Truyện ngắn: Khoảng sân nhỏ

Giống như nhiều người khác, lòng tôi luôn chứa đựng tình yêu đối với khoảng sân trước nhà.

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Giống như nhiều người khác, lòng tôi luôn chứa đựng tình yêu đối với khoảng sân trước nhà. Lão Xá tiên sinh từng nói: “Các sự kiện đẹp nhất mà tôi có thể tưởng tượng đều liên quan đến những khoảng sân”.

“Đây là căn nhà quê mùa, chỉ nhờ đức ta mà thơm tho”. (Tạm dịch trong bài thơ “Lậu Thất Minh” của nhà thơ Lưu Du Tích). Không nhất thiết phải có hòn non bộ, ao hồ nhân tạo nhưng không thể thiếu hoa lá cây cỏ; không cần đình đài lầu các, bàn đá nghỉ chân, chỉ cần có hoa sen, bờ suối.

Ngắm nhìn hoa Xuân nở rộ, nghe côn trùng mùa Hè hát hò vui vẻ, thưởng thức hương vị chua ngọt trái cây mùa Thu và chiêm ngưỡng tuyết phủ trắng xóa mùa Đông. Tựa như có hai thế giới trong và ngoài bức tường ngăn cách khoảng sân, ngoài sân ồn ào, náo nhiệt; bên trong sân bình yên không vướng bụi, không tranh đấu.

Sân vườn rộng rãi, thoáng mát. Tâm hồn tự do bay bổng, nắm bắt những khoảnh khắc tươi đẹp thường ngày, cuộc sống dường như cũng trở nên dịu dàng.

Sự thức tỉnh của mùa Xuân bắt đầu từ khoảng sân nhà.

Ánh nắng Xuân len lỏi, tràn vào trong sân, vạn vật đều trở nên rộn ràng hân hoan. Băng tuyết tan chảy, đánh dấu sự bắt đầu của những sự sống mới nơi đây. Cây khô bắt đầu nảy mầm lá màu vàng xanh non giống như câu “Lá liễu xanh vàng hai sắc pha” (Tạm dịch trong bài thơ “Thành đông tảo xuân” của nhà thơ Dương Cự Nguyên).

Trong sân, tôi đặc biệt thích cây liễu, đứng dưới bóng mát của nó, nghe hương vị của gió Xuân; trong lòng, cảm xúc cũng tràn ngập như một bông hoa màu vàng - biểu trưng cho một sự sống mới mẻ và tươi vui. Nhìn kìa, sứ giả của mùa Xuân - hoa nhài mùa Đông, đã vươn vai từ lâu, nở rộ những cành đầy những bông hoa nhỏ màu vàng, như những nốt nhạc hạnh phúc, vui tươi.

Ánh nắng cũng ấm áp sắc vàng, rọi sáng rực rỡ lên hoa cỏ cây cối, vạn vật đều tràn đầy sức sống. Măng tre ngoài sân mọc lên mầm non từ các đốt. Thậm chí cả những người bạn động vật nhỏ cũng bắt đầu ra ngoài để tận hưởng ánh nắng mặt trời, vài chú chim sẻ đậu trên cây thông, rải một chút gạo và gọi “chiêm chiếp” một cách trìu mến, thân thiện, chúng cũng đáp lại bằng những tiếng “chíp chíp, ríu rít” như là một cuộc gặp gỡ sau một thời gian xa cách, niềm vui với sự hài lòng khi được no bụng.

“Cục ta, cục tác”, con gà mái mẹ bước ra khỏi đống rơm khô, “cục ta” bên trái, “cục tác” bên phải, bảo vệ mười mấy con gà con bên cạnh, lông màu vàng nhạt, tơ mỏng với tiếng kêu yếu ớt, nhỏ nhẹ. Những cái đầu nhỏ cuộn tròn, đi theo sau mẹ, trông như những sinh vật nhỏ bé đáng thương lần đầu tiên nhìn thấy thế giới.

Công việc tiếp theo là trồng một số cây, hoa mới, hải đường, đào, mơ... cho những người yêu thích hoa lá. Họ sẽ không dùng nước máy mà mang nước từ dưới chân núi lên tưới và chờ đợi đến khi gió Xuân thổi tới, mỗi cành hoa sẽ nở đầy trên cành cây.

Mùa Xuân, khoảng sân tràn ngập hương thơm, ngày tháng tràn ngập niềm vui, cuộc sống tràn đầy hy vọng.

***

Khoảng sân rộn ràng đầy âm thanh, đặc biệt là những đêm Hè.

“Hai anh em cùng một đôi, ban ngày đốt lửa, ban đêm ngồi mát”. Mỗi tối mùa Hè, dưới gốc cây thông lớn trước cửa, bà ngoại kể chuyện, ra những câu đố và hát kịch Hoàng Mai cho chúng tôi nghe. Bà ngoại ngồi trên ghế tre, phe phẩy chiếc quạt đuôi mèo (quạt Hương Bồ), mùi thơm của cỏ Hương Bồ ngọt ngào pha trộn với mùi hoa.

