Truyền nhân của nền văn hóa Thái
Ngoài công việc chuyên môn, ông gần như dành trọn thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu, sưu tầm những giá trị văn hóa của dân tộc mình với mong muốn gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Ông coi những gì mình góp nhặt để cho ra đời cuốn từ điển Thái - Việt là khối tài sản vô giá của một đời người.
Khao khát học chữ Thái cổ
Sinh ra và lớn lên ở Mường Ca Da, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa); ngay từ nhỏ, thường vào các buổi trưa, sau bữa ăn, cậu bé Hà Văn Thương được nghe những cụ già ngâm nga các tập truyện với làn điệu trong sáng, thiết tha, ca từ nhẹ nhàng như: Trường ca Ú Thêm, Chàng Cung, Chàng Tư mà tiếng Thái gọi là “khặp xư”, na ná việc ngâm thơ trong tiếng Việt. “Nội dung các tập truyện, làn điệu khặp xư ngấm vào tâm hồn tôi lúc nào không biết. Vậy nên ngay từ nhỏ, tôi khao khát học chữ Thái cổ”- ông Thương nói.
Tưởng như, ước mơ to lớn đó sẽ mãi chỉ tồn tại trong suy nghĩ của ông Thương như bao người Thái khác. Nhưng không, ông đã nỗ lực, vượt qua mọi rào cản khó khăn về vật chất, khoảng cách địa lý để vươn lên trong học tập và trưởng thành. Ông Thương kể rằng: Dường như Tạo hóa đã giao cho ông trọng trách đối với dân tộc mình. Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, ông quay trở lại quê hương công tác, đảm nhận việc giảng dạy con chữ cho con em dân tộc mình. Ông nhanh chóng trưởng thành và được giao giữ nhiều trọng trách quan trọng và được đi đến nhiều nơi, giúp cho ông càng thêm tự hào về tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Ông Thương đi nhiều nơi trong tỉnh, trong các huyện có đông đồng bào Thái sinh sống, rồi sang cả nước bạn Lào. Đi đến đâu ông cũng nhận thấy, dùng chữ Thái cổ nói chuyện với nhau tình cảm hơn, thân mật hơn. Khi truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng ngôn ngữ dân tộc, bà con dễ hiểu, tiếp thu tự giác, biểu lộ tình cảm thân mật hơn. “Tôi đi sang các tỉnh Hủa Phăn, Bô Li Khăm Xay, Viêng Chăn... của nước bạn Lào, nơi nào cũng vậy. Khi bạn hỏi quê quán “bán cớn mương non” ở đâu? Nếu trả lời, ở Quan Hóa có người biết, người không, nhưng khi tôi nói, tôi ở Mường Ca Da thì lớp người cao tuổi hầu như đều biết và tỏ thái độ rất thân thiện.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu nhiều năm, ông Hà Văn Thương đúc rút rằng: Ngôn ngữ giao dịch thông thường ở vùng biên giới Việt - Lào chủ yếu đồng bào sử dụng tiếng Thái. Mặt khác, theo suy nghĩ của ông, không dễ gì một dân tộc có tiếng nói, chữ viết nhưng có rồi thì việc gìn giữ, phát huy cần được quan tâm nhiều hơn. Và thực tế đã chứng minh, có không ít dân tộc phải mượn chữ viết, tiếng nói của dân tộc khác làm ngôn ngữ phổ thông, đó là sự thiệt thòi vô cùng đáng tiếc. Đến giai đoạn hiện nay, trong xu thế hội nhập và phát triển nếu không có ý thức và quyết tâm cao trong việc gìn giữ, phát huy nền văn hóa của dân tộc mình thì cũng như một số dân tộc khác, văn hóa Thái nói chung, ngôn ngữ Thái nói riêng sẽ ngày càng mai một, có nguy cơ bị triệt tiêu. Như vậy, văn hóa Việt Nam sẽ mất đi một mắt xích quan trọng trong sự phong phú đa dạng của thể thống nhất văn hóa Việt Nam.
Chính vì những lý do nói trên, ông Hà Văn Thương bàn với một số trí thức của dân tộc mình, họ là những người đồng quan điểm, có chung tâm huyết đóng góp vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Thái như ông Hà Công Mậu, Hà Nam Ninh, Cầm Vương... nên chọn một việc gì đó để làm. Sau nhiều lần bàn bạc, ông quyết định làm sách, biên soạn cuốn từ điển Thái - Việt Thanh Hóa. Ý tưởng là vậy, song để biên soạn sao cho bạn đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ sử dụng thật vô cùng gian nan.
