Truyền kỳ Flamma, võ sĩ giác đấu nguyện chết trên chiến trường
Yểu mệnh như phần lớn các đấu sĩ thành Rome thời La Mã cổ đại, nhưng tên tuổi Flamma được lưu truyền đến tận ngày nay bởi những câu chuyện đầy ly kỳ về anh lúc sinh thời.
Flamma được giải thoát khỏi kiếp nô lệ, nhưng anh từ chối làm người tự do để tiếp tục gắn bó với đấu trường Colosseum và chết ở tuổi 30. Vậy Flamma đến từ đâu, và tại sao anh lại làm như thế?
Quá khứ oai hùng
Một nấm mồ tại đảo Sicily (Italia) với bia mộ bị gió sương ăn mòn theo năm tháng là tất cả những gì còn sót lại của một võ sĩ giác đấu vĩ đại có tên Flamma. Anh đến và đi, rồi để lại vô số giai thoại về một chiến binh đầy dũng cảm đúng như cái tên của mình. Flamma nghĩa là ngọn lửa. Anh luôn rực cháy mỗi lần bước chân ra ngoài đấu trường, khiến hàng vạn người theo dõi mê mẩn nhìn vào cuộc chiến sinh tử của anh.
Theo lẽ thường của những trận giác đấu, một võ sĩ vào cuộc chỉ có 2 lựa chọn: Giết đối thủ, hoặc bị giết. Trong 34 cuộc đấu như vậy, Flamma thắng 21 trận, hòa 9, và thua tới 4. Đáng chú ý là trong 4 trận thua, anh đều được miễn tội chết. Điều đó cho thấy phần nào sức hút và tầm ảnh hưởng của Flamma với cả công chúng lẫn giới quý tộc La Mã. Được trả tự do, Flamma vẫn nguyện ở lại chiến đấu cho đến ngày ngã xuống.
Dường như nguyện ước duy nhất trong cuộc đời Flamma là được chết trên đấu trường Colosseum, nơi luôn dậy sóng bởi tiếng ồn của đám đông mến mộ anh. Tìm hiểu về cuộc đời của Flamma, mọi người mới giật mình vì họ biết quá ít thông tin bên lề của võ sĩ này. Anh chỉ có đúng một người chiến hữu tên Delicatus, cũng là người dựng mồ cho anh. Ngoài ra, mọi thứ về Flamma là một màn sương mờ ảo.
Flamma đến từ đâu trước khi nổi tiếng ở La Mã? Câu trả lời đến từ biệt danh mà đám đông dành cho người đấu sĩ - nô lệ này: "Người Syria" Flamma. Khoảng giữa thế kỷ thứ nhất và thứ hai sau Công nguyên, có vẻ Flamma nằm trong số những tù binh chiến tranh người Do Thái bị quân La Mã bắt làm nô lệ từ vô vàn cuộc chiến ở Ai Cập, Macedonia và cả vùng Trung Đông.
Vượt qua hàng trăm cây số đến thành Rome, các nô lệ Do Thái được đưa về để huấn luyện bước vào những cuộc đấu sinh tử mua vui cho giới quý tộc. Nếu không trở thành một chiến binh, lựa chọn duy nhất của Flamma là cái chết với mác "kẻ không ai mong muốn". Flamma sớm thể hiện được tài năng từ những trận luyện tập đánh tay đôi, nên anh nhanh chóng bước vào hàng ngũ của những võ sĩ tiềm năng nhất.
Nói về tài năng của Flamma, dường như anh thiện chiến và liều lĩnh hơn những người khác vì từng lâm vào vô vàn cuộc đấu sinh tử ngay từ khi còn nhỏ. Sinh ra và lớn lên ở Syria, Flamma bước vào vòng xoáy của các cuộc chiến sắc tộc khi mới 14 tuổi. Lên đường tòng quân khi vẫn chỉ là một cậu bé, Flamma hẳn phải tiêu diệt cả trăm kẻ địch mới có thể sống sót khi 580 ngàn đồng hương Do Thái của anh đã bỏ mạng.
Bỏ quá khứ lại phía sau
3 năm tung hoành trên chiến trường, cậu thiếu niên Flamma ngày nào trở thành chàng trai 17 tuổi. Anh rắn rỏi, trưởng thành cũng vì vô vàn biến cố đã trải qua từ khi còn quá nhỏ. Gia đình Flamma không còn ai sống sót, làng quê anh cũng chìm trong biển lửa của cuộc chiến. Bản thân Flamma và các đồng đội cũng chịu cảnh thất trận, trở thành tù binh của quân La Mã. Trở thành võ sĩ giác đấu là lựa chọn duy nhất cho anh để tiếp tục tồn tại.
Trong khi hàng ngàn người bước ra đấu trường để chém giết lẫn nhau và để chết, Flamma gây bất ngờ khi sống sót hết lần này đến lần khác. Anh không chỉ tồn tại qua hàng chục trận đấu, mà còn trở thành một biểu tượng được công chúng thành Rome mến mộ. Ai cũng muốn một lần trong đời được chứng kiến đấu sĩ từ vùng Trung Đông kia so tài, thể hiện kỹ năng của một kẻ từng vượt qua hàng ngàn cuộc chiến để đến La Mã.
