Truyện ngắn: Con bò điên

Bò điên, bà con ơi, chạy thôi, chạy không nó húc lòi ruột bây giờ… Tiếng chân người đuổi nhau chạy huỳnh huỵch.

Tiếng trẻ chăn bò, chăn trâu hò nhau rộn cả con đê làng. Đằng xa, con bò vàng đang độ lớn, đôi sừng nhọn hoắt kéo theo dây thừng và nửa cái cày chạy xồng xộc về phía làng. Cuối con đê, thằng bé Hoan kêu lên trong tuyệt vọng:

- Họ… họ… họ… dừng lại, dừng lại…

Chạy đến lũy tre đầu làng, con bò tiếp tục nổi cơn điên đâm đầu vào gốc tre, tiếng ọ… ọ… ọ của nó vang xa. Cái cày trên u bò đã gãy đôi, vắt vẻo lại sợi thừng ở cổ. Khi nó chúi mũi vào gốc tre, dây thừng giật lại, lúc lắc liên hồi.

Một chốc thừng bung ra quật bện vào đó. Nó hếch mũi giật mạnh, dây không đứt được nhưng ú bung ra, mũi thòng lòng máu. Chừng như đau và mệt, con bò chạy chầm chậm về phía nhà nó.

Lại có tiếng người réo lên:

- Bò điên… bò điên… chạy đi…!

Con bò giật mũi, nhảy thốc qua bờ mương về nhà, đoàn người trong làng lại rú lên sợ hãi. Chợt một con dao từ đâu bay ra, cắm phập vào chân trước của nó. Con bò rống lên đau đớn rồi từ từ quỵ xuống. Trong lùm cây, một gã nhảy ra hô hoán:

- Bà con ơi, bò điên bị thương rồi.

Thì ra là gã Sính, người cạnh nhà thằng bé Hoan. Khi thằng bé chạy tới nơi thì con bò đang nằm trong vũng máu, miệng rống liên hồi. Thắng bé nhăn mặt rồi khóc òa lên:

- Ai… ai giết bò nhà cháu đột ngột thế này…

hu hu…

Vài tiếng người lao xao. Một số người lúc nãy còn sợ sệt cúi xuống lặng lẽ nhìn con bò đang rống lên trong đau đớn. Chợt gã Sính nhảy ra, vỗ ngực:

- Tao đánh nó gãy chân đấy, tao giúp nhà mày trị con bò điên mà.

Thằng bé Hoan bặm môi, nó quỳ xuống bên con bò nhà mình, loay hoay lấy mũ vải thấm máu cho nó.

Một chốc chị Hoa – mẹ của Hoan tất tả chạy ra, mặt cắt không còn giọt máu. Nhìn con bò và đứa con đang quỳ dưới gốc tre, chị cũng khóc òa lên.

***

Tới tối, nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, con bò được đem về nhà. Dọc đường, nó rống lên liên hồi, cái chân lủng lẳng đáng sợ. Anh em trong xóm đến, chỉ vài tiếng, những gì còn sót lại về hình ảnh con bò “điên” của xóm chỉ là thịt đỏ tươi trên bàn gỗ.

Người làng đến, một cân, nửa cân, thậm chí có người hai cân lần lượt mang về nhà. Chị Hoa tất bật gói gém, tất bật ghi chép vào một tờ giấy những người còn nợ tiền. Hình như chị quên rằng chị đang bán thịt con bò mà suốt bảy năm trời chị và gia đình từng gắn bó với nó.

Từ khi nó còn là con bò con bé xíu lạ lẫm bước chân vào cổng nhà chị. Thằng bé Hoan chạy biến đi đâu mất. Còn hai đứa em của nó tung tăng tìm túi nilon cho mẹ gói thịt. Mấy người đàn ông cạnh nhà, kể cả gã Sính cũng hăm hở mang bộ lòng còn ấm hơi cỏ ra mương làm sạch.

Khi cỗ bàn được bày ra, mọi người lầm rầm bàn tán chuyện hôm nay tại sao con bò lại nổi điên quá đà thế. Rồi những chén rượu được rót đầy. Khi gã Sính giơ cao chén rượu lên thì thình lình anh Quang chủ nhà về. Anh chẳng chào, chẳng hỏi ai lấy một câu, đi một mạch vào chỗ chị Hoa đang cắt dọn số thịt thừa, anh nói với chị:

- Mình để cho tôi bộ xương.

