Truyền lửa hào khí Diên Hồng vào hoạt động các cơ quan quyền lực
Lần đầu tiên tổ chức, Giải thưởng Báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND mang tên giải Diên Hồng đã thu hút lượng lớn tác phẩm tham gia của những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước. Theo các tác giả được nhận giải thưởng, giải Diên Hồng đã hoàn thành trọn vẹn thông điệp gửi tới cử tri và nhân dân. Đó chính là truyền lửa hào khí Hội nghị Diên Hồng năm xưa vào hoạt động của Quốc hội và HĐND; góp phần củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước trao gửi tới các cơ quan quyền lực Nhà nước và tới từng đại biểu dân cử do mình tin tưởng bầu ra.
Tác giả Lê Văn Hiệp, Báo Thanh Niên, Giải A thể loại Báo In:
Góp phần củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân vào hoạt động của Quốc hội
Phát biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh hoạt động giám sát là một nội dung trọng tâm, then chốt để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Thực tế hoạt động từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội đã coi giám sát là trọng tâm đổi mới trong hoạt động, tạo ra những hiệu quả thiết thực. Qua đó, không chỉ đóng góp quan trọng vào việc xây dựng chính sách pháp luật mà còn góp phần giải quyết những sự việc cụ thể đã tồn đọng trong thời gian dài chưa xử lý được, củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân vào hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Tích cực hướng ứng và tham gia Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND (giải Diên Hồng), Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã chọn chủ đề về những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội để làm rõ hơn những đổi mới thiết thực, hiệu quả từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay. Triển khai loạt bài: Để hoạtđộng giám sát của Quốchộithực sự hiệu lực, hiệu quả, chúng tôi đã đi từ cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - cuộc giám sát được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm, diễn ra trên quy mô rất lớn và được đánh giá là chưa có tiền lệ. Chúng tôi muốn tìm hiểu từ thực tế sau cuộc giám sát này có những thay đổi gì tích cực trên thực tế; những nội dung, vấn đề nào vẫn chưa có chuyển biến, vướng mắc để tiếp tục phản ánh, kiến nghị.
Bên cạnh đó, quá trình thông tin tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, chúng tôi cảm nhận rõ những đổi mới thiết thực trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội. Đơn cử như việc lần đầu tiên Quốc hội ban hành nghị quyết về nội dung giám sát đồng thời ban hành Nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát, có chương trình, kế hoạch cụ thể. Quá trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1 buổi làm việc với đoàn giám sát, cho ý kiến về bước đầu báo cáo kết quả giám sát… Đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giúp cho hoạt động giám sát chất lượng hơn. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, hoạt động giám sát phải gắn với trách nhiệm cụ thể, đó là trách nhiệm giải trình để làm sáng tỏ hơn những vấn đề đặt ra.
Tất cả những đổi mới, điểm nhấn nổi bật trong cách thức triển khai hoạt động giám sát của Quốc hội đã mang lại hiệu quả thiết thực trên thực tế đều đã được phản ánh rõ nét trong loạt bài dự giải: Để hoạtđộng giám sát của Quốchộithực sự hiệu lực, hiệu quả.
Tác giả Lê Hồng Hạnh, cộng tác viên Báo Đại biểu Nhân dân, đồng giải B, thể loại Báo In:
Thể hiện sức hút mạnh mẽ của đề tài Quốc hội, HĐND
Việc đặt tên cho Giải Báo chí về Quốc hội và HĐND là giải Diên Hồng mang một ý nghĩa rất đặc biệt; như chúng ta đã biết, tên Diên Hồng xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử gắn liền với sự kiện khi quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, vua Trần Nhân Tông đã mở Hội nghị Diên Hồng (Hội nghị mở tại điện Diên Hồng) để hỏi ý kiến bô lão (người cao tuổi) cả nước về chủ trương “hòa hay chiến” vào tháng Chạp năm Giáp Thân (1284). Với quyết tâm giữ nước, các bô lão đã đồng thanh “nên đánh”, ý chí đó đã kết thành hào khí non sông giúp vua cầm quân thắng giặc, viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc. Việc vua Trần Nhân Tông mời các bô lão trong cả nước để hỏi ý kiến là biểu hiện của tinh thần đoàn kết thống nhất thông qua những đại biểu đại diện có uy tín, ưu tú nhất để bàn kế sách chống giặc.
Tinh thần của Hội nghị Diên Hồng trở thành tinh thần đoàn kết thống nhất toàn dân tộc trong mọi hoàn cảnh, thể hiện ý chí của toàn dân đồng lòng, chung sức. Danh xưng Diên Hồng cũng được trang trọng đặt tên cho phòng họp chính của Tòa nhà Quốc hội Việt Nam hiện nay là phòng họp Diên Hồng - lấy hào khí của các bô lão năm xưa trong cả nước tề tựu cùng vua tôi nhà Trần bàn kế sách đánh giặc; đó cũng là thể hiện ý nghĩa sâu sắc về tinh thần đại đoàn kết toàn dân, dân chủ, tôn trọng ý kiến nhân dân thông qua cơ chế đại diện.