Tôi lại gần, ngồi ghé sát bên bà, cảm nhận sự mát dịu. Chỉ là dù cố gắng thế nào chúng tôi cũng không đoán câu đố được nên lần nào cũng năn nỉ: “Bà ơi, có phải là ngón tay không bà ơi, bà nói cho chúng con biết đi, hay là đôi đũa!”. “Cháu ngoan, cẩn thận suy nghĩ, từ từ đoán”.

“Trên tròn, dưới vuông; dưới tròn, trên vuông; trong tròn, ngoài vuông; ngoài tròn, trong vuông”. “Trời ơi, sao toàn cụm từ khó phát âm vậy ạ. Bà nói lại từng cái một đi ạ, chậm thôi ạ!”. “Được, được rồi, các cháu từ từ đoán”. “Chúng không phải cùng một thứ, mà là bốn thứ khác nhau đấy!”. Chúng tôi nằm trên chiếc giường tre, đặt chân lên giường tre và quay vòng vòng.

Quay một vòng rồi lại một vòng, không thể đoán được toàn bộ câu đố, chỉ có thể làm nũng năn nỉ bà nói ra đáp án.

Bà ngoại cũng thích kể chuyện, kể theo cách vui vẻ hài hước. Tôi nhớ nhất là câu chuyện về một cô gái bị gia đình ép phải kết hôn với người mà cô không thích. Bà kể cuộc sống của cô ấy khó khăn như thế nào và cuối cùng trốn thoát khỏi đó ra sao.

Khi kể đến đây, bà vỗ cái quạt trên chiếc ghế tre bập bênh: “Trốn đi là đúng rồi! Làm sao có thể sống cuộc sống như thế được”. Chúng tôi cũng hùa theo, trách cha mẹ cô gái, đồng thời cũng lo lắng cô gái ấy sẽ gặp phải nguy hiểm.

Cuối cùng, cô gái gặp được gia đình tốt, kết hôn và sinh được đứa bé mập mạp. “Đứa bé bụ bẫm, trắng trẻo, hồng hào giống hệt các cháu ngày xưa ấy, haha!”. Tôi nhìn bà ngoại, chiếc quạt đuôi mèo trong tay bà lại đưa lên, nhẹ nhàng phe phẩy, đàn cháu chúng tôi nhìn nhau cười.

Những năm tháng ấy, chúng tôi nghe nhiều nhất là nghe bà ngoại hát kịch Hoàng Mai. Ở thành phố An Khánh này, kịch Hoàng Mai (hay Hoàng Mai Hí) là một cái tên quen thuộc và mọi người đều có thể hát theo được.

Bà thích nghe kịch Hoàng Mai và mua rất nhiều băng kịch Hoàng Mai; ban ngày, bà mang ra sân để phát và hát theo. Những người qua đường cũng hát theo, không quên khen một câu: “Bà hát hay thật!”.

Tôi cũng ngâm nga, đi ra cánh đồng cắt cỏ cho lợn cũng có lý do để vui vẻ: “Chàng ôm hoa, nàng ôm hoa/ Cùng nhau ôm xuống ruộng sâu/ Rơi xuống một hạt giống/ Nảy ra một cây non xanh// Cây có gì, lá có gì/ Hoa nở ra là loại hoa gì?/ Hạt gieo ra là loại gì/ Xay ra bột làm gì/ Làm bánh gì?/ Loài hoa này gọi là gì/ Ya de ya de er wei ya/ De er wei ya de er wei ya/ Loài hoa này gọi là gì?...”.

Hiện tại, tôi sống ở Nghi Thành. Khi hoàng hôn buông xuống, nhiều người lớn tuổi hay đến Công viên Mùa Hè, với những giai điệu truyền thống của kịch Hoàng Mai.

Họ yêu thích âm nhạc dân tộc và hát lên những giai điệu đó. Nếu bà ngoại còn sống, chắc chắn cũng sẽ thích hát kịch Hoàng Mai hàng ngày như những người lớn tuổi hâm mộ này.

Những ngày Hè nóng nực, bởi vì có bà ngoại mà khoảng sân nhà cũng trở nên mát mẻ, vui vẻ.

 Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

***

Khi những cơn gió mùa Thu đến, khoảng sân nhỏ luôn biết đầu tiên.

Hương quế thoang thoảng, làm ánh nắng mùa Thu cũng trở nên say đắm. Lượm nhặt hoa quế thơm ngọt, mẹ tôi khéo léo làm một đĩa bánh nếp rượu từ hoa quế có tác dụng trị ho cho trẻ hiệu quả nhất.

“Chậm một chút, đừng vội, từ từ thưởng thức hương vị của nó”. Màu vàng tươi, trong trắng ngần, khi nhai vào, mềm mịn và thơm phức, có chút ngọt ngào, có chút hương thơm. Lời nhắc nhở ăn chậm lại này là của mẹ tôi - người đã dành phần lớn cuộc đời lo lắng cho gia đình, luôn bận rộn nơi sân nhà.

