Truyện ngắn: Bước tới nắng tinh khôi

Đã quá nửa đêm, tôi vẫn không sao chợp mắt được. Tiếng tích tắc của kim đồng hồ rõ mồn một bên tai và hình như mỗi lúc càng âm vang hơn.

Minh họa: Vietpink

Minh họa: Vietpink

Tôi mở rộng cửa sổ, ánh đèn cao áp từ ngoài ngõ tràn vào căn phòng trọ. Thế là thêm mấy chú thạch sùng không biết từ đâu bò ra trên trần nhà, thi nhau kêu “chách chách” trong căn phòng chật chội, nóng bức. Mồ hôi lã chã. Tôi cố nhắm nghiền mắt nhưng những nụ cười mỉa mai, đặc biệt là giọng nói giễu cợt hồi sáng của hắn: “Ủa, thằng này zô nhầm lớp rồi nghen. Lớp này đâu có sinh diên là thương binh” cứ ám ảnh tâm trí. Không ngờ, buổi học đầu tiên ở giảng đường đại học tưởng đầy ắp niềm vui nhưng hóa ra lại đến với tôi khủng khiếp như thế… Tôi chợt thấy nhớ làng Mụ Cát, nhớ nhà, nhớ mấy đứa nhỏ ở quê da diết…

Ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển trường đại học sư phạm, gia đình, chòm xóm đều mừng. Ở cái xóm nghèo nơi vùng cao nhiều năm không có lấy một đứa nào thi đậu vào đại học. Đúng hơn, trong xóm không có đứa nào vượt qua được cái đói, cái khổ của gia đình để học cho hết lớp, hết cấp. Hôm chuẩn bị lên thành phố, bác trưởng thôn đến tận nhà tặng tập vở viết và động viên tôi gắng học tốt, sau quay về làng dạy học. Chiều ấy, tôi một mình tập tễnh leo lên đỉnh dốc cuối làng để được nhìn ngắm Mặt trời xuống núi. Hình như Mặt trời đỏ hơn, những ánh nắng yếu ớt cuối ngày vì thế cũng trở nên rực rỡ hơn, truyền năng lượng mạnh mẽ sang cả tôi, sang cả dãy trạng nguyên mọc hoang dại hai bên con dốc. Tôi đứng ngắm ánh chiều cho đến tận khi bóng tối phủ ngập tràn con dốc, ngọn đồi và cả làng Mụ Cát.

Hôm từ biệt xóm làng lên thành phố, mấy đứa nhỏ chơi thân bịn rịn tiễn tôi ra tận con dốc cao ở cuối làng. Lên đến đỉnh dốc cũng vừa lúc có chuyến xe từ Tân Kỳ chạy tới. Mấy đứa nhỏ chạy theo xe, hét lớn:

- Anh lên thành phố nhớ gửi thư về cho bọn em nha!

- Nhất định rồi, nhớ chịu khó theo cho hết lớp nha, không được bỏ giữa chừng mô đó!

- Bọn em nhớ rồi, anh lên đường mạnh giỏi nha!

Xe từ từ tăng tốc rời khỏi con dốc. Xóm Mụ Cát nhỏ dần và khuất hẳn sau dãy núi cao. Tôi cố ngoái lại dõi mắt nhìn qua cửa kính. Bọn nhỏ đã khuất dạng từ lâu. Ven hai bên đường những cây trạng nguyên như đang vẫy chào, tiễn biệt và gửi gắm vào tôi bao nhiêu ước mơ, kì vọng của xóm làng. Ngồi trong xe đi cả một quãng đường xa rồi mà tim tôi vẫn đập rộn ràng. Bao nhiêu câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu. Trường học ấy như thế nào? Thành phố ấy có yên bình không? Và biển - Tôi thốt lên với niềm mong mỏi được tận mắt thấy biển - Biển khác với những dãy núi ở quê mình ra sao? Và rồi, cứ thế tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Xe chạy hơn một ngày một đêm thì đến thành phố. Tất cả đều lạ lẫm, những con đường rộng lớn đông đúc người lại qua, những dãy nhà cao chót vót… Đang ngạc nhiên, ngơ ngác ngắm nhìn xuôi ngược thì có một bác dừng xe ngay sát, hỏi:

- Cháu vào trường nhập học phải hông?

