần Ngọc Phúc đã đưa các chuyên gia về Việt Nam đào tạo cho hàng trăm bác sĩ và lập công ty tại Việt Nam với mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa. Doanh nhân Ða-ni-en Nguyễn Hoài Tiến và bác sĩ Ða-vít Dương Bảo Long thuộc thế hệ 8x, sinh ra hoặc định cư ở Mỹ từ rất sớm. Họ từng có rất ít ý niệm về quê hương bản xứ. Tuy nhiên, càng trưởng thành, cảm xúc về nguồn cội càng trở nên mạnh mẽ, thôi thúc họ trở về và cống hiến. Trong khi doanh nhân Ða-ni-en Nguyễn Hoài Tiến tâm huyết với các dự án bảo tồn thiên nhiên, bản sắc dân tộc, cụ thể nhất là các giống cây trồng và văn hóa bản địa thì bác sĩ Ða-vít Dương Bảo Long là Phó Giám đốc Tổ chức Hợp tác vì sự phát triển y tế Việt Nam, là người sáng lập tổ chức phi chính phủ Crossing Borders đưa tình nguyện viên người Mỹ và người Mỹ gốc Việt đến làm việc tại các trạm xá ở hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Ở cuộc tọa đàm, bác sĩ Ða-vít Dương Bảo Long hào hứng giới thiệu những thanh niên địa phương từng dạy mình bổ củi, những gia đình đã chào đón, đùm bọc anh trong quá trình triển khai dự án y tế cộng đồng. Doanh nhân Ða-ni-en Nguyễn Hoài Tiến thì mang đến một gùi toàn giống ngô bản địa, các loại thảo mộc đặc sắc của một số dân tộc miền núi phía bắc và rượu Sông Cái, đặc sản làm từ giống ngô do anh nghiên cứu. Những hình ảnh, chi tiết và tác phẩm sống động chung quanh tác phẩm "Ngày trở về - Mẹ ơi, con là người Việt Nam" đã chạm tới trái tim độc giả bằng niềm xúc động.
Trong hành trình trở về Việt Nam, các tác giả đặt ra nhiều câu hỏi đầy băn khoăn, trăn trở, như: "Tôi là ai" của Ða-ni-en Nguyễn Hoài Tiến, "Mình là người gì nếu không phải là người Mỹ?" của Ca-rô-lai (Caroline) Kiều Kinh Van-vơ-đơ (Valverde), Ða-vít Dương Bảo Long lại đi tìm câu trả lời cho "Vì sao tôi may mắn có cơ hội được học ở Mỹ? Nhiệm vụ của tôi với cộng đồng là gì? Tôi có thể làm được gì?" hay Em-ma (Em ma) Phạm Thị Chín nhận ra "chỉ có một lý do duy nhất để tồn tại, tôi phải sống để trở về quê hương mình"… Hầu hết các nhân vật trước khi đạt được thành công đều trải qua chặng đường gian khó. Nhà khoa học Trần Ngọc Phúc từng làm công nhân làm đường, Ða-vít Dương Bảo Long và Ða-ni-en Nguyễn Hoài Tiến từng bị kỳ thị về mầu da, sự nghèo khó… Sau khi lựa chọn kết nối với quê hương, họ chợt nhận ra những nét tính cách Việt vốn có sẵn trong mình, tìm thấy cơ hội từ sự kết nối ấy. Việt Nam cho họ cảm giác đây là nhà mình, là tương lai của mình, và họ tìm được chỗ của mình trong tương lai đất nước.
Bảy câu chuyện trong cuốn sách nói riêng và hơn 50 nhân vật trải dài suốt chặng đường 10 năm của chương trình "Ngày trở về" nói chung, như một minh chứng cho thấy tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam luôn tỏa sáng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Chuyện đời, chuyện nghề của họ là những minh chứng đầy thực tế và triết lý nhân sinh sâu sắc không chỉ có ích cho độc giả mà còn có ích cho thế hệ sau này.