Sau khi rời khoảng sân nơi quê hương, khi gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống, tôi luôn nhớ đến những lời đó. Không cần phải cạnh tranh với người khác, so bì cao thấp, hãy tận hưởng cuộc sống của mình, chậm lại một chút cũng không sao. Từ từ tiến về phía trước, cảm nhận từng hương vị của cuộc sống.

Cạnh khoảng sân có một cái ao nhỏ, vào thời điểm này, mặc dù không có hoa nở đỏ rực, nhưng vẫn có nhiều màu sắc sặc sỡ. Lá sen không chỉ có màu xanh, mà còn có màu vàng, đỏ; nhìn kỹ có một số lá còn mang theo màu vàng óng ánh. Ngoài ao, dường như khó để thấy dáng hình của những bông sen.

Bởi có bức tường quanh sân, làn gió Thu cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, cuộc sống cũng chậm lại một chút. Một hai đóa sen kiêu hãnh đứng vững trong nước, khiến chúng càng thêm duyên dáng và yêu kiều. Nhìn kỹ thì có bông có vẻ như là loài sen đôi - một đôi sen hồng mở ra hai bên.

Không phải sai thời điểm, những gì nên nở sẽ luôn nở. Mẹ tôi đang phơi đậu nành lập tức chạy tới ngắm hoa, niềm vui tràn ngập trong khoảng sân. Tôi chỉ biết, ngày hôm đó mẹ tôi đã ước: Bốn cô con gái xinh đẹp như hoa sẽ tìm được tấm chồng như ý.

Những quả hồng treo cao là món quà riêng của mùa Thu ngọt ngào, thể hiện ý nghĩa mang lại may mắn, như ý. Trong sân nhỏ, may mắn và hạnh phúc luôn hiện diện.

 Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

***

Trong sân nhỏ mùa Đông, nhộn nhịp nhưng vẫn có yên bình, bận rộn nhưng cũng có thảnh thơi. Ngày tháng trôi qua thật chậm rãi và nhẹ nhàng.

Sau khi chặt xong củi, cha ngồi xuống nghỉ ngơi, pha một ấm trà. Ông nhìn những đống củi góc tường, nhìn con chó đen lớn nằm dài dưới chân, nhấm nháp từng ngụm trà, đôi mắt chỉ còn lại sự bình yên.

Trong khoảng sân nhỏ, không cần nhìn, chỉ cần ngửi một chút, trong khói bếp lan tỏa hương thơm của củi, chỉ cần nghe một chút, tuyết rơi một cách không chậm rãi, hương thơm của thịt gác bếp hấp dẫn chim đến ăn.

Chúng tôi ngồi bên đống lửa, thưởng thức vị ngọt của kẹo khoai lang, mùi thơm của đậu phộng rang. Nhìn mẹ khâu từng mũi chỉ, làm đế giày cho chúng tôi. Đôi giày chúng tôi thích nhất là đôi đế nhiều lớp của mẹ. Răng của mẹ cũng vì việc kéo chỉ làm giày quá nhiều, cũng đã lung lay.

Dù chỉ mới 60 tuổi mà nhiều thứ cứng, mẹ không thể ăn được. Bây giờ, thỉnh thoảng mẹ vẫn thường nhắc đến những ngày trong khoảng sân nhỏ, mặc dù không giàu có, nhưng mỗi dịp Tết, mẹ luôn làm hai đôi giày mới cho mỗi đứa chúng tôi. Vào ngày mùng Một, khi đi chúc Tết, chúng tôi đều đi đôi giày ấm áp, đẹp mắt đó ra ngoài.

Mọi người đều khen tay nghề mẹ tôi giỏi, còn hỏi mẹ mẫu giày. Khi mẹ chia sẻ những điều này, đôi mắt bà đều rạng ngời hạnh phúc. Nghĩ lại, mẹ giống như tôi, cũng luôn nhớ khoảng thời gian ở khoảng sân nhỏ này.

Mẹ vẫn lo lắng khi tôi đi làm xa hàng nghìn dặm. Dù không còn làm đế giày nữa nhưng mẹ đã học được cách móc giày mới bằng len và làm cho tôi đôi giày màu đỏ. Không biết có phải màu đỏ luôn mang lại sự ấm áp hay không, mà khi đi làm ở nơi xa, mang giày đỏ mẹ làm, từ bàn chân đến trái tim, đều ấm áp.

Nghĩ tới khoảng sân nhỏ ấm áp, mùa Đông lạnh giá cũng trở nên dịu dàng hơn rất nhiều.

Bao năm trôi qua, nhớ lại quá khứ, Xuân sinh sôi, Hạ phát triển, Thu gặt hái, Đông lưu trữ, khoảng sân nhỏ toát lên hơi ấm và vẻ đẹp tận đáy lòng. Những điều mà trước đây tôi không để ý, từ đó về sau lại mãi không thể quên, tình cảm sâu đậm gắn bó với nơi này, ngày thường giản dị cũng tỏa sáng.

Hạ An (Dịch từ tiếng Trung)

Truyện ngắn của Xinran Hua Kai (Trung Quốc)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-khoang-san-nho-post693296.html