Truyền 'lửa' đam mê môn Hóa học

Cô Phạm Thị Hồng Hạ, giáo viên Hóa học, Trường THCS Lương Thế Vinh (Đan Phượng, Hà Nội) đã 17 năm gắn bó với nghề.

Cô Phạm Thị Hồng Hạ (giữa) cùng học sinh trong CLB Hóa học nhà trường. Ảnh: Đình Tuệ

Cô Phạm Thị Hồng Hạ (giữa) cùng học sinh trong CLB Hóa học nhà trường. Ảnh: Đình Tuệ

Trên hành trình dạy học, cô luôn truyền đến học trò “lửa” đam mê môn Hóa bằng nhiều phương pháp sáng tạo, thiết thực.

Sáng tạo từng tiết dạy

Giảng dạy môn Hóa học, cô Hạ luôn trăn trở làm sao để học trò vừa được trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng vững vàng, vừa có bản lĩnh, nghị lực để sẵn sàng hội nhập cùng thế giới. Điều đó khiến cô không ngừng hoàn thiện bản thân, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ thông qua hàng loạt hoạt động như: Bồi dưỡng chuyên môn, rèn luyện 10 thói quen tốt của giáo viên hạnh phúc, tham gia tập huấn về STEM, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học (CNTT). Các lớp học kết nối, phương pháp dạy học tích cực, “chiến binh” văn hóa đọc, giáo dục trí tuệ cảm xúc... cô đều bố trí thời gian học hỏi, bồi dưỡng thêm.

Trong thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, nhằm nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến môn Hóa, cô Hạ áp dụng quy tắc “5T”. Trong đó chú trọng tinh giản nội dung, trang thiết bị phù hợp, tích cực tương tác qua các phần mềm dạy học, tăng cường tính tự học và thấu hiểu học sinh.

Để học sinh tích cực phát biểu, bật camera suốt quá trình học, cô sử dụng chiến thuật “tích sao đổi phần thưởng”. Theo đó, khuyến khích học tập khi mỗi câu trả lời đúng, có câu hỏi hay, bật camera quá trình học… đều “thưởng” sao. Cuối tuần, học sinh thống kê số sao để đổi lấy phần thưởng. Cô Hạ cũng tự làm và quay các thí nghiệm Hóa học phục vụ việc giảng dạy. Với thí nghiệm mang tính độc hại, khó thành công, cô thiết kế thí nghiệm ảo và được học trò hào hứng đón nhận.

Giúp học sinh hứng thú môn Hóa học khi trở lại học trực tiếp, cô Hạ tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa “kéo” các em tham gia như: Hóa học vui; Rung chuông vàng Hóa học. Qua đó học sinh được làm thí nghiệm vui, xây dựng và đóng tiểu phẩm đậm chất “hóa học”; thiết kế, trình diễn thời trang về các nguyên tố hóa học, hoạt động trải nghiệm STEM.

Với sự hướng dẫn của cô Hạ và từ kiến thức đã học, học sinh được thực nghiệm với giáo dục STEM một cách tự nhiên, hiệu quả khi tự tay làm xà phòng bánh, nước rửa tay sát khuẩn, giấm ăn từ các loại quả... Ban đầu, các em còn lúng túng nhưng càng thực hành càng đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm quý, tự tin tạo ra những sản phẩm hoàn thiện.

Là người trực tiếp quản lý nhà trường, gắn bó với quá trình dạy học, nỗ lực... của cô Phạm Thị Hồng Hạ, cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh đã đánh giá cao sự chuẩn mực trong chuyên môn, kinh nghiệm chủ nhiệm lớp của cô Hạ.

“Do ảnh hưởng của học trực tuyến kéo dài cùng việc học sinh tiếp xúc nhiều mạng xã hội; áp lực học hành, thi cử… dẫn tới nhiều em không kiểm soát được cảm xúc, hành vi, có biểu hiện tiêu cực trong suy nghĩ, hành động. Nắm bắt tốt cảm xúc của học trò, cô Hạ đã lựa chọn phương pháp giáo dục, cách giải quyết phù hợp, nhanh chóng giúp nhiều học sinh kịp thời cân bằng, lấy lại trạng thái…”, cô Thúy dẫn minh chứng về một trong những thành công của đồng nghiệp.

Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (Đan Phượng, Hà Nội) trong hoạt động STEM làm xà phòng. Ảnh: Đình Tuệ

Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (Đan Phượng, Hà Nội) trong hoạt động STEM làm xà phòng. Ảnh: Đình Tuệ

Giúp học trò tìm giá trị bản thân

Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (Đan Phượng, Hà Nội) cũng cho hay, cô Phạm Thị Hồng Hạ đã và đang áp dụng thành công “kĩ năng coaching” vào tham vấn học sinh. Theo đó, thầy cô không phải là người áp đặt suy nghĩ mà khơi gợi bằng các câu hỏi để thấu cảm, dẫn dắt các em tìm ra mấu chốt vấn đề, để học sinh tự đưa ra quyết định, tự tìm câu trả lời cho chính mình. Từ kĩ năng này, cô Hạ đã giúp học trò giải quyết hiệu quả những vướng mắc trong học tập, cuộc sống, tình bạn, tình yêu tuổi học đường.

Mặt khác, để giúp học sinh tăng động lực, mục tiêu trong học tập, rèn luyện và thấy được ý nghĩa, giá trị của cuộc sống, cô Hạ cho các em trải nghiệm hoạt động “Đi tìm giá trị đích thực của bản thân”. Qua phương pháp giáo dục khoa học học trò nhận ra điều mong muốn cốt lõi của bản thân và cũng là những giá trị đích thực của các em…

Từ sự lan tỏa những điều tốt đẹp, những kiến thức và kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân ở các lĩnh vực đến lan tỏa “Ứng dụng trí tuệ cảm xúc trong giáo dục học sinh” đã giúp cô Hạ giảng dạy luôn đạt và vượt chỉ tiêu, lớp chủ nhiệm luôn dẫn đầu các phong trào thi đua của trường, nhiều năm liền đạt danh hiệu lớp xuất sắc, học sinh từng bước kiểm soát được cảm xúc cá nhân…

Luôn quan tâm, sát sao với việc học của con, chị Võ Thị Minh Nhã, phụ huynh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần cống hiến, tâm huyết, sáng tạo của cô giáo Phạm Thị Hồng Hạ.

“Tôi tận mắt chứng kiến sự quan tâm, tinh tế và trách nhiệm cùng học trò, công việc của cô Hạ. Đặc biệt, với những học sinh hoàn cảnh đặc biệt, chịu ảnh hưởng tâm lý từ gia đình, cô Hạ luôn nhẹ nhàng hỏi han, tâm sự để chia sẻ những nỗi buồn cho trò. Cô Hạ cũng không khi nào trách mắng học sinh mắc lỗi trước lớp, mà áp dụng phương pháp gặp riêng để phân tích, giảng giải giúp học sinh nhận ra lỗi lầm và không tái phạm. Điều này thể hiện sự tinh tế, khéo léo trong ứng xử, giáo dục của giáo viên”, chị Nhã chia sẻ.

Nguyễn Thế Hiển, học sinh lớp 9B Trường THCS Lương Thế Vinh lại cho hay, nhờ cô Hạ mà bản thân em và các bạn đã dần có đam mê với môn Hóa học. Dù học đều các môn nhưng đến tiết Hóa học, Hiển và các bạn luôn hào hứng bởi được trải nghiệm nhiều hoạt động, trò chơi cô đưa ra. Thông qua những thí nghiệm vui và tự làm các sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống càng giúp học sinh tăng động lực học tốt môn học.

Với chuyên môn vững vàng, sự quan tâm, dìu dắt, yêu thương học trò chân thành… cô giáo Phạm Thị Hồng Hạ xứng đáng nhận được sự tin tưởng, quý mến từ đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh và cựu học sinh. Tâm huyết và những cống hiến không nhỏ của cô Hạ cho trường lớp, học trò đã và đang góp phần không nhỏ vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt khi toàn ngành bước vào triển khai Chương trình GDPT 2018, những đổi mới, sáng tạo của cô Nhã càng cần thiết để lan tỏa tới đồng nghiệp và học trò.

Các danh hiệu và thành tích cô Phạm Thị Hồng Hạ đã đạt được: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 3 năm học liên tiếp từ 2016 đến nay. Lao động Tiên tiến 3 năm liên tiếp từ 2017 đến nay. Chứng nhận danh hiệu: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” năm 2018. Giải Ba cấp huyện giáo viên dạy giỏi môn Hóa năm 2018 - 2019. Giải Khuyến khích cấp thành phố cuộc thi “Thiết kế bài giảng E-learning” năm học 2016 - 2017. Giải Nhất thi thiết kế bài giảng điện tử và phần mềm dạy học cấp huyện lần thứ V năm học 2020 - 2021. Giải Xuất sắc cấp huyện “Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo”. Giải thưởng 10 giáo viên tiêu biểu tâm huyết, sáng tạo cấp thành phố năm 2022.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-lua-dam-me-mon-hoa-hoc-post623388.html