'Truyện kể Đền Đô' của Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách 'Truyện kể Đền Đô' của Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn.
Đình Bảng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa của xứ Kinh Bắc, nơi có di tích quốc gia đặc biệt đền Đô, thờ tám vị vua triều Lý.
Đền Đô nguyên là Thái miếu nhà Lý do Lý Thái Tổ khởi dựng năm 1019, được tu bổ, phục dựng, mở rộng nhiều lần. Ngôi đền là công trình lịch sử, văn hóa tiêu biểu, ghi dấu cuộc đời, công lao to lớn của các vị vua triều Lý - một triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt.
Đền Đô còn là một biểu tượng văn hóa sống động từ bao đời nay, nơi thể hiện đậm nét đời sống tinh thần cộng đồng làng xã, đặc biệt trong những ngày lễ hội được tổ chức vào tháng ba Âm lịch hằng năm.
Lễ hội đền Đô là dịp mỗi người dân Đình Bảng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân, đồng thời khẳng định sức mạnh cố kết cộng đồng dân tộc.
Là một người con của quê hương Đình Bảng, từng tham gia Ban quản lý di tích và hướng dẫn viên du lịch đền Đô trong nhiều năm, từ những nghiên cứu, tìm tòi, trải nghiệm thực tế và tình cảm gắn bó sâu nặng với đền Đô, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn đã biên soạn cuốn sách Di tích lịch sử văn hóa đền Đô.
Trên cơ sở giới thiệu khái quát về vương triều Lý với những dấu ấn nổi bật trong mỗi đời vua trị vì, tác giả đi sâu khảo cứu, miêu tả về đền Đô: kiến trúc, văn bia, lễ hội đền Đô...; những lần Bác Hồ về thăm đền Đô. Bên cạnh đó, tác giả còn giới thiệu về những danh nhân được thờ ở đền Đô, cụm di tích lịch sử văn hóa xung quanh đền Đô, cuộc trở về của hậu duệ nhà Lý từ Hàn Quốc...
Cuốn sách là một tài liệu quý, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đền Đô, giúp các thế hệ mai sau hiểu hơn về lịch sử quê hương, đất nước, ghi tạc công ơn của các bậc tiền nhân, thêm trân trọng và tự hào về truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Tác giả Nguyễn Đức Thìn sinh năm 1940 tại làng Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), là người khởi xướng phong trào "Nghìn việc tốt" từ năm 1963. Phải chống chọi với bệnh phong cùi, ông không chỉ trở thành hiệu trưởng ngôi trường đầu tiên tại trại phong mà còn tiếp tục sự nghiệp giáo dục cho đến ngoài 80 tuổi. Ông được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Anh hùng Lao động vào những năm 1980. Sau khi về hưu, ông tiếp tục công việc sáng tác thơ, viết sách về lịch sử địa phương và là trưởng ban hướng dẫn viên tại khu di tích lịch sử Đền Đô. Ông cũng là tác giả của nhiều bức ảnh nổi tiếng về khu di tích này.