Anh lẳng lặng bước vào nhà, thắp một nén nhang, trở ra sân, ngồi vào chiếu rồi cười chua chát và cầm một chén rượu uống cạn sạch. Gã Quân ngồi cạnh vỗ về:

- Thôi, đến lúc chú hóa kiếp cho nó được rồi, nó phá quá!

Từ trong bếp thằng bé Hoan chạy ra:

- Nhưng bố cháu quản được nó!

Thấy con nói hỗn, anh Quang quát:

- Con!

Thằng bé quệt nước mắt, lầm lũi bước vào nhà. Chị Hoa đứng lặng nhìn con. Chị buông tay, chiếc xương gãy ở chân bò lúc nãy rơi xuống. Một vệt tím đen, tụ máu lù lù trước mắt, chị cúi xuống nén tiếng thở dài.

***

Gần mười rưỡi, khi anh Quang đã ngốn hơn chục chén rượu thì những miếng thịt và lòng trong đĩa cũng vơi đi. Năm sáu trai tráng trong xóm khề khà, thi nhau gắp từng miếng bỏ vào bát. Những người trai tráng thấy thịt “bò điên” dai dai, lạ lạ, ngọt ngọt họ uống bao nhiêu thì ăn nhiều bấy nhiêu.

Chỉ có thằng bé Hoan đứng cạnh góc bếp nhìn ra, nó thấy bố ngồi khật khù, mắt đờ đẫn. Ai chúc anh cũng uống, ai hò anh cũng hò. Thằng bé thấy bố cầm đũa, gắp gắp những cụm rau thơm cho vào miệng, đôi đũa lệch xệch, rau cũng rơi ra ngoài. Thằng bé chạy lên nhà trên. Nó lại đứng dựa cột nhà quan sát bố. Đến lúc thấy bố run quá, nó chạy ào ra giữa sân gào lên:

- Cháu xin các chú đừng có uống nữa, bố cháu say rồi!

Sáu bảy cặp mắt đang dính vào những miếng thịt ngơ ngác quay lên nhìn thằng bé. Anh Quang vụt đứng dậy, túm lấy tay thằng bé, xoay nó một vòng, bệt một bàn tay vào mông nó, anh quát um lên:

- Cút ngay vào nhà!

Cuộc rượu chùng xuống. Gã Sính lầm bầm:

- Thôi, lỗi không phải tại cháu nó, một phần là cũng do em nóng quá.

Gã Thành nãy giờ im lặng chợt lên tiếng:

- Sự đã rồi, thôi thì tại con bò nó phá quá, anh em thông cảm cho nhau, chúng ta cạn nốt rồi ai về nhà nấy nhé!

Anh Quang cố làm vẻ tỉnh bơ, cầm chén rượu đầy, gắp một miếng thịt cho vào bát:

- Vâng, em kính các bác!

Tiếng chúc nhỏ dần. Mọi người uống nốt chén của mình rồi họ lũ lượt ra về. Khi mọi người về hết, chị Hoa mới rón rén đến bên chồng an ủi:

- Mình à, tôi dìu mình vào nhà nghỉ nhé!

Anh Quang nhìn vợ, nhìn chiếc bàn nhơ nhớp những vết chặt, những mảnh thịt nhỏ văng xuống sân. Anh không khóc được. Anh ngơ ngẩn nhìn vào nhà, thằng bé Hoan nãy giờ vẫn đang đứng đó. Nó chôn chân nơi cột nhà đợi bố. Anh Quang lên tiếng:

- Ra đây con, ra đây bố bảo.

Thằng bé sợ sệt chậm rãi bước từng bước đến bên cạnh bố. Anh ôm con vào lòng, lúc này thằng bé mới cảm nhận được một giọt nước mắt nóng hổi rơi trên đầu nó. Anh dịu dàng:

- Bố đưa con ra bờ đê hóng gió nhé?

Nó khe khẽ gật đầu. Hai cha con líu ríu dắt nhau ra bờ đê cạnh nhà. Chị Hoa lo lắng gọi với theo:

- Hai bố con nhớ về ngủ sớm nhé!

