Truyện ngắn: Yêu cô thanh niên xung phong

Nhận được giấy báo trúng tuyển, bác vui đến độ có thể ngất ra vì xúc động. Vậy là bác trở thành nhân vật của làng, nhân vật sẽ xuất ngoại.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Anh nói lời chia tay, tôi tan nát.

Muốn để vị mặn của biển vuốt ve, để sóng biển vỗ về, để thấy mình không hiu quạnh, tôi rũ rượi ra biển, lơ đễnh bước trên những lớp sóng trắng mỏng mảnh dội nhẹ vào bờ…

Ngồi thu lu ôm gối như ôm vết thương rách nát, bỗng nghe có tiếng trầm khàn:

- Bác ngồi bên cạnh được không?

Ngẩng lên nhìn, người đàn ông lịch lãm, mái tóc muối tiêu, chiếc bụng bệu rệu của người ít vận động phệ ra nhưng trông vững vàng, nhanh nhẹn. Tôi cười thật lễ phép:

- Dạ, bác cứ ngồi nếu thích ạ!

Bác ngồi xuống cạnh tôi, không nói gì thêm, đưa mắt nhìn về phía xa ngái. Tôi nhìn vào đôi mắt ấy, có niềm u uẩn, hun hút... Nỗi buồn thường đồng cảm với nỗi buồn, tôi hoàn toàn dễ chịu khi ngồi bên cạnh. Phải chăng đây là cảm giác của người bộ hành giữa bãi cát dài, chân sắp bỏng vì nóng thì gặp tán cây to. Tôi bắt đầu cuộc thoại.

- Sao bác lại ra biển một mình ạ?

- Ở với biển, bác sẽ không một mình. Còn cháu?

- Cháu ra biển để biết, chỉ có biển là còn mãi… không như những thứ khác.

- Hình như cháu có tâm sự?

Tôi cười buồn tênh. Rồi tôi thành thật kể về cuộc tình cháy bỏng nhưng rồi những ngày đắm say đã không còn, lí do vì tôi đã không thể làm người ấy có được danh vọng. Ra biển với mong muốn khi nhìn bầu trời bao la, nhìn biển thênh thang sẽ thấy cuộc sống không chật chội trong một cuộc tình nhạt nhẽo, để không phải gào thét như con ngựa trúng đao nữa.

- Bác thì ngược lại - bác cười hiền từ chậm rãi nói - mỗi lần nhìn biển thì lại thấy bóng dáng ấy. Nên mỗi lúc nhớ, bác thường đến với biển.

- Thế bây giờ “người ấy” thế nào rồi ạ?

Bác lặng thinh, mắt sụp xuống cùng nỗi buồn thăm thẳm, tôi bối rối:

- Cháu xin lỗi vì câu hỏi hơi riêng tư.

Bác lắc đầu ra ý không sao rồi đưa tay chỉ lên trời, trời chiều trong xanh:

- Người ấy đang nhìn bác cháu ta đấy.

Tôi im lặng, như muốn chia sẻ cùng điều gì đó, không rõ ràng. Rồi bác kể, kể thật say sưa, ngậm ngùi.

Sinh phải thời loạn lạc, có quá nhiều thứ tan tác. Lớp đang học thì chiến trường sục sôi, khi Tổ quốc gọi tên, nhiều bạn gấp sách vác súng ra trận. Bạn bè ở nhà kiên trì rèn luyện, nói với nhau, tri thức sẽ trở thành hậu phương vững vàng cho tiền tuyến.

Rồi một hôm, bác và một số bạn được vinh dự lên ngồi họp với Ban Giám hiệu. Thầy hiệu trưởng nói:

- Cấp trên đang có kế hoạch cho học sinh du học. Nhà trường đã xét quá trình học tập, rèn luyện và quyết định chọn các em. Nếu sức khỏe tốt, các em sẽ được cử đi dự thi lớp đặc biệt tại Hà Nội do Bộ trưởng ra đề.

 Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Lúc nghe tin này, ai cũng nôn nao hồi hộp, ngỡ ngàng và vô cùng hãnh diện. Những bạn được nhà trường chọn sẽ nghỉ học để đi khám sức khỏe, nơi sơ tán của bệnh viện tỉnh là một thẻo đất vùng núi tiêu sơ hoang vắng. Qua bao dốc núi, mặt đứa nào cũng nhem nhuốc vì bụi.

Tụi con trai lém lỉnh, nhanh nhẹn cởi áo nhảy tủm xuống sông. Hùm hụp ngụp lặn, đùa bỡn dưới dòng nước xanh um, mát lạnh. Bọn con gái e lệ, để nguyên trang phục, thập thò ra mép sông rửa ráy.

