Tái hiện hình ảnh đặc trưng của Hà Nội qua đèn giấy nghệ thuật

Với đôi bàn tay khéo léo và niềm yêu thích phong cách nghệ thuật cắt giấy truyền thống của Nhật Bản (nghệ thuật Kirigami), anh Nguyễn Duy Linh (38 tuổi), tại huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã tạo ra những chiếc đèn giấy 3D tinh xảo, lung linh, rất Hà Nội.

Tôi biết đến Nguyễn Duy Linh tại Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2024, gian hàng của anh đã thu hút tôi bởi sự lung linh, bắt mắt giữa hàng chục gian hàng tại lễ hội.

Duy Linh tư vấn sản phẩm đèn giấy nghệ thuật cho khách hàng. Ảnh DIỆU HUYỀN

Duy Linh tư vấn sản phẩm đèn giấy nghệ thuật cho khách hàng. Ảnh DIỆU HUYỀN

Vừa sắp xếp gian hàng, Duy Linh vừa bộc bạch: “Năm 2013, mình bắt đầu hành trình du học Nhật Bản với chuyên ngành thiết kế, 5 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản mình rất yêu thích, đam mê nghệ thuật cắt giấy truyền thống nổi tiếng Kirigami. Chính vì vậy, bằng những kiến thức đã học và đọc sách về nghệ thuật Kirigami của Nhật Bản, mình đã tìm một phong cách sáng tạo riêng cho bản thân, đó là tạo ra những chiếc đèn giấy nghệ thuật”.

Để tạo ra chiếc đèn giấy nghệ thuật phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh NVCC

Để tạo ra chiếc đèn giấy nghệ thuật phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh NVCC

Bắt đầu làm đèn giấy từ năm 2017, đến nay Nguyễn Duy Linh đã sáng tạo khoảng 200 mẫu độc quyền. Những chiếc đèn giấy anh làm ra hòa quyện giữa hai yếu tố: Ánh sáng và nghệ thuật. Để làm ra một chiếc đèn giấy phải trải qua nhiều công đoạn như: Thiết kế, cắt giấy, pha màu ánh sáng và lắp ghép thành hộp đèn hoàn chỉnh. Thời gian làm một chiếc đèn giấy mất khoảng 4 đến 5 giờ đồng hồ.

“Điều khó khăn nhất đối với bộ môn này là đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và không thể vội vàng. Nó yêu cầu người làm phải thực hiện các đường cắt và gấp giấy một cách chính xác. Chỉ một sai sót nhỏ trong quá trình cắt hoặc gấp có thể làm hỏng toàn bộ tác phẩm. Điều này đòi hỏi người làm phải có một đôi tay vững vàng và tập trung cao độ. Bên cạnh đó, nó không chỉ phức tạp về mặt kỹ thuật mà còn đòi hỏi sự hiểu biết về nguyên lý hình học và không gian đối với người làm. Giấy là vật liệu chính được sử dụng để tạo nên tác phẩm, nó rất mỏng manh, dễ bị rách hoặc hư hỏng. Do đó, việc chọn loại giấy phù hợp và xử lý nó một cách nhẹ nhàng là rất quan trọng”, Duy Linh cho biết thêm.

Bộ sưu tập đèn giấy với chủ đề “Bức tranh Hà Nội” của Duy Linh. Ảnh NVCC

Bộ sưu tập đèn giấy với chủ đề “Bức tranh Hà Nội” của Duy Linh. Ảnh NVCC

Mỗi tác phẩm đèn giấy của Duy Linh không chỉ áp dụng những kiến thức nghệ thuật Kirigami được học tập tại Nhật Bản mà trong đó còn chứa đựng tình yêu của một người con Việt Nam muốn khắc họa những câu chuyện cổ tích, nét đẹp trong sinh hoạt của dân tộc mình. Đặc biệt là khắc họa hình ảnh về Thủ đô Hà Nội, nơi anh được sinh ra và lớn lên.

