'Truyện cổ Grimm' không chỉ dành cho trẻ em
'Truyện cổ Grimm' với 215 truyện mới được phát hành tiếng Việt, mang tới nhiều điểm mới về ấn phẩm tưởng chừng đã quá quen thuộc với bạn đọc.
Truyện cổ Grimm là tác phẩm kinh điển với nhiều phiên bản. Qua nhiều lần cải biên, qua các lần chuyển ngữ… tác phẩm của anh em nhà Grimm thường được nhắc đến như “những câu chuyện kể trước giờ đi ngủ của hàng triệu triệu trẻ em trên thế giới”.
Tuy vậy, ấn bản năm 1857 (là ấn bản cuối cùng của anh em nhà Grimm trước khi hai ông qua đời) cho thấy đây là công trình chứa đựng nhiều tâm sức của các tác giả, trong đó bao gồm cả mục đích lưu giữ văn hóa.
Sau khi công ty sách Đinh Tị phát hành Truyện cổ Grimm dựa trên ấn bản 1857 hồi tháng 1, mới đây, công ty sách Đông A và NXB Văn học tiếp tục thực hiện ấn bản mới, cũng dựa trên bản năm 1857 và có thêm nhiều điểm mới.
Jacob và Wilhelm Grimm không ghi chép truyện cổ tích cho trẻ con đọc, mà họ mong muốn sử dụng phương tiện chữ viết để gìn giữ nếp văn hóa, quan niệm sống và những giá trị tinh thần truyền thống của người dân Đức.
Truyện cổ Grimm ban đầu có tên Chuyện kể cho trẻ em và trong gia đình. Hai anh em Jacob và Wilhelm Grimm đã sưu tầm những câu chuyện kể dân gian, sau đó tập hợp lại, xuất bản lần đầu năm 1812.
Anh em nhà Grimm không ghi chép truyện cổ tích cho trẻ con đọc, mà họ mong muốn sử dụng phương tiện chữ viết để gìn giữ nếp văn hóa, quan niệm sống và những giá trị tinh thần truyền thống của người dân Đức.
Những tác phẩm trong tập truyện này vốn là những chuyện “được lưu truyền mà không bị phán xét là hay hay dở, cao nhã hay bình dân”.
Trong Truyện cổ Grimm vừa phát hành tiếng Việt này, ấn phẩm giữ lại những câu chuyện theo nguyên bản. Bởi vậy, đơn vị phát hành đưa ra khuyến nghị: “Nếu các bậc phụ huynh lựa chọn ấn bản này để làm quà tặng cho con em mình thì hãy tiếp tục đồng hành cùng bé trong quá trình đọc sách, để chọn lọc được những truyện phù hợp với độ tuổi cụ thể”.
Đây có thể coi là ấn bản Truyện cổ Grimm đầy đủ nhất bằng tiếng Việt. Sách gồm 215 truyện, trong đó có 211 truyện đúng số lượng và thứ tự theo bản năm 1857. Ngoài ra còn có 4 truyện xuất hiện trong các ấn bản trước, nhưng về sau đã bị anh em Grimm loại ra do sự tương đồng với các tác phẩm của những nhà văn khác.
Cuốn sách còn có 184 tranh minh họa của hai họa sĩ Philipp Grot Johann (1841-1892) và Robert Leinweber (1845-1921). Đây cũng là bộ tranh đầu tiên minh họa Truyện cổ Grimm, khiến bạn đọc dễ dàng hình dung bối cảnh, nhân vật trong các câu chuyện.
Nhằm giúp độc giả hiểu thêm về bối cảnh ra đời, quá trình làm việc tạo nên tác phẩm, sách in phần Lời tựa do anh em Grimm viết. Lời tựa này được in trong ấn bản ra mắt đầu thế kỷ XX tại Đức.
Truyện cổ Grimm đến với bạn đọc Việt qua bản dịch của Hữu Ngọc, Lương Văn Hồng, Ngụy Hữu Tâm. Cuốn sách là công trình đầy đặn với 980 trang, có bìa cứng, áo ôm, in trên giấy cao cấp.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truyen-co-grimm-khong-chi-danh-cho-tre-em-post1201806.html