Có nàng lò dò ra xa một chút, ngụp xuống, mái tóc ướt ôm bờ vai thon, cổ áo tuột xuống để lộ làn da trắng ngần. Bước lên bờ, lúng túng vì quần áo bết sát người, những nét cong mỹ miều lồ lộ. Tụi con trai có đứa mắc cỡ, giả vờ như không nhìn thấy gì nhưng đỏ cả mặt.

Sau khi khám, bác đạt yêu cầu số một, chắc là nhờ ngày nhỏ vật lộn với ruộng đồng. Các bạn đều đạt (thua bác một tí). Riêng cô bạn gái xinh xắn nhưng vì xanh xao và mong manh nên không đạt. Cả đoàn buồn theo vì cô cứ khóc mãi… Lúc đi háo hức, ra về im thin thít cứ như đứa nào cũng sợ nói ba láp không chừng vô tình làm cô bạn tủi thân.

Rồi bác và các bạn nhận được giấy báo ra Hà Nôi dự thi. Cuống quýt chuẩn bị cho một chuyến đi. Tập trung cao độ khi đặt bút làm bài. Hy vọng…

Về nhà sau khi đã kết thúc cuộc sát hạch, trong lúc đứng tần ngần đợi người nhà đến đón, bác dò dẫm bước xuống lề đường, đi thẳng đến bãi cỏ nơi con sông quê yên ả chảy qua thị xã. Bất ngờ nhìn thấy một cô gái, thướt tha, mĩ miều. Dáng người mảnh khảnh, mái tóc đen huyền ôm trọn đôi vai tròn. Chiếc quần đen mềm, áo trắng ngắn tay, lỏng lẻo quảy đôi thùng múc nước

.Cô gái đứng vén quần trước khi lội nước, bác bắt gặp đôi chân thon, trắng ngọc ngà, đôi tay trần láng mịn, ngỡ ngàng: “Hóa ra làng mình cũng có cô gái xinh thế này?” rồi lững thững đi theo cô gái. Nàng đi về phía một ngôi nhà nằm sau những tàng cây to.

Nhận được giấy báo trúng tuyển, bác vui đến độ có thể ngất ra vì xúc động. Vậy là bác trở thành nhân vật của làng, nhân vật sẽ xuất ngoại.

Trước khi lên đường, bác đi thăm và tạm biệt bạn bè. Đến nhà Trần Đức Hậu, người cùng bác đi khám sức khỏe và đã đạt yêu cầu, chờ ngày đi thi nhưng lại xung phong ra trận khi có đợt tuyển quân. Hỏi han tin tức bạn, động viên gia đình chờ ngày chiến thắng, sum họp.

Lo giấy tờ để chuẩn bị đi Hà Nội, thật tình cờ, hôm lên ủy ban nhân dân xã bác lại gặp ngay cô gái gánh nước hôm nào. Hôm nay đã là nhân vật sắp xuất ngoại rồi nên trông bác ra dáng lắm.

Trong khi cùng chờ đợi, bác tự tin nấn ná lại làm quen. Thì ra cô gái là người Hà Nội, là cháu của nhà ông mà hôm ấy cô gánh nước, đang nghỉ Hè nên về quê chơi. Được diện kiến nàng rõ hơn. Mặt trái xoan... Đôi mắt đen. Giọng nói dịu dàng… Có duyên đáo để. Trái tim thằng con trai mới lớn bắt đầu mộng mơ…

Còi tàu hét lên, lăn bánh… Ga Hàng Cỏ là điểm dừng.

Lúc chia tay, người nhà và bạn bè đưa tiễn đều dúi tiền vào túi, gọi là tiền nước. Đến kinh đô, những món ngon đất Hà Thành bắt đầu làm cho mấy chàng nhà quê háo hức. Bác thì thầm với mấy bạn:

- Này! Chúng mình khi ăn uống phải để lại một ít dưới đáy ly. Đừng ăn cạn, uống cạn nha. “Quê”, người ta cười cho đó!

Ở quê, khi ăn phải ăn hết, nếu để dư, gọi là để mứa, kiêng. Uống thì phải uống hết vì trà dưới đáy là trà ngon. Mấy người bạn tưởng điều bác nói là “chân lí” nên làm theo răm rắp.

 Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Một hôm, lang thang bên Bờ Hồ, bỗng nhiên bác nhìn thấy một dáng người quen quen, lại gần, thì ra là cô nàng gánh nước. Bác và cô gái đã tự nhiên và thân mật hơn. Những lần hẹn hò, nói nhiều hiểu nhiều, phải lòng nhau. Rung động đầu đời không nồng nàn nhưng cũng không nhợt nhạt để dễ lãng quên. Một lần, cô gái hỏi:

- Khi anh về, em có được gặp anh nữa không?

- Anh sẽ tìm em.

