Truyền lửa đam mê văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ
Tuyên Quang là vùng đất đa dân tộc, đa sắc màu văn hóa. Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Hiện nay, các thế hệ trẻ đang tiếp tục gìn giữ kho báu ngàn đời của dân tộc bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể.
Đồng bào dân tộc Sán Dìu ở các xã Ninh Lai, Thiện Kế (Sơn Dương) bảo tồn văn hóa đặc sắc của dân tộc thông qua trang phục, tiếng nói, làn điệu dân ca dân vũ, đặc biệt là di sản hát Soọng cô. Để gìn giữ di sản này, những người Sán Dìu đã đau đáu làm sao để gìn giữ di sản cho đời sau. Việc thành lập Câu lạc bộ Hương Sắc xã Thiện Kế làm một trong những giải pháp bước đầu. Các thành viên câu lạc bộ gồm nhiều thế hệ, trong đó người cao tuổi nhất đã ngoài 80, người ít tuổi nhất mới 9, 10 tuổi. Cháu Tạ Thị Linh năm nay học lớp 5 đã có thể hát thành thục một số bài Soọng cô và tự tin biểu diễn trong các buổi liên hoan văn nghệ. Linh chia sẻ, qua các bà, các mẹ cháu được biết Soọng cô là làn điệu truyền thống của dân tộc nhưng hiện nay, số người biết hát ngày càng ít đi. Được các bà khích lệ, động viên cháu đã chăm chỉ học hát. Càng hát tìm hiểu cháu càng thấy yêu Soọng cô hơn. Trong câu lạc bộ có cháu và 1 bạn nữa cũng được các bà thường xuyên cho đi giao lưu văn nghệ với ở thôn, xã và huyện. Chúng cháu vui và tự hào lắm.
Cũng giống như đồng bào Sán Dìu, đồng bào Tày hiện nay đã thành công trong việc lưu giữ, quảng bá di sản văn hóa Then, hát Quan làng... Theo bà Kiều Lan Thiên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thái Sơn, để gìn giữ bản sắc văn hóa Tày, Hội chú trọng việc việc phục dựng nghi lễ truyền thống như đám cưới, gìn giữ di sản Then, hát Quan làng… Đặc biệt, Hội kêu gọi mỗi gia đình truyền dạy văn hóa truyền thống như trang phục, làn điệu Then, Cọi, hát Quan làng cho các cháu nhỏ trong gia đình. Phía tổ chức Hội, khi có sự kiện cũng thường cho các cháu nhỏ tham gia biểu diễn, qua đó khích lệ tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc thành lập các câu lạc bộ là giải pháp mà nhiều địa phương thực hiện. Bà Trần Thị Thu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa Cao Lan, thôn 15, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết: Câu lạc bộ hiện có 10 cháu nhỏ đều đam mê văn hóa Cao Lan. Dưới sự hướng dẫn của những người cao tuổi, đến nay nhiều cháu có thể biểu diễn thuần thục một số bài Sình ca, cùng tham gia múa một số điệu truyền thống. Trong tương lai, các cháu chính là thành viên nòng cốt của câu lạc bộ, góp phần gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa Cao Lan. Cháu Trần Thảo My, thành viên câu lạc bộ phấn khởi nói: Ngoài giờ học trên lớp, cứ có thời gian là cháu lại cùng các bà tham gia sinh hoạt câu lạc bộ. Cháu được học hát, học múa và giờ có thể biểu diễn một số bài hát Sình ca. Cháu rất yêu làn điệu Sình ca mong muốn nhiều bạn cùng trang lứa biết đến làn điệu truyền thống của dân tộc mình.
Truyền lửa đam mê văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ là cách làm quan trọng góp phần bảo tồn, phát triển kho tàng văn hóa trong cộng đồng dân tộc.