***

- Bố sẽ kể cho con nghe về con bò nhà mình nhé. Anh Quang xoa đầu thằng bé Hoan thủ thỉ vào tai nó.

Thằng bé ngoan ngoãn:

- Dạ!

Anh nhìn xa xăm ra dòng sông trước nhà, những đợt sóng lăn tăn nhẹ dưới ánh điện xóm lờ mờ. Tiếng côn trùng từ cánh đồng vọng vào nỉ non. Anh chậm rãi:

- Ngày trước, lúc con vừa sinh được tám tháng thì nhà mình có con bò. Con bò bé xíu mà người ta hay gọi là con me ấy, được ông nội dắt về từ một cuộc trao đổi giữa mẹ và một lái buôn trong làng. Ngày đó, mẹ con phải đổi một con lợn nái to vừa mới sinh được mười hai con lợn con. Rồi thêm tiền và thóc, mới đổi được con bò.

- Rồi sao nữa hả bố?

- Sau đó, ông nội con dắt con bò con về buộc nó vào chuồng của heo nái. Ông đi cắt cỏ, chăm cho nó ăn nhưng mấy ngày đầu nó cứ xông thẳng ra vườn ăn rau của bà trồng, không ăn cỏ.

Rồi bố từ đơn vị về, thấy bố con bò sợ hãi chui tọt vào trong chuồng. Mấy ngày sau thì bố tìm được một khúc gỗ xoan tươi trong vườn, buộc một đầu vào khúc gỗ, một đầu vào cổ con bò bắt nó kéo.

Ông nội không cho bố làm. Buộc dây vào cổ, nó kêu ọ một tiếng rồi phi như bay ra cổng, bố chạy theo không kịp. Ra đến cổng làng nó cúi cổ ăn rau nhà bà Hạnh ở đó. Tức quá, bố đánh nó ba gậy rõ đau, nó lại kêu ọ… ọ... ọ… rồi kéo khúc gỗ chạy. Thằng bé cười khúc khích:

- A, thế con bò nó hư từ bé cơ à bố?

- Ừ, nó bướng bỉnh ngay từ hồi đó.

- Thế tại sao người ta cứ gọi nó là bò điên vậy bố, con thấy ngoài giờ con chăn, lúc nào đi cày với bố nó cũng ngoan ngoãn cơ mà.

- À, con không biết đâu. Nó được huấn luyện sớm, nhưng hung hăng lắm. Hễ bước chân ra khỏi chuồng là chạy lung tung, gặp người nào trong làng nó chúi đầu vào đòi húc. Khi lớn hơn một tý, biết cày, biết bừa, nó còn kéo cả cày lên bờ ruộng đấy. Có lần nó kéo cả bừa lên làm răng bừa cắm phập vào chân bố, mưng mủ, điều trị cả tháng.

- Nó đẹp thế nhưng tính nết không thuần, sao bố không bán nó đi?

- Ban đầu, ông nội và mẹ con cũng bảo bố bán đi, nhưng đất ruộng nhà mình còn đầy ra đấy, lấy đâu ra một con bò lớn mà cày hộ. Cứ đổi chác chỉ tội mẹ con, gạo trong bồ có đủ cho cả nhà ăn qua mùa lúa đâu đòi đổi bò lần nữa. Làng bên người ta nghe tiếng con bò hung hăng, có ai chịu nhận nó về nuôi đâu. Đem ra chợ bán rồi nhỡ nó húc phải người đi chợ thì khốn.

- Ơ, thế bố đã dạy nó như thế nào mà khi con lớn, con biết đi chăn bò thì nó vẫn chỉ nghe bố mà chẳng nghe con gì cả. Để hôm nay nó…

Lau giọt nước mắt trên má cho con. Anh ôm nó vào lòng. Hoan lại hỏi:

- Thế bố có buồn không?

Lúc này anh thấy lòng nhẹ bẫng. Anh không trả lời con. Anh đang mải suy nghĩ về nó, con bò tội nghiệp anh đã dày công nuôi nó bảy năm trời. Mảnh vườn nhà anh, thửa ruộng nhà anh, tơi đất tốt cây một phần cũng nhờ nó.

Hôm nay, nó đi như một điềm gì ai đó đã sắp đặt cho nó vậy. Sáng đi làm mộc bên làng Cũ, anh dặn vợ ở nhà cho nó ăn, chiều về sớm được thì anh cày nốt vạt ruộng trước nhà.