- Dạ, đúng rồi, cháu muốn vào trường đại học sư phạm ạ!

- Thế thì lên đi, tiện đường đi làm qua đó bác chở zô!

- Dạ,… nhưng… cháu…

- Đừng ngại, cháu từ quê lên đúng hông?

- Dạ, cháu từ Nghệ An vô ạ!

- Tận ngoài Nghệ An cơ à, không rõ đường cũng phải, nên mới xuống ở đây, chứ trường sư phạm mãi tít trong trung tâm kìa! Nào, lên bác chở đi nghen!

Dọc đường qua chuyện trò tôi được biết, sáng nào bác ấy cũng đi làm từ lúc 5 giờ 30 phút qua cung đường này. Và, chỗ làm của bác cách trường sư phạm không bao xa. Hàng năm, cứ đến dịp này, bác gặp và chở rất nhiều sinh viên từ mọi miền quê vào đây nhập học, cũng ngơ ngác không rõ đường như tôi. Đến trường, tôi gửi tiền nhưng bác nhất định không lấy. Tôi cám ơn và tạm biệt bác, rồi hào hứng bước vào cổng trường đại học.

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Trước mắt tôi là dãy nhà cổ kính, được sơn màu vàng với lối kiến trúc của Pháp. Sau này, tôi mới biết đó là khu thư viện của trường. Tiếp đó, một cái hội trường to lớn, đủ để cả ngàn người tham gia hội họp, học tập. Dãy giảng đường cũng cổ kính, có nhiều ô cửa sổ nhỏ. Và đặc biệt, trong khuôn viên trường có rất nhiều cây xanh, nhiều nhất vẫn là hoa giấy và dừa. Đang mê mải ngắm nhìn, thì tôi được một chị sinh viên khóa trước hướng dẫn vào hội trường làm thủ tục nhập học. Đến chiều, tôi tìm được một phòng trọ gần trường.

***

Sáng nay, trước lúc đến giảng đường, tôi đã lên dây cót tinh thần là sẽ phản kháng lại những hành động kì thị của hắn. Tối qua, tôi đã thức trắng đêm viết thư cho bọn nhỏ ở quê, hứa với chúng là sẽ học tốt. Tôi sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Vừa bước vào cửa lớp đã nghe tiếng nói oang oang từ trong, chứ không phải xì xào như hôm đầu:

- Thằng thọt chân đã tới rồi quý zị ơi!

- Đứa nào vừa bảo tao… thọt chân?

- Chính là tao nghen!

- Mày dám…

- Thì mày cứ đi zô lớp bình thường như tao xem nào!

- Mày dám…

- Hở? Hổng đi được phải hông thằng nhà quê?

- Mày…

- Tao đang tự hỏi, mày hổng có đi bù đụi, tại sao mày bị thương binh? Lạ à nghen…

Tôi nhảy xô vào hắn. Một trận ẩu đả xảy ra… Cũng may có một bạn nữ can ngăn. Nhưng vài ngày sau, sự việc vẫn đến tai cô chủ nhiệm. Cô gọi hai chúng tôi lên gặp riêng:

- Hai cậu viết bản tường trình sự việc – Cô giáo chủ nhiệm nghiêm nghị - dù có xảy ra chuyện gì thì các cậu cũng phải nhớ trong trường này không bao giờ được hành xử như thế!

Tôi ngồi cúi mặt xuống bàn. Im lặng. Còn nó cái mặt vẫn cứ câng câng, thi thoảng còn liếc sang tôi ra điều hăm dọa.

- Đây là lần đầu nên tôi sẽ chưa báo sự việc lên khoa, nhưng còn tái phạm thì… các cậu biết hậu quả rồi đấy!, cô chủ nhiệm răn đe.

Chúng tôi viết xong tờ tường trình gửi cô chủ nhiệm. Buổi hòa giải bề ngoài tưởng như êm thấm nhưng những hôm sau tôi không thấy Lục (đứa hôm nọ đánh nhau với tôi) đến giảng đường. Trong lớp cũng không còn ai trêu chọc, kì thị tôi nữa nhưng hình như mọi người vẫn còn giữ khoảng cách.

