Truyện ngắn: Hoa trên giáo án
Ngay từ buổi học hôm trước, thằng Ya Bội - lớp trưởng đã khởi xướng việc này với lớp và các em đều đồng thuận cùng nhau đi hái hoa dã quỳ.
Những đứa học trò lớp 3A ở Trường Tiểu học Tà Hine đã không mua những bông hoa hồng thắm đỏ được bọc bằng túi bóng kính trong suốt và thắt dây nơ để tặng cô chủ nhiệm nhân Ngày Nhà giáo năm nay.
Ngay từ buổi học hôm trước, thằng Ya Bội - lớp trưởng đã khởi xướng việc này với lớp và các em đều đồng thuận cùng nhau đi hái hoa dã quỳ - một loài hoa dân dã - để tặng cô giáo thân yêu.
Thế là, vào sáng sớm 20 tháng 11, thằng Ya Tham, Ya Hòa, Ya Diễn, Ya Dẫn; cả bọn con gái là Nai Thảo, Nai Nguyễn, Tou Prong Mỹ Thương,… rủ nhau đi hái hoa. Khắp các con đường của làng chỗ nào cũng tràn ngập hoa dã quỳ với sắc vàng rực rỡ. Hoa còn mọc theo triền dốc thoai thoải bên những dãy núi, hay lan xuống tận con suối nhỏ.
Lũ học trò sà vào bụi dã quỳ, níu cành, chọn hái những bông hoa tươi nhất và to nhất, mỗi đứa mang sẵn một cọng dây để bó lại. Vừa giành nhau hái hoa vừa cười nói huyên thuyên, thế rồi cả bọn tung tăng cầm hoa chạy đến trường.
Lớp học 32 đứa là 32 bó bông vàng rực rỡ. Chúng nâng niu hoa trên tay. Hớn hở, chúng mang hoa cất vào lớp, chờ nhà trường làm lễ kỷ niệm xong thì tặng hoa cho cô giáo.
Nai Thảo thấy hôm nay cô hiệu trưởng đọc bài diễn văn hơi xúc động khi nói học sinh trường làng chăm học; một chị học lớp 5 cũng đọc bài tri ân thầy cô, rất rõ. Có mấy bài múa, các bạn mặc trang phục người Chu Ru và người Chill nhìn thật xinh.
Buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa kết thúc, học sinh túa về các lớp chúc mừng giáo viên chủ nhiệm. Học trò lớp 3A thấp thỏm nhìn ra ngoài cửa lớp ngóng cô giáo đến. Thế rồi cô Khuê cũng xuất hiện. Dáng người thanh mảnh trong chiếc áo dài màu xanh thiên thanh, nhìn cô thật duyên dáng.
Lũ trò nhỏ vây quanh cô giáo thành ba vòng tròn, đứa nào cũng dành tặng hoa cho cô. Còn cô Khuê, nhận từng bó hoa Dã quỳ của học trò, cô nâng niu đặt lên bàn giáo viên mà nỗi xúc động khiến ngấn lệ cứ muốn trào ra khóe mắt.
Ngày được phòng giáo dục huyện phân công về đây, Khuê đã thất vọng vì trường cách nhà cha mẹ cô gần 30 cây số và bởi xã Tà Hine - một vùng đất mà học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, Khuê hiểu công việc dạy học ở môi trường này sẽ rất gian nan. Hơn nữa, việc đi lại ở đây cũng thật khó khăn vất vả.
Con đường đến trường là đồi núi, dốc cao, suối sâu; có khi phải băng qua một cánh rừng đầy thông mới đến được lớp. Đôi chân vẫn là “đôi hài vạn dặm”. Ngày ấy, không có xe đạp để đi lại như bây giờ. Tuy nhiên, Khuê vẫn tuân theo quyết định của phòng giáo dục.
Cô nghĩ rằng, học sinh dù ở nơi nào, dù là dân tộc nào thì ai cũng phải được học hành. Nếu ai cũng tránh không muốn công tác tại các vùng sâu, vùng xa thì các em người dân tộc chính là đối tượng bị thiệt thòi nhất.
