'Truyền lửa' trên các công trình trọng điểm quốc gia
Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ tại công trường, trực tiếp khảo sát thực địa và sâu sát, quyết liệt giải quyết các vướng mắc trên các công trình trọng điểm quốc gia đã trở thành nguồn cảm hứng lớn, lan tỏa động lực cho các dự án về đích.
Sâu sát, lắng nghe và thấu hiểu
Các công trình trọng điểm quốc gia không chỉ là động lực trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là biểu tượng cho tinh thần đổi mới, sáng tạo của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) đã thường xuyên có mặt trên công trường các dự án để kiểm tra, động viên, đôn đốc với tinh thần cùng các địa phương, doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Giữa tháng 2/2024, chủ trì Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng cho biết, cả nước đang thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, trong đó có động lực về đầu tư. Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%. Theo Thủ tướng, việc tập trung giải ngân đầu tư công, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistics cho DN, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, DN và nền kinh tế; tạo không gian phát triển mới, vì đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó. Mỗi công trình giao thông đều mang sứ mệnh riêng, chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nhưng tựu trung lại đều rất quan trọng và là đột phá chiến lược.
Ngay trong những ngày đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình hạ tầng giao thông. Không chỉ dừng lại ở các văn bản chỉ đạo từ xa, Thủ tướng còn đích thân đến từng địa bàn để kiểm tra tiến độ thi công, lắng nghe các công nhân, kỹ sư và người dân để hiểu rõ tình hình thực tế, ghi nhận những khó khăn, thách thức mà họ gặp phải, đồng thời trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh tại các công trình. Chính điều này đã giúp người đứng đầu Chính phủ có những quyết sách kịp thời và hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế. Sự quyết liệt của ông thể hiện rõ qua việc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, giấy phép cũng như các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực và tài chính.
Các chuyến công tác của Thủ tướng tới các công trình như cao tốc Bắc - Nam, đường dây 500kV mạch 3, sân bay Long Thành,… không chỉ là sự động viên tinh thần, mà còn thể hiện rõ quan điểm “nói đi đôi với làm” của người đứng đầu Chính phủ. Tại mỗi điểm đến, Thủ tướng luôn nhấn mạnh yêu cầu về tiến độ, chất lượng và hiệu quả, đồng thời yêu cầu không được để xảy ra tình trạng “làm cho xong”. Ngay trong hai ngày mùng 3 và mùng 4 Tết Giáp Thìn, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kiểm tra, chúc Tết tại 5 dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên, khích lệ người lao động.
Một trong những điểm nổi bật trong cách làm việc của Thủ tướng là sự sâu sát trong việc kiểm tra từng chi tiết nhỏ của dự án. Ông luôn đặt câu hỏi về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng (GPMB), vật liệu đắp nền, giải pháp kỹ thuật, quy trình thi công và thường xuyên yêu cầu phải đền bù thỏa đáng, đúng pháp luật cho người dân đã nhường đất cho dự án. Đơn cử, khi kiểm tra dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 (ngày 24/9/2024), Thủ tướng nhấn mạnh, đây là công trình biểu tượng của nhiệm kỳ này và yêu cầu phải cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2025, nhưng đồng thời phải đảm bảo quyền lợi của người dân trong công tác GPMB.
“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Vào những ngày cuối năm, dù công việc bộn bề, Thủ tướng vẫn đích thân tới kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (ngày 3/12). Đây là lần thứ 5, Thủ tướng kiểm tra hiện trường dự án này (sau dịp Tết các năm 2022, 2023, 2024 và tháng 9/2024).
Biểu dương các cán bộ, công nhân thi công trên công trường, đánh giá tiến độ triển khai dự án đạt nhiều kết quả rất tích cực; hình hài công trình đã ngày càng rõ nét; tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng việc triển khai công việc tổng thể trên công trường còn có những điểm rời rạc, chưa nhịp nhàng. Thời gian tới, với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”, Thủ tướng yêu cầu tất cả các công việc phải hoàn thành trước 31/12/2025 và đưa sân bay Long Thành vào khai thác trước 28/2/2026. Song song với tiến độ, phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn lao động, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường và đời sống người dân.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm để nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, làm việc trên tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên thứ Bảy, Chủ nhật, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; nghiên cứu, phát huy tinh thần “thần tốc”, các kinh nghiệm quý trong triển khai xây dựng đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Hơn 10 ngày sau, Thủ tướng lại đi kiểm tra, đôn đốc 2 dự án cao tốc trục ngang và trục dọc tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm tuyến Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không thay đổi tiến độ, tới 31/12/2025 phải thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (từ Cao Bằng - Lạng Sơn đến Cà Mau). Đây là mệnh lệnh của trái tim, yêu cầu của đất nước, trông đợi của Nhân dân. Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh quan điểm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; cấp ủy và chính quyền phải có trách nhiệm, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các đoàn thể vào cuộc, người dân tham gia, DN ủng hộ, với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, không để nhà thầu, ban quản lý dự án cô đơn trên công trường. Những phần việc có thể làm thủ công thì các lực lượng thanh niên, quân đội, công an… tích cực tham gia thực hiện. Các địa phương, đoàn thể, cơ quan cần tích cực hưởng ứng đợt cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”.
Cách tiếp cận sâu sát và quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ giúp các dự án quan trọng của đất nước đạt được những bước tiến cụ thể, mà còn truyền cảm hứng và niềm tin cho toàn xã hội. Những bài học về tinh thần trách nhiệm, sự đổi mới trong tư duy quản lý và quyết tâm thực hiện sẽ là động lực to lớn để Việt Nam vượt qua các thách thức, hướng tới một tương lai phát triển bền vững và toàn diện.
Tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” và phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi” đã khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hiện thực hóa khát vọng xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đưa đất nước vươn lên tầm cao mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
“Quyết tâm làm và biết cách làm thì sẽ làm được”
Nhờ tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, cuối tháng 8/2024, công trình đường dây 500kV mạch 3 với quy mô gần 1 tỷ USD được khánh thành sau hơn 6 tháng thần tốc thi công, trong khi dự án với quy mô tương tự thường mất từ 2 - 3 năm. Dự án này đã trở thành hình mẫu điển hình, tạo động lực, truyền cảm hứng trong triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia với cách làm mới, tư duy mới, điều hành mới, là minh chứng sinh động của việc “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các dự án này, (tháng 12/2024), Thủ tướng chỉ rõ, công trình cho thấy không có gì là không thể, chỉ là có quyết tâm làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có biết cách làm hay không. “Trong quá trình làm việc, sẽ có những người bàn làm và có người bàn lùi, có những người quyết tâm và có người không quyết tâm, nhưng đại đa số quyết tâm làm và biết cách làm thì sẽ làm được”, Thủ tướng nhấn mạnh.