Thiết thực đối với việc học chữ Thái
Để làm được cuốn từ điển Thái - Việt Thanh Hóa, ngoài việc sưu tầm tài liệu trong suốt cả quá trình công tác, ông Hà Văn Thương còn tham khảo thêm ý kiến của một số người đã có kinh nghiệm làm sách, có nhiều sách được xuất bản; tham khảo ý kiến của một số thầy giáo, chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ học. Song, hầu hết những người được đào tạo bài bản lại không biết tiếng, không biết chữ Thái cổ Thanh Hóa. Vì vậy, họ chỉ có thể đưa ra một số ý kiến mang tính lý luận, nguyên tắc cơ bản của việc biên soạn từ điển. Đối với anh em người Thái có trình độ thì lại biết tiếng mà không biết chữ nên thường chỉ góp ý một cách chung chung.
Ông Hà Văn Thương nhớ lại: Sau nhiều ngày trăn trở, suy nghĩ và qua nghiên cứu các cuốn từ điển của Hoàng Phê, Nguyễn Như Ý, nghiên cứu tình hình thực tế ở Thanh Hóa và một số tỉnh có đông đồng bào Thái sinh sống như Sơn La, Yên Bái, Điện Biên..., ông Thương quyết định bắt tay vào việc làm sách “Từ điển Thái - Việt Thanh Hóa”. Ông không đi quá sâu vào những vấn đề mang tính học thuật mà chỉ vận dụng một số chủ đề cơ bản của nguyên tắc biên soạn từ điển. Về hình thức thể hiện, để dễ tra cứu và giúp mọi người có thể tự học tiếng Thái, chữ Thái cổ dễ nhất, nhanh nhất; qua đó giúp người dân tộc Thái hiểu sâu hơn về tiếng Việt, ông Thương kẻ thành 4 cột gồm: Chữ Thái cổ Thanh Hóa, dùng chữ Quốc ngữ phiên âm tiếng Thái - nghĩa tiếng Việt và phần giải thích thêm các từ đa nghĩa.
Cuốn từ điển được chia làm ba phần gồm: Bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa, cách đọc và từ tương ứng với chữ Quốc ngữ; các từ, cụm từ, mục từ liên quan đến các mối quan hệ trong sản xuất, trong đời sống và trong thiên nhiên; hệ đếm đến một tỷ. Ông Thương tâm sự: “Thực ra, lúc đầu tôi chỉ có ý định biên soạn khoảng 2.500 từ để phục vụ đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, các y bác sĩ, thầy cô giáo là người dân tộc khác sinh sống, làm việc tại vùng Thái Thanh Hóa. Nhưng sau đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhiều người, tôi hoàn thành cuốn từ điển với hơn 5.500 từ. Nếu tính cả các từ viết bằng chữ Thái cổ và phần phiên âm thì cuốn sách có hơn 20.000 từ”. Cũng theo ông Thương, để xuất bản được cuốn từ điển Thái - Việt Thanh Hóa, ông đã phải xây dựng phần mềm chữ Thái cổ Thanh Hóa. Vì nếu dùng chữ Thái cổ mà ông Cầm Vường, Cầm Trọng biên soạn thì người đọc không đọc được các tập truyện viết tay bằng chữ Thái cổ ở Thanh Hóa.
GS.TS ngôn ngữ học Trần Trí Dõi nhận xét: “Có thể khẳng định, đây là cuốn từ điển đầu tiên ở Thanh Hóa được thể hiện cả bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa, được soạn thảo rất công phu. Cuốn sách phản ánh trung thực, chính xác, khách quan các mối quan hệ trong tự nhiên, trong xã hội bằng ngôn ngữ Thái và ngôn ngữ Việt. Cuốn từ điển Thái - Việt Thanh Hóa rất hữu ích đối với việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Nó đặc biệt có ý nghĩa trong việc giảng dạy chữ Thái cho đội ngũ cán bộ đang công tác ở vùng có đông đồng bào Thái sinh sống cũng như giảng dạy chữ Thái cho con em dân tộc này”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/truyen-nhan-cua-nen-van-hoa-thai-tintuc457155