Truyện ngắn Phùng Văn Khai: Dấu ấn khúc dạo đầu
Phùng Văn Khai thuộc số các nhà văn ưa kiểm định mình bằng những trải nghiệm thể loại. Trong khoảng hơn hai mươi năm cầm bút, anh đã in gần 30 đầu sách bao gồm truyện ngắn, bút kí, thơ, tiểu thuyết và gần đây là các chân dung lịch sử và chân dung văn học.
Có thể nói, bằng sự nỗ lực sáng tạo không ngừng, Phùng Văn Khai đã tạo được những dấu ấn đáng kể cho mỗi sự lựa chọn thể loại ấy. Và, hẳn nhiều người sẽ đồng ý rằng, để tạo nên gương mặt văn chương Phùng Văn Khai hôm nay, truyện ngắn từng là thể loại có số phiếu bầu cao nhất.
Thực tiễn cho thấy, truyện ngắn chưa bao giờ là một "bài tập dễ" hay một "bài tập đầu đời" như có người ngộ nhận, mà ngược lại, chính những đỉnh cao, những mẫu mực đã có và cả những "gông cùm" của thể loại luôn là những thách đố khiến người viết có thể sờn lòng. Viết văn vốn dĩ dễ trắng tay. Với truyện ngắn thì có vẻ càng như vậy. Anh sẽ khám phá được gì đây, lựa chọn lối viết nào đây khi mà mọi thứ dường như đã được viết ra ở đâu đó vào một lúc nào đó rồi.
Kỳ vọng vào một cuộc cách tân cho thể loại trong hoàn cảnh hiện nay có lẽ là không tưởng. Trong tình thế viết đầy thử thách ấy, Phùng Văn Khai và nhiều cây bút khác cùng thế hệ mình, dường như không còn sự lựa chọn nào khác, đã phải “lách luật”, phải bứt phá ngay trên chính những bờ vùng bờ thửa tưởng như đã đông kết ấy, để rồi làm đứt gẫy dần chính những sự đông kết ấy.
Đọc truyện ngắn Phùng Văn Khai, không thấy sự làm dáng chữ nghĩa, cũng không thấy các kiểu "lạ hóa" cấu trúc văn bản. Điều này cũng có nghĩa, viết truyện ngắn, Phùng Văn Khai không lấy cách tân hình thức làm đầu. Ấn tượng đầu tiên trong thế giới truyện của Phùng Văn Khai là sự đồng hành và chung sống của nhà văn với những kiếp người bất hạnh khổ đau. Có thể nhận ra, kiểu con người lam lũ, bất hạnh khổ đau đã tạo thành tâm điểm tự sự trong thế giới nghệ thuật của anh.
Truyện ngắn Phùng Văn Khai gợi ra nhiều ám ảnh. Trước hết là ám ảnh chiến tranh. Viết về chiến tranh, Phùng Văn Khai quan tâm đến những thân phận đằng sau tiếng súng. Có lẽ chính cái khoảng lặng ấy đã làm nên chất ưu tư sâu lắng cho các sáng tác của anh. Và cũng do thế, truyện của anh thường hay hơn ở những phần thể nghiệm thân phận con người đằng sau chiến cuộc.
“Cúc tần sông” là câu chuyện day dứt về một thế giới người phải sống và yêu trong sợ hãi. Chiến tranh đã biến họ, thầy Hoàn, cô Phương, tình yêu của họ, và hình như tất thảy, thành kẻ thua cuộc. Sự thinh lặng của dòng sông sau hoang tàn đổ nát, chút thoáng se lòng của người cầm bút nơi kết truyện đã để lại một âm hưởng sâu xa.
“Bên bến đò Lăng” mang một nỗi buồn khan, hoang vắng. Một tiếng nấc nghẹn. Cả những giọt nước ầng ậc chỉ trực trào ra nơi khóe mắt. Bến Lăng thăm thẳm tuổi thơ, đọt cúc tần, giậu tơ hồng và hình như cả chút thoáng ẩn ức khác giới từ cõi mịt mù của vô thức. Bến Lăng, dì Lụa, bà ngoại, cái mô-tip "bến đợi", "người đàn bà chờ" thêm một lần được nhà văn diễn giải tinh tế, xúc động.