Một hôm, tôi đang ăn sáng với món bánh mì khô ở căng-tin, lúc ấy Khuyên - cô bạn cùng lớp hôm nọ đứng ra can ngăn vụ ẩu đả, đi ngang qua, thấy thế mua cho tôi chai nước ngọt. Cô ấy lẳng lặng để chai nước ở bàn, không nói gì, chỉ nở một nụ cười rồi vội vàng đi ngay, nhanh đến nỗi tôi không kịp nói lời cám ơn. Cứ như thế, sáng nào gặp ở căng-tin cô ấy cũng mua cho tôi một thứ gì đó, khi thì chai nước có hôm cái kẹo. Cho đến một hôm, cô ấy chủ động ngồi ăn sáng cùng tôi. Khuyên cho biết, Lục đang lên kế hoạch trả thù. Tôi phải cẩn trọng với hắn. Lục là một kẻ ăn chơi có tiếng, trước đây vốn học cùng trường cấp ba với Khuyên. Hắn cậy bố mẹ có quyền thế nên luôn xem trời bằng vung. Chẳng ai có thể can ngăn được những hành động xấc xược đó ngoài ba của hắn. Khuyên động viên tôi:

- Nhưng cậu đừng sợ vì đã có tớ, hắn còn sợ cả tớ nữa cơ!

- Cậu là con gái thì làm gì nó sợ chứ?

- Tớ là con gái, người nhỏ nhưng có… võ đấy!

-Cậu có võ thật hả?

- Thì hôm nọ, tớ chả cho hắn và cậu mỗi người một chưởng ngã thẳng cẳng đó là gì? Mà cậu chưa nghe câu ca: “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền” sao?

- Ừ nhỉ!...

Khuyên cười, đứng dậy và chạy vụt đi. “Tính khí sao như đàn ông” - tôi nghĩ thế khi nhìn theo dáng cô khuất bóng...

***

Vừa tan trường, Lục cùng nhóm bạn đã đợi sẵn tôi gần con ngõ vòng vèo vào khu trọ. Hắn ngồi trên mô-tô phân khối lớn dựng chắn ngang ngõ, một tay chống nạnh, một tay đang bóp mạnh cái đầu lọc điếu thuốc vừa hút dở. Xung quanh hắn có cả gần chục thằng du côn, trên tay xăm trổ chằng chịt, mặt thằng nào thằng nấy đầy vẻ hung hãn. Tôi nghĩ sẽ không đánh lại chúng nên đang tính quay đầu chạy thì nghe tiếng Khuyên lanh lảnh đằng sau:

- Ê, Lục! Bộ ông cứ tính trả thù bạn An bằng được hả!

- Xê ra chỗ khác Khuyên, chuyện này hổng có liên quan tới bà nghen!

- An là bạn thân của tôi, cũng là bạn cùng lớp với ông, vậy mà…

- Nhưng nó…

- Nếu ông hổng buông tha bạn ấy và tiếp tục nghỉ học thì nhất định tôi sẽ…

- Bà dám! ...

- Dám chứ sao hông?

- Thôi tụi bay, rút nhanh!

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nói đoạn, bọn thằng Lục cùng nhấn ga phóng chạy khỏi con hẻm, để lại những làn khói đen sì, khét lẹt. Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao thằng Lục có thể sợ Khuyên đến như thế. Tôi định thắc mắc nhưng cô đã nở một nụ cười và vẫy chào tạm biệt, vút nhanh như những lần trước gặp nhau. Tôi thất thểu bước tiếp về phía dãy nhà trọ.

***

Hôm nay tới lớp, tôi ngạc nhiên đã thấy thằng Lục đi học trở lại, càng bất ngờ hơn là hắn không còn gây gổ với tôi. Hắn tỏ ra có phần hối hận khi đưa ánh mắt nhìn tôi. Có lẽ bởi sự có mặt của Khuyên ở trong lớp từ sớm chăng? Hay là bởi lời dọa dẫm lấp lửng hôm nọ của Khuyên khiến hắn sợ? Tôi không biết rõ chính xác vì đâu một gã du côn như hắn lại thay đổi nhanh đến vậy. Nhưng cả lớp vẫn nhìn tôi với con mắt ái ngại. Tôi thận trọng ngồi vào bàn học. Tôi bỏ cái cặp vào hộc bàn thì bất ngờ chạm phải tờ giấy. Tôi kín đáo lấy ra đọc: “Hết tiết một, Khuyên chờ An dưới gần căng-tin. Khuyên có chuyện muốn nói với An”. Thế rồi, cả tiết một hôm ấy cứ trôi đi trong sự hồi hộp. Cũng chẳng biết vì sao trống ngực tôi cứ đánh thùm thụp khi biết mình sắp được gặp Khuyên. Cả tiết ấy, tôi không sao tập trung học được. Đúng giờ, tôi cố khập khiễng xuống chỗ hẹn một cách nhanh nhất. Đến nơi đã thấy Khuyên chờ tôi ở đó từ bao giờ. Vừa thấy tôi, cô ấy đã chạy lại túm tay và kéo đi:

- Nhanh lên, đi với Khuyên!

- Đi đâu? Mà còn những tiết học sau?

- Hẵng đi rồi sẽ biết! Cúp mấy tiết có chết ai!

- Không được, tôi phải trở lại lớp học....

- Đùa chứ, Khuyên xin cô chủ nhiệm cho cả hai đứa nghỉ rồi!

- Hả!...

- Nào, yên tâm rồi chứ! Đi thôi!

Thế là Khuyên chở tôi đi. Tôi cũng chẳng còn thắc mắc là đi đâu nữa. Không hiểu sao tôi cứ có cảm giác sẽ đến một nơi thân quen nào đó, dù rằng cái thành phố nhỏ bé này vẫn còn xa lạ với mình lắm. Khuyên dừng lại ở một tiệm đóng giày, giọng vui vẻ:

- Nào, zô đây! Zô đây nhanh lên!

- Từ nhỏ, tôi chưa khi mô đặt chân đến tiệm đóng giày cả. Nhưng…

- Nhưng sao Khuyên lại dẫn tới đây phải hông?

Tôi chưa kịp trả lời Khuyên thì từ trong quán tiếng của một người đàn ông đã sang sảng:

- Dẫn bạn zô đây con!

- Kìa, ba mình gọi đấy! Zô nhanh nghen An!

Tôi đang lưỡng lự thì Khuyên đã cầm tay kéo vào tiệm. Ba của Khuyên đang “bận rộn” với những đôi giày. Dáng người thấp đậm, khuôn mặt nhân hậu và cả giọng nói sang sảng nữa… Người đàn ông này tôi đã gặp đâu đó. “À, phải rồi là bác… là bác đã chở mình vào trường sư phạm hôm nhập học”, tôi vui mừng thốt lên trong ý nghĩ, rồi cất lời chào:

- Dạ, con chào bác! Bác còn nhận ra con không ạ?

Ba của Khuyên bỏ chiếc giày xuống, trễ cái kính và hướng mắt nhìn về phía tôi:

- Ồ,… cháu… cháu có phải là…

- Cháu là An, quê ở Nghệ An, hôm nọ… bác chở giúp vào trường đây ạ!

- Hà, hà… đúng là quả đất tròn ờ nghen!

- Bác khỏe chứ ạ? Cháu không ngờ bác lại là…

- Hà, hà… là ba của con bé Khuyên tính khí như con trai chứ gì!

Khuyên nãy giờ đang bất ngờ với câu chuyện của hai bác cháu, bỗng thay đổi sắc mặt, tiến đến bên ba lay lay, tỏ bộ giận dỗi:

- Ủa, sao ba nói xấu con hoài zậy!

Tôi không nhịn được cười, định chọc thêm vài câu nữa nhưng chợt nhìn thấy vẻ nghiêm nghị nơi ánh mắt của Khuyên nên đành thôi.

Chuyện trò một lúc, bấy giờ, tôi mới xúc động biết rằng, Khuyên đã về thưa lại câu chuyện về cái chân đi tập tễnh dị tật bẩm sinh của tôi cho ba bạn ấy nghe. Và, đã thuyết phục ba mình làm tặng tôi chiếc giày đặc biệt. Hôm nay, Khuyên chở tôi ra đây là để ba của bạn ấy đo phom giày. Bác bảo tôi ngồi vào ghế, rồi đưa ra phom giày rất đặc biệt. Bác đo đi đo lại cẩn thận, rồi nói:

Hai chân của cháu chênh nhau về chiều cao những 5cm, còn bàn chân thì chỉ lệch 3 phân nhưng rất may mắn, bác cũng có sẵn cái phom giày đặc biệt này rồi, chỉ chỉnh sửa một chút nữa là sẽ vừa chân cháu.