Trường Tiểu học Tà Hine được thành lập từ năm 1978 và khi Khuê vào đây nhận công tác, trường chỉ có 16 lớp. Năm đầu tiên đi dạy, Khuê được phân công chủ nhiệm một lớp ở khối 2. Học sinh người dân tộc thiểu số phải học ngôn ngữ tiếng Việt, vậy nên việc tiếp thu kiến thức của hầu hết các em không thể nhanh như học trò người Kinh.
Tính cách các em dân tộc lại hồn nhiên, cứ học đấy rồi quên đấy, thích vừa học vừa chơi, thích hát hò nhảy múa. Khó khăn này chồng lên khó khăn khác khi thu nhập của đa số các hộ dân còn thấp vì chủ yếu đảm bảo đời sống bằng việc trồng bắp, trồng khoai, cấy lúa.
Điều đó khiến họ nuôi con ăn học cũng không mấy dễ dàng, dù nhà nước đã có chính sách trợ cấp lương thực và sách vở cho học sinh người dân tộc. Khuê còn nhớ mãi câu chuyện về một người học trò có hoàn cảnh đáng thương. Năm ấy, Khuê dạy lớp 4B, khối 4 học chiều.
Có con bé Ma Sara, mẹ nó sinh tới bốn đứa con, nó là chị cả. Hằng ngày, mẹ lao động trên rẫy của nhà hoặc làm thuê cho người ta, nó phải ở nhà trông ba đứa em, đứa nhỏ mới một tuổi.
Vài tuần đầu năm học, Khuê không hiểu vì sao chiều nào nó đến lớp cũng trễ ít nhất nửa tiếng, đứng ở cửa lớp, mắt đỏ hoe, nó nói: “Xin cô giáo cho em vào lớp”. Khuê có hỏi vì sao đi học trễ nhưng Ma Sara nhất định không nói.
Cô Khuê lân la hỏi nó vào giờ ra chơi, nó cũng không nói. Khuê tìm đến nhà học trò vào một buổi sáng, gặng hỏi. Nó vừa khóc vừa nói: “Đến giờ vào lớp mà mẹ em vẫn chưa làm về trông em nhỏ” – “Thế mẹ đi làm có xa nhà không?”, Khuê hỏi. Nó trả lời: “Mãi ở trên núi xa.
Có hôm bố mẹ đi làm cả ngày thì em phải nghỉ học, không thì em nhỏ khóc” – “Sao mẹ không xem giờ để về cho em đi học đúng giờ?” – “Nhà em không có đồng hồ đâu”. Trái tim cô Khuê xót xa và đồng cảm. Khuê nghĩ sao hoàn cảnh của con bé lại giống với mình thế.
Hồi Khuê học lớp Bốn, mẹ cũng đi làm vườn, Khuê cũng trông em nhỏ và cũng không nỡ bỏ em ở nhà một mình để đến lớp cho kịp giờ vào học khi mẹ chưa đi làm về. Nước mắt Khuê ứa ra… Hóa ra, việc tìm kiếm cái chữ của con em đồng bào vùng sâu vùng xa, của những gia đình nông dân nghèo là vô cùng gian nan.
Thế rồi, Khuê đã trích một phần lương để mua tặng cho cha mẹ của Ma Sara một cái đồng hồ đeo tay để có thể theo dõi giờ và về cho kịp lúc Ma Sara tới lớp.
Khó nhất là việc vận động những học sinh muốn nghỉ học hẳn đi học lại, giáo viên chủ nhiệm phải đến tận nhà vận động các em đi học, dù không phải thôn nào của xã Tà Hine cũng gần trường.
Rồi thương học trò người dân tộc với muôn ngàn khó khăn, thầy cô của trường đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hữu ích để nâng cao chất lượng học tập cho các em như: “Dạy học sinh sửa lỗi sai đặc trưng khi viết chính tả cấp Tiểu học”; “Dạy tốt môn tập đọc thông qua cách rèn đọc cho học sinh người dân tộc thiểu số cấp Tiểu học”…
Nhiều thầy cô còn chủ động phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu. Bản thân các em cũng rất nỗ lực học tập. Kết quả là qua từng khối lớp, việc đọc và viết Tiếng Việt của các em dần tiến bộ lên. Các môn học khác như Toán, Khoa học, Mỹ thuật, … chất lượng cũng tốt hơn.