- Em không hình dung chúng ta sẽ khác như thế nào so với bây giờ?

- Chúng ta sẽ là vợ chồng.

- Nhưng…

- Có gì khó nói à?

- Anh học rộng tài cao còn em chỉ là một cô thợ may.

- Anh nhất định sẽ cưới em.

Sau một thời gian nghỉ ngơi, thầy ở Bộ bắt đầu cho học sinh học những điều thuộc phong tục châu Âu để ứng xử khi xuất ngoại. Người bên đó họ coi trọng phụ nữ, người già và có những “luật bất thành văn” khi ứng xử nơi công cộng. Thầy nhấn mạnh, đó là những điều tối thiểu mà mỗi người phải tự nhớ để thực hiện. Nếu ai không làm được thì sẽ bị đánh giá là “người thiếu văn hóa”. Mà bên đó, câu này là câu chê trách nặng nhất.

Bác sẽ đến thành phố Ki-ép. Bộ thông báo còn 10 ngày nữa tàu liên vận sẽ đưa du học sinh đi qua ga biên giới Lạng Sơn, sang ga Bằng Tường, xuôi về Bắc Kinh, qua Mông Cổ và sang Nga. Ngày hôm sau, bác và mọi người lên kho của Bộ, cũng ở ngay trong Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận trang phục cá nhân và hành lý để chuẩn bị lên đường.

Vận vào người bộ trang phục mới, bác tự thấy mình đứng đắn, đường bệ. Vóc dáng khỏe mạnh, ngực nở, thân người chắc, mập mạp nên chiếc com lê căng ra đầy đặn. Đôi giày đen mũi nhọn, mỗi khi đi lại cứ lộp cộp uy nghi, nhìn thật điệu đàng.

Ngày hôm ấy thật đặc biệt, mọi người không còn nhận ra nhau nữa. Một đoàn người ăn mặc lịch duyệt, com lê, áo sơ-mi trắng thắt cavat, gương mặt sáng ngời, thông minh. Tất cả không mang theo tư trang cũ. Màu áo đã khác xưa, lý tưởng thì vẫn vậy.

Lần đầu tiên được nghe một vị Bộ trưởn gphát biểu, giọng rất trầm ấm và giản dị:

- Các em thân mến! Từ hôm nay, các em được Nhà nước giao cho nhiệm vụ học tập ở nước ngoài, tiếp xúc với nền khoa học tiên tiến trên thế giới,trong khi cả nước còn chiến tranh ác liệt. Các em phải như người lính trên mặt trận khoa học kỹ thuật, phải học và phải chiến thắng.

Sang đó, các em phải trau dồi ngoại ngữ thật giỏi để tiếp thu, học tập lấy những điều bổ ích, đi sâu vào nghiên cứu khoa học, học tập có phương pháp và hiệu quả, để sau này về xây dựng lại đất nước giàu đẹp và đàng hoàng. Các em phải thật tỉnh táo để chiến thắng những cám dỗ về vật chất.

Chiều ấy, máy bay lại ra ném bom vùng lân cận. Tiếng gào rít của phản lực. Tiếng pháo nổ khắp vùng. Tất cả im lặng nhìn nhau, vậy là bạn bè đang chiến đấu, ta cũng là những người lính mặc com lê, đi đến nơi ấy để chuẩn bị cho ngày mai xây dựng lại những làng mạc phố xá bị tàn phá hôm nay.

Trau dồi, rèn luyện với tâm niệm về phụng sự Tổ quốc. Những cám dỗ không làm giảm sự kiên cường của người lính trên mặt trận tri thức. Bận rộn với những bài luận, đề án nhưng không nguôi nỗi nhớ nhà. Người viễn xứ luôn cô đơn giữa chốn đông người. Cái hào nhoáng, uy nghi của nước bạn càng làm người xa quê thấy cô đơn, nhỏ bé.

Ngày trở về, nước mắt rơi khi chân vừa đặt xuống mảnh đất quê hương.

Đến thăm bạn cũ, rụng rời khi biết Đức Hậu đã anh dũng hy sinh ngoài chiến trường. Vội vàng thu xếp thời gian đến nhà người quen của bạn gái. Bác ấy cho hay, cô gái đã trở thành một nữ thanh niên xung phong. Nghẹn ngào khi biết nàng thật dũng cảm phá bom trên một cao điểm và hy sinh trong một lần đang làm nhiệm vụ.

***

Đất nước hòa bình. Người lính không cầm súng ngày nào đã trở thành một quan chức không nhỏ. Có trong tay rất… rất nhiều thứ. Mất đi người mình yêu thương nhất, cô thanh niên xung phong bé nhỏ.

Nguyễn Thị Bích Nhàn (Giáo viên Trường THCS và THPT Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-yeu-co-thanh-nien-xung-phong-post695240.html