Lúc đi, anh ra chuồng vuốt đầu, nó cúi xuống, hai cục gèn to đùng chèn ở khóe mắt, anh đưa tay gỡ ra, nó quay đầu thè lưỡi liếm tay một cái. Anh thấy lạnh ở tay, anh hơi chột dạ. Anh dặn vợ hôm nay ai có mượn nó đi cày thì đợi anh về hẵng hay. Khi anh nghe tin dữ chạy về tới nhà thì người làng đã đổ xô vào làm thịt nó. Thằng bé níu tay bố:

- Hay nhà mình đừng nuôi bò nữa bố nhỉ? Bố buồn con cũng buồn lắm.

Anh Quang vỗ vai con:

- Chắc đã đến lúc nó chết, con đừng trách ai cả. Nó cũng làm người làng mình nhiều phen hú vía rồi. Nhà mình cũng sẽ phải thuê máy dập ruộng thôi.

- Nhưng chú Sính ác thế, chú cố tình ném dao ra mà bố.

- Đó là một cách tự vệ giữa người với thú. Chắc lúc đó chú Sính đang dùng dao định chặt tre về làm gì đó.

Anh nói với con nhưng trong lòng anh như có ai đó cầm từng nắm muối xát vào ruột gan. Anh xót của, xót một người bạn thân thiết từ ngày anh từ đơn vị về. Thương vợ chạy đôn, chạy đáo đi vay thêm gạo nuôi đủ gia đình những ngày đầu bố anh dắt nó về nhà làm bạn với anh.

Xót hơn nữa, với những người trong làng, nó mãi mãi là một con bò điên không hơn không kém. Người ta sợ sệt mướn nó về cày ruộng dưới sự giám sát chặt chẽ của anh, nó hục hặc có anh giữ chân nó, nó đòi chạy có anh quát nó, ruộng làng cũng hơn một lần anh và con bò đã cùng người bà con cày hết.

Làng xuất hiện máy dập, trâu bò đông đúc hơn, người ta nuôi để bán hoặc làm thịt. Con bò nhà anh được thả rông nhiều hơn. Với một con bò đực đến tuổi, nó sẵn sàng chạy đến bên bò cái nếu như thấy bò cái thủng thẳng bước qua.

Con bò nhà anh, mũi nó còn thính hơn cả mũi con mèo hen trong bếp, hễ thấy bò cái ở xa, nó đã ngửi được mùi. Những lúc như thế, đang cày nó cũng lồng lên kéo cả cày lẫn người lên bờ, để chạy theo kịp bò cái. Với sức nặng của tay anh và tiếng quát như thét nó mới ngoan ngoãn chịu dừng.

Chiều nay, có lẽ là một chiều nó ngửi thấy “mùi bò cái” ngay gần đấy.

***

Tiếng vợ gọi:

- Khuya rồi, hai bố con về ngủ đi thôi. Anh quay lại. Thằng bé ôm vai bố. Hai bố con lững thững đi về. Giọng ngái ngủ thằng bé lại hỏi:

- Bố ơi, ngày mai bố con mình làm gì với bộ xương bò?

Anh cúi xuống cõng con lên vai, giọng trầm trầm:

- Ngày mai, bố con mình lại mang bò ra đồng nhé…

***

Ngày hôm sau, khi trời còn tối đất, cha con anh đã vác cuốc ra đồng. Đến thửa ruộng to nhà mình gần đầu làng, anh cuốc những nhát chắc nịch xuống vạt ruộng. Nhát cuốc bổ tới đâu, từng miếng đất được bật lên, cong cong hình chiếc cuốc rồi gãy đôi.

Hai bố con hì hụi đến gần sáng thì xong một cái hố vuông vức ngay giữa ruộng. Anh mang tất cả số xương của con bò đổ xuống. Xong, hai cha con lại hì hụi lấp đất lại. Trời hửng sáng, anh cùng con vác cuốc từ đồng trở về, thằng bé Hoan lẽo đẽo chạy theo.

Những người dân trong làng lục tục đi làm đồng, nhiều người thắc mắc không hiểu hai bố con anh làm gì ngoài đồng mà về sớm. Nhưng cũng không ai hỏi gì. Họ sợ đụng đến việc mất bò lúc tối của anh.