Năm nay, quy mô trường lớp đã được mở rộng với tổng số 30. Dạy học ở ngôi trường này đã 28 năm, mỗi năm một lớp, cô Khuê hiểu hoàn cảnh và tính nết của từng học sinh lớp mình. Ở lớp 3A, bố thằng Ya Tham mất sớm vì tai nạn giao thông, mẹ nó nuôi ba đứa con, lại còn có mẹ già nên cứ đầu tắt mặt tối.
Ya Tham biết thế nên nó cố gắng học tập. Thằng Ya Diễn khỏe mạnh, bản lĩnh, việc gì của lớp nó cũng xông xáo làm trước. Con bé Nai Thảo có đôi mắt thật to, đen láy, học giỏi và hiền. Con bé Tou Prong Mỹ Thương học Tiếng Việt khá nhưng học làm Toán rất yếu,…
Cô Khuê yêu ánh mắt học trò khi chúng háo hức chờ cô bước vào lớp mỗi buổi học. Khuê thương nhất là lúc cô phát vở bài tập hay bài kiểm tra, chúng săm soi ngắm thành quả của mình. Những em được điểm giỏi thì vẻ mặt hớn hở, cầm tờ giấy kiểm tra lên cắn nhẹ ở một góc, rồi lại đưa qua đưa lại như muốn khoe chúng bạn rằng: “Tao học giỏi chưa?”.
Còn trò làm bài chưa tốt thì bẽn lẽn úp bài xuống bàn, vẻ mặt buồn buồn ngường ngượng, nhìn lên cô giáo rồi lại nhìn bâng quơ ra cửa lớp. Khuê thương cả những lúc các em cúi xuống bàn vẽ tranh, tập làm “họa sĩ”. Những nét vẽ dẫu còn ngây ngô hay đã gợi được bóng dáng của sự vật, của cảnh thiên nhiên thì tất cả đều rất đáng yêu.
Thế rồi, trải qua hơn 45 năm kể từ lúc trường được thành lập, học trò ở đây đã vẽ được bức tranh cuộc sống của người dân tộc xã Tà Hine ngày càng tươi tắn. Bây giờ, những ngôi nhà xây xinh xắn đã mọc lên thay thế những ngôi nhà ván cũ kỹ.
Đường làng và không gian của các hộ gia đình rất sạch sẽ. Chiều chiều, trên các khu xóm là một khung cảnh thanh bình đầm ấm. Trong bếp, các mẹ đang chuẩn bị bữa tối. Bọn trẻ con chơi đùa cười ầm ầm ngoài sân. Những ông bà già ngồi ở khung cửa, vắt tay lên cằm nhìn con cháu chơi đùa, thanh thản.
Trên bầu trời, những áng mây trắng lững lờ trôi. Dưới đường làng, mục đồng lóc cóc dồn đàn trâu về chuồng. Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh đèn điện sáng choang, những bữa ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng đã nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
Cô Khuê hiểu rằng, từ những trang giáo án của thầy cô, muôn sắc hoa đã nở rộ. Ra đi từ ngôi Trường Tiểu học Tà Hine thân yêu này, nhiều người đã trở thành thầy cô giáo, bác sĩ, y tá; thành kỹ sư; công an, bộ đội… Họ đã mang tri thức trở về xây dựng bản làng, thôn xóm. Dần dà, đời sống văn hóa và kinh tế đều phát triển. Nông dân Tà Hine đã biết làm nông nghiệp công nghệ cao. Thu nhập của nhiều hộ dân đã rất khá.
Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, cũng như bao nhiêu thầy cô giáo khác, đêm nay, cô Khuê vẫn tiếp tục soạn những trang giáo án, mong mở ra những trang đời, để hương hoa tràn ngập cuộc sống mến thương này.
Ngoài cửa sổ, sương đêm đang xuống dần, hơi lạnh tỏa vào căn phòng, những bông hoa dã quỳ vàng của núi rừng Tà Hine không hương thơm nhưng vẫn làm ấm lòng cô giáo đã gần nửa cuộc đời gắn bó với nơi đây.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-hoa-tren-giao-an-post708649.html