Sản phẩm đèn giấy nghệ thuật “Việt Nam quê hương tôi” đạt giải Nhất cuộc thi “Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội 2022”. Ảnh NVCC

Sản phẩm đèn giấy nghệ thuật “Việt Nam quê hương tôi” đạt giải Nhất cuộc thi “Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội 2022”. Ảnh NVCC

Năm 2019, bộ sưu tập đèn giấy với chủ đề “Bức tranh Hà Nội” của Duy Linh là một trong số những sản phẩm làm quà tặng cho các nhà báo quốc tế tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam. Năm 2022, Duy Linh đã tham gia cuộc thi “Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội” và đạt giải Nhất cuộc thi với sản phẩm “Việt Nam quê hương tôi”.

Ông Nguyễn Hữu Chí, 82 tuổi (tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Đến với Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2024, tôi rất ấn tượng với gian hàng của Duy Linh. Nhìn các sản phẩm anh trưng bày tại lễ hội khiến tôi cảm thấy vô cùng tự hào, xúc động. Vẻ đẹp của Việt Nam, của Thủ đô Hà Nội không chỉ được thể hiện qua những câu thơ, bài hát, tranh vẽ,… mà giờ đây nó còn được thể hiện qua đèn giấy vô cùng mới lạ”.

Trẻ em Nhật Bản thích thú trước sản phẩm đèn giấy của Duy Linh. Ảnh DIỆU HUYỀN

Trẻ em Nhật Bản thích thú trước sản phẩm đèn giấy của Duy Linh. Ảnh DIỆU HUYỀN

Bạn Shinichi Kudo, 20 tuổi (tại Nhật Bản) bày tỏ: “Mình rất thích thú khi nhìn thấy sản phẩm đèn giấy của anh Nguyễn Duy Linh tại lễ hội. Mình đã nhận ra nghệ thuật cắt giấy truyền thống của Nhật Bản (nghệ thuật Kirigami) được sử dụng trong từng tác phẩm. Đây chính là sự hòa trộn vô cùng khéo léo giữa hai nền văn hóa Việt - Nhật vào trong cùng một tác phẩm”.

Đặc biệt, Duy Linh còn được mệnh danh là người kể chuyện bằng ánh sáng. Nếu chúng ta có bất cứ câu chuyện nào muốn kể, nghệ sĩ sáng tạo Nguyễn Duy Linh có thể giúp chúng ta tạo ra những câu chuyện của riêng mình trên đèn giấy. Khi ánh sáng được thắp lên cũng chính là lúc câu chuyện bắt đầu được kể. Mỗi lớp giấy sẽ chứa đựng một ý nghĩa riêng, các lớp giấy kết hợp với nhau sẽ tạo ra một câu chuyện hoàn chỉnh.

Những tác phẩm đèn giấy nghệ thuật của Duy Linh khắc họa hình ảnh Hà Nội vô cùng sống động. Ảnh NVCC

Những tác phẩm đèn giấy nghệ thuật của Duy Linh khắc họa hình ảnh Hà Nội vô cùng sống động. Ảnh NVCC

Ngắm nhìn những sản phẩm đèn giấy nghệ thuật của Duy Linh, tôi như lạc vào một Hà Nội thu nhỏ. Trong từng mẫu đèn là những hình ảnh về một Hà Nội thanh bình và cổ kính như: Tháp Rùa, Khuê Văn Các, Chùa Một Cột và những góc phố, con đường, gánh hàng rong, xích lô hay hình ảnh về vùng ngoại ô Hà Nội có những đứa trẻ đang thả diều, chăn trâu. Hy vọng những sản phẩm của Duy Linh sẽ ngày càng được mọi người biết đến nhiều hơn, để bạn bè trong nước và quốc tế sẽ có những cảm nhận rõ hơn về Hà Nội.

Theo qdnd.com.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tai-hien-hinh-anh-dac-trung-cua-ha-noi-qua-den-giay-nghe-thuat-5020882.html