***

Mấy ngày sau, anh Quang ở lì trong nhà không đi làm mộc nữa. Gã Sính tự nhiên đổ đốn. Ngày nào hắn cũng mang một be rượu củ tỏi từ ngoài quán về, ngồi khật khà ở cửa. Hắn hát, rồi cười, uống rượu một mình, nói một mình.

Mặc cho vợ và con mè nhéo, hắn cứ chứng nào tật nấy. Thấy chồng tự nhiên sinh tính hư, vợ gã Sính tức điên lên nhưng có chửi thêm thì gã cũng cứ thế, không chịu thay đổi.

Chẳng biết lý do gì nhưng nghĩ là do vụ làm chết con bò của nhà anh Quang mà chồng mình trở nên như vậy, đêm đó đợi lúc chồng ngủ say, chị mò sang nhà anh Quang dấm dúi xuống dưới bếp tâm sự cùng vợ anh. Nhưng đang dở câu chuyện thì anh Quang đi đâu về, anh lẳng lặng chẳng nói gì. Anh đi lên nhà một chốc, rồi quay xuống anh nhẹ nhàng:

- Thôi, chị về đi, sự đã rồi.

***

Ba ngày sau, người làng lại thấy anh Quang đi làm đồng. Anh lặng lẽ cuốc cỏ trong vạt ruộng nhà mình. Thằng bé lẽo đẽo theo bố ôm những bó cỏ cho vào rổ. Anh cúi cổ làm hùng hục cho tới khi trời nắng đứng bóng, anh với con mới lũi cũi trở về.

Một buổi sáng, đang dọn lại bờ ruộng thì anh ngạc nhiên khi thấy ngay chỗ doi đất anh và con đào chôn xương con bò hôm nọ, nay đùn lên một vạt đất trắng ợt. Anh vội vàng đào cỏ non đắp quanh chỗ đó. Những mầm non cứ thế nhú lên, xanh um cả một vạt như mạ non mới ươm.

Sáng nay ra ruộng, anh thấy gã Sính đang chặt tre. Gặp bố con anh, gã quay sang cười hề hề bắt chuyện. Anh cũng cười tươi hỏi gã chặt tre làm gì sớm thế, gã Sính im lặng cúi đầu không nói. Sáng đó khi cả nhà đi vắng, chỉ có anh đang loay hoay sửa soạn ban thờ chuẩn bị cúng giỗ thì gã Sính mò sang. Gã cầm be rượu củ tỏi, khật khưỡng bước vào sân. Thấy gã, anh không quay lại, chỉ vừa lau ban thờ vừa hỏi:

- Có chuyện gì thế chú Sính?

Gã Sính đặt be rượu lên bậu cửa, ấp úng mở lời:

- Em… sang xin bác cái bộ da bò.

Anh Quang đang lau dở, quay phắt lại, trừng mắt quát:

- Cái gì, chú xin cái da bò làm gì?

- Em xin về... làm cái trống.

- Chú định làm cái trống để đánh lên, bêu rếu với cả làng là trống chú được làm từ con bò điên nhà tôi chứ gì? Chú giỏi thế cơ à?

Gã Sính đổ sụp xuống thềm, như van xin:

- Em xin bác, bác cho em bộ da con bò là để em làm trống chuộc tội cho nhà bác. Em làm xong, mang sang cho bác. Em nghĩ đó là cách duy nhất em chuộc tội với nhà bác.

Anh Quang đỏ rần rần mặt. Nỗi đau mất bò lại dồn lên đầu. Nhưng anh không nói gì, lặng lẽ đi xuống bếp. Một chốc quay lên, anh mang theo bộ da bò đưa cho gã Sính.

***

Sáng những ngày tiếp theo, khi gã Sính lúi cúi vót tre làm trống thì hai cha con anh Quang ra thăm vạt ruộng. Chỗ doi đất bố con anh chôn xương bò giờ đã mọc cỏ xanh um, tươi tốt. Anh Quang không có ý định sẽ mua thêm bò.

Sáng nay, trở về từ đồng, anh vui vẻ bảo với thằng bé:

- Chắc rồi giỗ cũng có trống đánh con ạ!

Truyện ngắn của Ngô Nữ Thùy Linh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-con-bo-dien-post675588.html