Giải thưởng Báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND mang tên giải Diên Hồng không chỉ là Giải thưởng báo chí phản ánh nét riêng bản sắc của Quốc hội và HĐND, mà còn thể hiện hào khí của Hội nghị Diên Hồng năm xưa trong từng tác phẩm tham dự. Qua hoạt động của Quốc hội và HĐND với trọng trách là cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vong và quyền làm chủ của nhân dân.
Theo dõi hành trình của Giải cũng như tiếp cận một số tác phẩm báo chí tham gia Giải, tôi thấy mặc dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng Giải đã thu hút một lượng lớn tác phẩm tham gia với hơn 3.000 tác phẩm của 180 cơ quan báo chí trong cả nước. Điều này minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của Đề tài Quốc hội, HĐND đối với những người làm báo chuyên và không chuyên trên cả nước hiện nay.
Đọc những tác phẩm tham dự giải, độc giả như được trải nghiệm thực sự trong hoạt động của cơ quan dân cử, những trăn trở, vướng mắc thậm chí là “điểm nghẽn” được mổ xẻ, phân tích đều trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc chứ không khô khan như một số người lầm tưởng. Như khi đọc tác phẩm Giải pháp nào nâng cao hiệu quả của Quốc hội của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam? Hay như tác phẩm truyền hình “Từ Diên Hồng đến Tân Trào” của nhóm tác giả Đài Phát thanh Truyền hình Quân đội nhân dân; chùm 5 kỳ của loạt bài: Đại biểu HĐND ở đâu khi xảy ra các vụ việc sai phạm ở cơ sở? của Báo Đại biểu Nhân dân.
Là một đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, tôi thấy ngoài hoàn thành mục tiêu đề ra như Kế hoạch tổ chức, giải Diên Hồng lần thứ Nhất đã hoàn thành thật trọn vẹn một thông điệp gửi tới cử tri và nhân dân; đó chính là truyền lửa hào khí Hội nghị Diên Hồng năm xưa vào hoạt động của Quốc hội và HĐND; thống nhất ý chí, nguyện vọng của nhân dân vì một Việt Nam giàu mạnh, giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiến sĩ Hoàng Thị Lan, cộng tác viên Báo Đại biểu Nhân dân, giải C, thể loại Báo In:
Truyền tải thông điệp Quốc hội và HĐND đồng hành, gắn kết
Tham dự Lễ trao giải Diên Hồng lần thứ Nhất, ấn tượng với tôi đó là tấm lưng còng của người mẹ bên di ảnh con trai, là lời cảm ơn, những giọt nước mắt của một người vợ sau bao nhiêu năm oan ức nay đã được gỡ bỏ. Bên cạnh lời ca tiếng hát, những tiếng vỗ tay và lời chúc mừng, phóng sự về tác phẩm: “Thường vụ Quốc hội giám sát, khép lại 43 năm tìm lại tên cho Liệt sỹ Trần Đình Thi” của Báo điện tử Vietnamnet để gửi gắm tới các cơ quan, các đại biểu dân cử; giải Diên Hồng đã vượt ra ngoài mục đích tuyên truyền, ghi nhận và tôn vinh hiện tại mà còn là mong muốn ở tương lai. Cử tri, nhân dân cả nước đang mong đợi, kỳ vọng rất lớn ở Quốc hội và HĐND các cấp - các cơ quan quyền lực Nhà nước.
Lễ trao giải Diên Hồng lần thứ nhất và Lễ phát động giải Diên Hồng lần thứ hai đã được lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo thực hiện trang nghiêm, trọng thể trong dịp lễ kỷ niệm 98 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam; cũng là thời điểm cử tri và nhân dân cả nước đang hướng về Hội trường Diên Hồng, nơi diễn ra Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV. Những giá trị lan tỏa từ giải Diên Hồng lần thứ Nhất đã góp phần củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước trao gửi tâm tư nguyện vọng của mình tới Quốc hội, HĐND và tới từng đại biểu dân cử do mình tin tưởng bầu ra.
Có thể thấy, từ cách đặt tên tới việc xác định nội dung, chủ đề của giải Diên Hồng đã hướng tới việc truyền tải thông điệp: Quốc hội và HĐND đồng hành trên hành trình xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Khi đó lợi ích, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân được bảo đảm thực hiện.Thông điệp đó đã được các cơ quan báo chí, các tác giả thể hiện qua hơn 3.000 tác phẩm dự thi của 171 cơ quan báo chí trong và ngoài nước, được Ban Giám khảo đánh giá đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức thể hiện.