Nếu “Cúc tần sông”, “Bên bến đò Lăng” gợi ra những ám ảnh hậu chiến thì “Người đàn ông và bức tường” lại có sự chen lấn gợi cảm giữa những ký ức tang thương với cái hỗn tạp của đời sống đương đại. Không chốn nương thân, người đàn ông thảng thốt trốn chạy và lẩn tránh cuộc đời. Dường như anh chỉ tìm thấy chút bình yên sau cùng trong một thế giới khác - thế giới lặng câm của đứa bé tật nguyền, cái "thế giới không có tiếng người và tiếng súng. Thế giới không có lừa lọc và những cánh rừng cháy". Nhưng đó lại là thế giới mà sự đau đớn được thắt buộc lại đến kì cùng.
Truyện ngắn Phùng Văn Khai cũng có những trải nghiệm hay về người lính. Nếu “Những người đốt gạch” dựng nên cái đẹp nguyên sơ đầy chất lính trong lấm láp đời thường thì “Cống ngầm” lại là một bài hát đau thương ngợi ca con người, ngợi ca người lính. Ở đó, chính từ cái kết cục đầy xót xa đã ánh lên lấp lánh phẩm chất người từ những hy sinh không cần hồi đáp, vọng âm. “Người đàn ông có bàn tay cụt ngón” lại là một ám dụ về thân phận lính khi họ rời cây súng. Những con người dũng cảm và rất đỗi thiệt thòi kia, rất nhiều khi, ở những góc khuất của lịch sử, của cuộc đời, họ đã bị lãng quên. Một nỗi niềm khôn khuây, một điều riêng thầm kín mà tác giả muốn nhắn nhủ với chúng ta chăng?
Đọc truyện ngắn Phùng Văn Khai, còn có thể nhận ra ở tác giả một cảm niệm sâu sắc về nông thôn và thân phận người nhà quê. Trước hết, đó là sự chung sống cùng của nhà văn với bao khốn khó lao lung, với những khuất khúc của cuộc đời người dân đen trong những thời khắc ngặt nghèo của lịch sử. “Bên kia sông”, “Mênh mông trời nước” là những truyện ngắn hay nằm trong trường hợp này.
Truyện về nông thôn của Phùng Văn Khai mang tính thời sự sâu sắc. Viết về nông thôn, anh quan tâm đến cái nhà quê thời loạn. Công nghiệp hóa kề cận với bần cùng hóa và lưu manh hóa. Nếu “Hương đất nung”, “Những người đốt gạch” như còn phảng phất đâu đây mùi lửa bén của hương đất, tình đời thì “Bệnh xá thị trấn”, “Hương ngọc lan” lại mang hơi thở bề bộn của đời sống hôm nay. Thời buổi nhố nhăng là cơ hội để quan tham nhũng nhiễu, một lời cảnh báo của nhà văn về sự bần cùng hóa, lưu manh hóa con người theo kiểu mới, phải vậy chăng?
Một đóng góp có ý nghĩa khác của Phùng Văn Khai vào đời sống văn xuôi đương đại là các truyện ngắn có đề tài lịch sử. Viết truyện lịch sử, Phùng Văn Khai khéo xen cài số phận cá nhân với số phận của cộng đồng, của dân tộc. Mượn xưa để nói nay có lẽ cũng là một ẩn ý kín đáo của nhà văn. Truyện ngắn lịch sử của Phùng Văn Khai còn hấp dẫn bởi chất suy tư sâu lắng ẩn tàng qua từng con chữ, bởi khả năng khơi gợi tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt thẳm sâu. Những tiếng trầm của núi sông, của con người, cảnh vật, qua khả năng hư cấu và diễn giải của nhà văn nhiều khi khiến người ta run lên vì xúc động. “Hồn Quỳnh”, “Huyền thoại sông Lăng”... là những thí dụ tiêu biểu cho trường hợp này.
Đọc Phùng Văn Khai, người ta không khỏi bất ngờ bởi mảng truyện về vùng cao. “Nước mắt trúc”, “Đêm trăng thiêng”, “Tiếng khèn”... là những bằng chứng cho thấy khả năng nắm bắt, diễn tả ngôn ngữ, tính cách người vùng cao Tây Bắc, Tây Nguyên khá nhuần nhuyễn của tác giả. Lại có thể nhận ra trong “Thập bát điền trang” một câu chuyện đầy nhân bản và những diễn tả tinh tế, sâu sắc thế giới tâm tư các nhân vật nữ.
