Truyền lửa khát vọng cống hiến - Bài 9: Đặt mình ở vùng không an toàn

Từng là một người kém về công nghệ, nhưng nữ TS Hà Thị Thanh Hương (SN 1989) đã nghiên cứu thành công dự án Brain Analytics, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, trong vòng 7 giờ. Với chị, kết quả đó đến từ việc đặt mình vào vùng không an toàn để bứt phá vươn lên.

Sản phẩm có thể áp dụng rộng rãi

TS. Hà Thị Thanh Hương hiện là trưởng bộ môn Y học tái tạo, Trưởng phòng Thí nghiệm sức khỏe não bộ, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG HCM). Năm 23 tuổi, chị Hương nhận học bổng nghiên cứu sinh chuyên ngành Thần kinh học tại ĐH Stanford (Mỹ). Sau 6 năm học tập, nghiên cứu, hoàn thành chương trình tiến sĩ, chị quyết định trở về nước làm việc, cống hiến với khát khao tìm kiếm giải pháp thay đổi thực trạng chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu chị Hương nhận thấy, căn bệnh Alzheimer đang ngày càng phổ biến và trở thành gánh nặng của nền y tế. Đây là một căn bệnh gây tử vong cao nhất ở người lớn tuổi. Trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam rất nhanh (đứng thứ 7 thế giới), hướng nghiên cứu về Alzheimer ngày càng trở nên cấp thiết. Vì thế, từ năm 2018, khi mới trở về Việt Nam, chị đã tìm cách kết nối, trao đổi với nhiều bác sĩ ở các bệnh viện để tìm hiểu về thực trạng nghiên cứu, điều trị căn bệnh Alzheimer.

Quá trình tìm hiểu chị Hương mới biết, năm 2018 cả nước chỉ có khoảng 10 trung tâm có khả năng chẩn đoán bệnh lý về sa sút trí tuệ, trong khi đó, theo số liệu điều tra có 5% - 6% những người trên 60 tuổi mắc bệnh. “Thực tế đó thôi thúc tôi phải kiên trì, nỗ lực nghiên cứu tìm ra giải pháp sao phù hợp với cơ sở vật chất bệnh viện, tâm lý bệnh nhân và quy trình làm việc của bác sĩ”, nữ tiến sĩ chia sẻ.

TS. Hà Thị Thanh Hương (bìa phải), giảng viên Trường ĐH Quốc tế cùng cộng sự bàn giải pháp triển khai đề tài nghiên cứu.

TS. Hà Thị Thanh Hương (bìa phải), giảng viên Trường ĐH Quốc tế cùng cộng sự bàn giải pháp triển khai đề tài nghiên cứu.

Từ sự trăn trở đó, chị cùng nhóm cộng sự thực hiện dự án nghiên cứu Brain Analytics. Phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo - AI để phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh (trong vòng 7 giờ đồng hồ). Sản phẩm có khả năng áp dụng rộng rãi, giá thành phù hợp với thu nhập của người Việt.

TS. Hương cho biết, hiện phần mềm đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%. Dự án đã ứng dụng công nghệ trong giải quyết các bài toán y khoa. Phần mềm này đã được các bác sĩ và sinh viên y khoa thuộc 8 bệnh viện trên toàn quốc trải nghiệm và đánh giá; 80% trong số họ hài lòng với những tính năng mà phần mềm mang lại. Đặc biệt, dự án Brain Analytics đã kết nối được với gần 300 y bác sĩ tại 42 bệnh viện khắp cả nước.

Dù đi con đường nào cũng cần nỗ lực

Hiện, nữ TS. Hà Thị Thanh Hương sở hữu “khối tài sản” nghiên cứu đáng ngưỡng mộ với 15 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế, trong nước; 10 bài báo đăng trên hội thảo quốc tế Q4 (5 bài là tác giả chính); 2 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc tế.

TS. Hà Thị Thanh Hương đạt các giải thưởng Phụ nữ tương lai Đông Nam Á 2023 (Women of the Future Awards Southeast Asia 2023); giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2023; nhà giáo tiêu biểu toàn quốc 2023; công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2023... Chị là một trong 20 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.

“Một số người hỏi vì sao có thể theo đuổi nghiên cứu khó khăn muôn trùng như vậy? Đúng là nghiên cứu khó thật, nhưng may mắn tôi luôn có sự đồng hành, chia sẻ của thầy, cô giáo, các cộng sự và đồng nghiệp. Gia đình luôn là chỗ dựa, là nguồn động viên vô cùng lớn để tôi vượt qua khó khăn, đạt được thành công trong sự nghiệp”, TS. Hương chia sẻ.

Theo nữ tiến sĩ, phụ nữ thế kỷ 21 có rất nhiều lựa chọn về nghề nghiệp. “Sẽ không còn nhiều người đánh giá bạn nếu bạn chọn làm cầu thủ bóng đá, luật sư, hay nghiên cứu khoa học... Nhưng không có nghĩa là con đường bạn đi ít gian nan, ít thử thách. Dù chọn đi trên bất kỳ con đường nào, mỗi chúng ta đều cần nỗ lực, cố gắng không chỉ cho bản thân và còn cho những thế hệ mai sau”, nữ tiến sĩ chia sẻ.

Nhắn nhủ đến các bạn trẻ, chị Hương cho rằng: “Khi quyết tâm thực hiện dự án, công việc nào đó, các bạn đừng nghĩ mình không có năng khiếu, vì việc một người có đi đến đích thành công hay không thì năng khiếu chỉ là một phần nhỏ, còn sự nỗ lực đóng vai trò rất quan trọng”.

Trước đây, TS. Hương học chuyên về Sinh học. Từ khi đi theo con đường nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chị đã nỗ lực học từng ngày. “Khi đặt bản thân ra vùng không an toàn, bắt buộc mình phải nỗ lực phát triển liên tục để vượt lên giới hạn bản thân, chinh phục các mục tiêu đã đặt ra”, TS. Hương nói thêm.

LƯU TRINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/truyen-lua-khat-vong-cong-hien-bai-9-dat-minh-o-vung-khong-an-toan-post1618309.tpo