Là một thành viên của đoàn người nô lệ từ Syria, Flamma không có diễm phúc trở thành võ sĩ giác đấu chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản ngay từ đầu. Thay vào đó anh phải bước từ vị trí thấp kém nhất, lao vào tiêu diệt cả những người đồng hương nếu không muốn số phận mình kết thúc ở những hố chôn tập thể. Rất ít người có thể sống sót và vượt qua khoảng thời gian ấy, nhưng Flamma đã làm được và rực sáng.
Có vẻ chính xuất thân hèn kém của Flamma càng khiến công chúng La Mã yêu mến anh nhiều hơn. Một võ sĩ bước ra từ phận nô lệ, với những miếng đánh một mất một còn luôn khiến họ ấn tượng hơn hẳn những ai được đào tạo bài bản và chỉ biết giao đấu theo lối sách vở. Mỗi lần bước ra đấu trường của Flamma là một lần anh chuẩn bị tâm trạng để chết, nhưng anh vẫn sống. Flamma tiếp tục tỏa sáng để bước lên những vũ đài cao hơn, với đám đông ngày càng mê mẩn anh hơn.
Ngày trở thành võ sĩ giác đấu ở Colosseum, Flamma được đối xử hoàn toàn khác biệt. Anh không chỉ được cấp cho vũ khí tốt, mà còn có cả áo giáp, mũ trụ để mặc thay vì đầu trần áo vải ra chiến đấu. Quan trọng hơn cả là thức ăn, với chế độ khoa học ngày ba bữa. Anh và những võ sĩ chuyên nghiệp được ăn bánh mì, trái cây, rau và các loại đậu hàng ngày thay vì thường xuyên bị bỏ đói đến cận kề cái chết. Thỉnh thoảng họ còn có thịt để ăn, loại thực phẩm vốn chỉ dành cho giới quý tộc.
Sống và chết
Vì sao Flamma vẫn sống dù từng thua trận đến 4 lần? Câu hỏi ấy khiến chúng ta phải lục lại hồ sơ để tìm ra bản chất của những trận giác đấu thời La Mã cổ đại. Không hẳn cuộc chiến nào cũng diễn ra với kết thúc là một bên phải nhận lấy cái chết. Tùy theo từng sự kiện mà có các cuộc đấu đơn giản hơn nhiều. Người thắng cuộc đôi lúc chỉ cần chém trúng đối phương một nhát đầu tiên thay vì tiêu diệt hẳn.
Flamma có vẻ đã thua những cuộc chiến như thế, nhưng điều quan trọng hơn khiến anh tiếp tục được sống là tỷ lệ thắng thua. Anh kinh qua hàng chục trận chiến nhưng tỷ lệ thất bại chỉ xấp xỉ 10%, và chiến thắng đến hai phần ba trong số đó. Lý do ấy khiến những quý tộc bỏ tiền đào tạo Flamma thành võ sĩ giác đấu cũng phải đắn đo cân nhắc giữ lại anh. Đào tạo một người như Flamma rất tốn kém, nên không ai muốn mất anh cả.
Dù vậy, điều ấn tượng nhất về Flamma khiến công chúng phải dán chặt ánh mắt vào anh là lựa chọn từ bỏ tự do. Có danh tiếng và kinh nghiệm trận mạc, Flamma được phép thoát khỏi kiếp nô lệ để trở thành công dân thành Rome, nhưng anh lại từ chối vinh dự đó. Anh tiếp tục sống kiếp của một võ sĩ giác đấu La Mã để cuối cùng chết trên đấu trường ở tuổi 30, trong thân phận của một nô lệ thấp kém.
Với những võ sĩ giác đấu có tên tuổi như Flamma, họ thường kiếm được rất nhiều tiền sau mỗi trận thắng. Số tiền đó được họ bỏ ra để mua lấy sự tự do cho bản thân, hoặc đầu tư kinh doanh ra bên ngoài, có những trường hợp dùng cả tiền đó đặt cược cho chính bản thân mình ở những trận giác đấu sau này. Những ai muốn chọn cuộc sống ổn định hơn thì trở lại trường để làm thầy dạy các võ sĩ trong tương lai.
Trong trường hợp của Flamma, danh tiếng có thể giúp anh trở thành hầu cận của một vị quý tộc, thậm chí đứng kế bên nhà vua trong mỗi lần triều chính. Nhưng anh lại bỏ qua tất cả để tiếp tục liều mạng trên chiến trường, với đao và kiếm luôn gắn chặt trên lưng. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tình yêu sâu nặng với quê hương, nơi khiến anh có biệt danh "Người Syria" Flamma. Anh muốn trở lại nơi mình thuộc về, nên nguyện chết ở đất khách quê người nếu không làm được điều đó.
Ngày ngã xuống, Flamma vẫn giữ danh xưng “Người Syria” chứ không phải một công dân La Mã. Cái chết của một đấu sĩ từng từ bỏ tự do để nguyện cống hiến cho đấu trường càng khiến cái tên của Flamma mang nhiều sắc màu huyền bí trong lịch sử.
Sự trung thành và tình nghĩa của Flamma dành cho quê hương anh càng khiến những bậc quý tộc La Mã nể trọng hơn. Bia mộ Flamma vẫn còn đó sau gần hai thiên niên kỷ vật đổi sao dời, như một minh chứng hùng hồn về sức ảnh hưởng của một con người lịch sử.