Truyện ngắn Phùng Văn Khai còn ám ảnh bởi các dòng sông. Dường như luôn có một nhịp đập thẳm sâu trong trái tim và điệu hồn của người nghệ sĩ về những bến sông thuở xa xưa. Sông Lăng hay những dòng sông vô danh thời thơ ấu. Rồi những hồn quỳnh, hương ngọc lan, hương nhài, hương sen... những tinh thể của tự nhiên luôn hiện ra vừa mãnh liệt vừa pha chút khắc khoải, bất an... Tôi rất thích các trang văn anh tả những chuyến tàu đêm. Hoang vắng và cô độc. Cả những miền sơn khê lạnh giá. Những đầm ao đầy ắp ký ức thuở xa xưa...
Đọc truyện ngắn Phùng Văn Khai, thấy hình hài thân phận con người in dấu bóng đậm sâu. Có lẽ bởi cái tự nhiên của cảm xúc, bởi sự chân thực của cái nhìn nên truyện ngắn của anh không lộ ra kỹ thuật. Phùng Văn Khai cũng được xem là người khéo tạo tình huống và không khí truyện. Ngôn ngữ người kể chuyện trong tác phẩm của anh lôi cuốn, ở các truyện lịch sử đôi khi còn khoát hoạt hào sảng, thể hiện được sự tài hoa.
Nhiều truyện ngắn của Phùng Văn Khai đã hé lộ được chất giọng riêng của anh: vừa nồng nhiệt ân tình vừa xót xa, vừa sâu lắng trầm tư vừa phảng phất giang hồ phiêu dạt. Văn miêu tả của Phùng Văn Khai tinh tế. Anh luôn có cách thức riêng trong diễn đạt những điều mình quan sát, lắng nghe. Những "gục gặc", "khào khào", "hút hắt", "vít vổng", "nủ nín" trong văn anh khiến thiên nhiên, con người dường như sống động hơn. Chắc hẳn, tâm hồn mẫn cảm và cái "hồn vía nhà quê" đã giúp anh rất nhiều.
Đọc các truyện ngắn của Phùng Văn Khai ở buổi đầu, dễ nhận ra một trạng thái sáng tác rõ rệt của anh: thái độ chân thực, sự phê phán riết róng cộng sinh với cái nhìn nhân bản. Tuy nhiên, chính điều này đôi khi cũng gây bất lợi cho tác giả trong tiết chế cảm xúc và chế ngự cấu trúc mạch truyện, và đôi khi, người viết đã vô tình làm lộ ra chủ ý của mình. Giờ đây, khi cái hăm hở nồng nhiệt của người mới viết được thay thế bằng sự sâu lắng của suy tư, khi tinh thần phê phán được hoán đổi bằng sự đào bới bản thể tâm hồn và sự lí giải chiều sâu thân phận con người, thì cũng là lúc văn chương Phùng Văn Khai đã vào độ chín.
Gần đây, Phùng Văn Khai bứt phá sáng tạo sang lĩnh vực tiểu thuyết. Là một nhà văn chuyên nghiệp, chắc anh hiểu, tiểu thuyết không phải là sự kéo dài giản đơn của truyện ngắn, mà là một con đường riêng với những tiềm thể và thách thức riêng. Điều đáng mừng là, “Hư thực”, “Hồ đồ” (với những thể nghiệm sâu về thi pháp) và đặc biệt là sáu cuốn tiểu thuyết lịch sử đồ sộ “Phùng Vương”, “Ngô Vương”, “Nam Đế Vạn Xuân”, “Triệu Vương phục quốc”, “Lý Đào Lang vương”, “Lý Phật Tử định quốc” của anh vừa mới ra đời đã gây tiếng vang trong giới phê bình và bạn đọc.
Có thể nói, việc nhà văn sáng tác được trên nhiều thể loại cũng có lợi thế giống như một người đấu võ biết được nhiều thế đòn, miếng đánh. Anh ta dường như có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn tư thế phát ngôn và mở rộng chân trời sáng tạo cho mình, và hiển nhiên, cũng phải đối mặt với những bất trắc, hiểm nguy. Hãy còn sớm để có thể tổng kết về Phùng Văn Khai, song theo tôi, anh là người có nhiều duyên phận với truyện ngắn. Và chính trong khúc dạo đầu đầy thử thách này, anh đã tạo được một dấu ấn riêng, một dấu ấn mang tính bản thể của người cầm bút.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/truyen-ngan-phung-van-khai-dau-an-khuc-dao-dau-i669974/