Truyền cảm hứng từ sách trắng về thanh niên khởi nghiệp
Trao đổi tại buổi góp ý đề cương sách trắng về thanh niên khởi nghiệp năm 2021, các đại biểu cho rằng cuốn sách cần thể hiện sự trẻ trung, hấp dẫn và truyền được cảm hứng cho thanh niên về khởi nghiệp, làm giàu chính đáng xây dựng đất nước.
Ngày 19/10, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức góp ý đề cương sách trắng về thanh niên khởi nghiệp năm 2021. Anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam chủ trì.
Cuốn sách trắng về thanh niên khởi nghiệp đầu tiên
Theo Ban tổ chức, sách trắng về thanh niên khởi nghiệp năm 2021, nội dung có sự liên kết giữa khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; giới thiệu những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thanh niên khởi nghiệp, chính sách của T.Ư Đoàn trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; phân tích đánh giá thực trạng thanh niên khởi nghiệp...
PGS, TS Phạm Thị Giang Thu (ĐH Luật Hà Nội) chia sẻ về đề cương sách trắng về thanh niên khởi nghiệp tại buổi góp ý. Ảnh: Xuân Tùng
Các đại biểu, chuyên gia đã cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề như bố cục; các chỉ tiêu thống kê đánh giá; hệ thống khái niệm về khởi nghiệp... Bên cạnh đó, chỉ ra những khó khăn thách thức trong việc thực hiện sách trắng, nhất là lần đầu tiên như sách trắng về thanh niên khởi nghiệp.
TS Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng sách trắng về thanh niên khởi nghiệp ra đời sẽ là một bước ngoặt.
Ông Thắng lưu ý việc lồng ghép khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cùng một cuốn sách trắng cần có những cách tiếp cận, phân tích các yếu tố tác động rất khác nhau. Do đó khối lượng công việc sẽ rất lớn.
"Trong sách trắng cần nói rất rõ mục tiêu dành cho thanh niên để giúp họ hiểu được làm thế nào để khởi nghiệp, huy động nguồn lực từ đâu hay giúp cho các nhà quản lý chính sách... Để làm được điều đó, cần phân tích rất rõ thực trạng nói chung về khởi nghiệp ở Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp, các đề án đang có...", ông Thắng nói.
Ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê bày tỏ: "Tôi đánh giá rất cao ý tưởng, quyết tâm của T.Ư Đoàn và những người tham gia đề án này trong việc xây dựng, công bố cuốn sách trắng về thanh niên khởi nghiệp Việt Nam".
Chia sẻ về kinh nghiệm và thực tế từ lĩnh vực công tác và thực hiện sách trắng doanh nghiệp, ông Thúy lưu ý sách cần làm rõ khái niệm, phạm vi hoạt động khởi nghiệp. Cần có nhiều thông tin như theo độ tuổi, giới tính, địa phương, quy mô khởi nghiệp, đánh giá tăng trưởng hàng năm...
Hấp dẫn, truyền được cảm hứng khởi nghiệp
Chia sẻ tại buổi góp ý, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: Sách trắng truyền thống có nhiều thông tin thống kê số liệu, nhưng sách trắng dành cho thanh niên cần có sự phá cách. Sách phải thu hút được thanh niên đọc, truyền được cảm hứng về khởi nghiệp, làm giàu.
Sách không nhất thiết phải theo hình thức truyền thống, nhưng vẫn cần đảm bảo tính khoa học, tường minh và trả lời ba câu hỏi: Tôi là ai? Tại sao tôi lại như thế? Tôi muốn như thế nào?". Sách nên gói gọn trong 100 - 150 trang.
TS Dương Thị Thu - Viện trưởng Viện Chỉ đạo chiến lược - người từng có thời gian khởi nghiệp, chia sẻ: Cuốn sách này cần đạt hai mục tiêu, trong đó truyền cảm hứng làm giàu xây dựng đất nước cho thanh niên; cẩm nang để thanh niên hiểu được thanh niên khởi nghiệp là thế nào, để dấn thân, có thành công có thất bại.
Tại cuộc họp, anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tiếp thu ý kiến, góp ý của các chuyên gia đại biểu.
Anh Lương thống nhất sách trắng cho thanh niên cần có sự trẻ trung, hấp dẫn, dễ hiểu trong tiếp cận, thể hiện; và vẫn đảm bảo tính khoa học về phương pháp nghiên cứu, số liệu.
Bên cạnh đó, sẽ có sự điều chỉnh phạm vi một số vấn đề thực hiện cho phù hợp với điều kiện tư liệu, số liệu, cũng như của lần đầu tiên thực hiện sách trắng về thanh niên khởi nghiệp.