Truyền đạt sâu sắc hơn nữa 'pho lịch sử bằng vàng' tới toàn dân

Trong 93 năm qua kể từ ngày thành lập (3/2/1930 - 3/2/2023), Đảng đã đồng hành cùng dân tộc, lãnh đạo đất nước giành những thắng lợi hết sức to lớn. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.

PV: Thưa ông, kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng, ông có thể chia sẻ về cảm xúc của mình?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Là một người nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Đảng, đối với tôi ngày thành lập Đảng là rất thiêng liêng. Nhất là dịp thành lập Đảng gắn với mùa Xuân, với Tết cổ truyền của dân tộc.

Tuy cả cuộc đời dành cho nghiên cứu và giảng dạy về Đảng nhưng tôi vẫn cảm thấy mình còn phải cố gắng rất nhiều, nỗ lực nghiên cứu sâu sắc hơn, để có thể truyền đạt lại cho người dân hiểu sâu sắc hơn về Đảng, về Bác Hồ. Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi - những người làm công tác nghiên cứu về lịch sử Đảng. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”. Ngay cả với những người nghiên cứu như chúng tôi thì “pho lịch sử bằng vàng” đó cũng chưa thể nghiên cứu được hết về công lao của Đảng đối với đất nước, với dân tộc, nhất là các thế hệ đi trước.

Tôi luôn mong muốn làm sao khai khác, truyền đạt được “pho lịch sử bằng vàng” cho toàn dân hiểu sâu sắc hơn nữa về Đảng. Khi đã thấu hiểu thì tình cảm và niềm tin đối với Đảng sẽ vững vàng trước mọi hoàn cảnh, không bị các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc làm cho nhận thức bị sai lệch và có hành động không đúng.

Trong bối cảnh hiện nay Đảng ta cũng đang đối mặt những thách thức mới. Theo ông, khó khăn lớn nhất là gì?

- Trong giai đoạn chiến tranh có thử thách khắc nghiệt và nay trong thời bình, xây dựng phát triển đất nước cũng có những thử thách khi chúng ta phải đương đầu chống lại các thế lực thù địch, và cả trong nội bộ để loại trừ tham nhũng, tiêu cực.

Năm nay chúng ta kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng. Tôi muốn nhắc lại rằng ở những thời điểm lịch sử, đất nước ta đã vượt qua nhiều khăn, thử thách ghê gớm. Trong năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Ít ai có thể hình dung chúng ta vừa trải qua đợt dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm (2020, 2021) song năm 2022 kinh tế đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, kinh tế tăng trưởng 8,02%, đời sống người dân được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững, ngoại giao đã nâng tầm vị thế quốc gia. Những thành quả đó của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Cho nên tôi rất tự hào về dân tộc, tự hào về Đảng ta, tự hào về sự lãnh đạo của Đảng đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn thử thách. Sắp tới chúng ta cần năng động hơn, sáng tạo hơn để năm 2023 có thể gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn như lời chúc Tết Quý Mão 2023 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đêm Giao thừa đầu xuân mới 2023.

Với những kết quả đã đạt được ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới, nhất là các mục tiêu đã được Đảng đề ra tại Đại hội XIII?

- Tôi tin 5 năm nữa, 10 năm nữa đất nước ta sẽ đạt được những mục tiêu đề ra tại Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Con đường đi đến đích đó có rất nhiều triển vọng tốt đẹp nhưng khó khăn thách thức cũng rất lớn. Chúng ta cần làm sao để chống sự suy thoái trong Đảng. Bởi tiêu cực vẫn còn và không thể xem thường. 2 năm của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII đã có 10 người rời khỏi Trung ương.

Tôi chưa thấy nhiệm kỳ nào có nhiều người phải rời Trung ương như thế. Nó thể hiện sự quyết tâm, sự nghiêm khắc trong thực thi kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhưng cũng thể hiện rằng một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn phải phấn đấu nhiều mới có thể đảm đương trách nhiệm được giao. Do đó, sắp tới vẫn siết chặt kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhưng phải làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cán bộ lãnh đạo quản lý ý thức được trách nhiệm của mình đối với nhân dân, với đất nước để không để xảy ra sai phạm.

Chúng ta có cơ sở thuận lợi nào để đạt những mục tiêu phát triển đất nước mà Đảng đã đề ra, thưa ông?

- Cơ sở thuận lợi là đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng đã được Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật. Đây là yếu tố đảm bảo cho chúng ta vững vàng đi lên. Trên con đường đúng thì không có gì có thể cản trở được. Sự cản trở chính là sự suy thoái của một bộ phận trong Đảng. Nếu xử lý được vấn đề này sẽ xử lý được “điểm nghẽn” trong lãnh đạo quản lý, đưa đất nước phát triển nhanh hơn.

Bên cạnh đó, cần phải phát huy được các nguồn lực, lợi thế sẵn có. Ví như nguồn lực con người, đất nước ta có gần 100 triệu dân, có 60 triệu lao động. Lực lượng lao động trẻ, khỏe là điều mà các nước trên thế giới mơ ước. Nếu đào tạo và phát huy nguồn lực đó sẽ góp phần vào thúc đẩy phát triển đất nước vì chúng ta còn nhiều dư địa.

Kinh nghiệm của năm 2021 đã giúp cho chúng ta đạt được những kết quả to lớn trong năm 2022. Trong khi thế giới vẫn loay hoay đối phó với lạm phát, suy thoái và dịch bệnh thì chúng ta tăng trưởng rất ấn tượng. Bài học kinh nghiệm đó cần được tổng kết, rút ra để phấn đấu đến năm 2025 gắn với mốc 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Chúng ta hoàn toàn có được cơ sở để củng cố niềm tin và hy vọng về sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/truyen-dat-sau-sac-hon-nua-pho-lich-su-bang-vang-toi-toan-dan-5708377.html