- Sao bác lại có phom giày của cháu trước thế?

- Chuyện dài dòng lắm, tý nữa con gái bác sẽ kể cháu nghe nghen!

- Khuyên kể tôi nha!

- Uh, Khuyên sẽ kể…

Mười ngày sau, đúng hẹn, tôi trở lại tiệm đóng giày cùng Khuyên. Tôi không tin vào mắt mình, đôi giày đã được đóng xong rất kỳ công và đẹp. Một chiếc giày bình thường như bao chiếc giày khác nhưng chiếc còn lại thì thật đặc biệt - nó có hai phần, phần trên là nguyên dạng đúng y cái chân bị dị tật của tôi, phần dưới là cái phom giày giả như chiếc giày còn lại. Tôi đi vừa vặn. Điều hạnh phúc là những bước đi của tôi không còn tập tễnh nữa và mọi người nhìn vào sẽ không nghĩ rằng chân tôi bị dị tật. Tôi xúc động đến nghẹn ngào. Cổ họng tôi nghẹn lại không nói nổi lời cám ơn với bác và Khuyên. Hình như Khuyên cũng rơm rớm nước mắt nhưng tỏ ra mạnh mẽ, cô nhanh nhảu:

- Từ nay, khỏi đứa nào trêu chọc bạn thân của Khuyên nữa nghen! Con cám ơn ba nhiều nghen!

- Cái “thằng” này, bác nhờ con kèm cặp cho nó học giỏi nghen! Con nhớ nghen!

Tôi đang nghẹn ngào cũng bật cười, buột miệng: “Dạ, con nhớ rồi ạ!”.

***

Từ hôm ở tiệm đóng giày của ba Khuyên về, tôi cứ lơ lửng như người vừa bước từ trong giấc mơ ra. Sao cuộc đời lại có người tốt với tôi như thế. Cuộc đời của tôi đúng là đã bước sang một trang mới. Đi đâu, làm gì tôi cũng thấy tự tin hơn, thoải mái hơn. Và còn sự trùng hợp bất ngờ ấy nữa. Hóa ra, thằng Lục không phải là sợ Khuyên mà nó sợ ba nó. Ba nó mang ơn ba Khuyên cũng từ chuyện chiếc giày… đặc biệt ấy. Hồi trẻ, ba Lục cũng bị dị tật như tôi. Đi khắp thành phố chẳng có thợ đóng giày nào đủ tài năng và sự nhẫn nại đóng cho ba Lục chiếc giày đặc biệt như thế, cho đến khi gặp được ba Khuyên… Chuyện thằng Lục bỏ học, gây gổ với tôi cũng đã được ba Khuyên gọi điện thông báo cho ba nó biết. Cứ nghĩ thế, tôi lại cảm thấy mang ơn Khuyên thật nhiều…

Sáng nay, tôi một mình tản bộ ra biển. Đây là lần đầu tiên tôi ra biển vào sáng sớm. Đối diện với tôi, biển thật mênh mông, vô cùng. Hít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra. Tôi thấy nhẹ nhõm. Sóng biển vẫn vô tư nô đùa như một đứa trẻ. Tôi thì thấy mình trưởng thành hơn. Tôi bình thản thả bộ dọc theo bãi biển óng ánh nắng vàng, xa khơi những đàn hải âu đang lượn lờ xung quanh con thuyền lớn.

Mặt trời nhú lên từ biển thật đẹp. Hình như nó không đỏ bằng lúc sắp lặn như buổi chiều mà tôi phải từ biệt quê hôm nào. Nó chập chờn, huyền ảo sau lớp sương mai trên biển bao la.

Tôi nhìn xuống đôi bàn chân mình và mơ ước… mơ ước bước lên lớp sương mai chập chờn kia để đến với ánh nắng tinh khôi của Mặt trời… Chợt có tiếng nói đâu đó vọng đến: “An… An lần đầu tiên thấy ánh nắng ban mai trên biển phải hông? Nó có đẹp hông zậy An?”. Tôi cảm nhận rõ một con sóng đang miên man, khơi gợi trong trái tim mình: “Ừ… Khuyên…” .

Nguyễn Đình Ánh (Giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2, Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-buoc-toi-nang-tinh-khoi-post699004.html